TP.HCM phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao

Quang Sung Chủ nhật, ngày 24/12/2023 17:52 PM (GMT+7)
Thành ủy TP.HCM đánh giá, sau 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Kế hoạch số 09-KH/TW và Chương trình hành động số 28-CTrHĐ/TU, nông nghiệp, nông dân, nông thôn TP.HCM tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực.
Bình luận 0

Theo đó, tình hình nông nghiệp trong 1 năm qua tiếp tục chuyển dịch theo định hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học. TP.HCM đã thực hiện phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện đặc thù của thành phố.

GRDP nông lâm thủy sản TP.HCM 8 tháng đầu năm 2023 vượt chỉ tiêu - Ảnh 1.

GRDP nông lâm thủy sản TP.HCM 8 tháng đầu năm 2023 vượt chỉ tiêu đặt ra. Ảnh: Q.S

Trọng tâm là những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP gắn với nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tiềm năng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Tốc độ tăng trưởng GRDP nông lâm thủy sản năm 2022 đạt 8.390 tỷ đồng, tăng 3,74% so với cùng kỳ; 8 tháng đầu năm 2023 ước đạt 7.302,6 tỷ đồng, tăng 2% so cùng kỳ, vượt chỉ tiêu đề ra.

Tuy nhiên, Thành ủy TP.HCM nhận định, sản xuất nông nghiệp thành phố vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai, nhất là dịch bệnh Covid-19. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng giảm do quá trình đô thị hóa; quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp chưa cụ thể; các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp chậm đổi mới; việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ cao còn hạn chế.

Tình trạng sản xuất nhỏ, phân tán còn phổ biến, sức cạnh tranh chưa cao, chưa đáp ứng tiềm năng và yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Trong 1 năm qua, Thành ủy TP.HCM đánh giá nông dân thành phố tiếp tục phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, học tập nâng cao trình độ, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, gắn với thi đua thực hiện tiêu chí “Người nông dân mới TP.HCM”.

GRDP nông lâm thủy sản TP.HCM 8 tháng đầu năm 2023 vượt chỉ tiêu - Ảnh 3.

Nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị đang được TP.HCM khuyến khích phát triển. Ảnh: L.G

Theo Thành ủy TP.HCM, nông dân TP.HCM ngày càng khẳng định vai trò chủ thể trong quá trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Qua đó, phát huy truyền thống đoàn kết, nghĩa tình, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững với mô hình “nông dân khá giúp nông dân khó”; thực hiện tốt phương châm của thành phố “lấy sức dân chăm lo cho dân”.

Thụ hưởng những thành quả từ phong trào xây dựng nông thôn mới, đời sống và thu nhập của người nông dân ngày càng được cải thiện, từng bước thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa nông thôn và thành thị.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, đời sống của hội viên nông dân còn gặp khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh. Việc sản xuất nông nghiệp vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thu nhập không ổn định; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân bị ảnh hưởng do một số dự án quy hoạch chậm triển khai thực hiện... Do đó, một bộ phận hội viên nông dân chưa an tâm đầu tư mở rộng sản xuất và có xu hướng chuyển đổi ngành nghề sản xuất sang phi nông nghiệp.

Qua 1 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, TP.HCM ghi nhận nhiều kết quả đáng khích lệ. Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Thành phố đã hoàn thành sớm chương trình nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2016-2020.

GRDP nông lâm thủy sản TP.HCM 8 tháng đầu năm 2023 vượt chỉ tiêu - Ảnh 4.

Thời gian qua, TP.HCM ghi nhận nhiều mô hình nông nghiệp sáng tạo, hiệu quả; nhiều nông dân xuất sắc được công nhận. Ảnh: LG

Đời sống vật chất và tinh thần người dân nông thôn được nâng cao, diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt. Đến nay, TP.HCM đã có 56/56 xã và 5/5 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

Tuy nhiên, Thành ủy TP.HCM nhận định, việc xây dựng nông thôn mới tại các địa phương vẫn chưa đồng đều. Một số nơi chỉ tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng, chưa quan tâm đúng mức việc thực hiện các giải pháp nâng cao đời sống người dân.

Một số công trình hạ tầng kinh tế - xã hội tại các huyện chưa được khai thác, sử dụng hết công năng, có dấu hiệu xuống cấp nhưng chậm được đầu tư sửa chữa; vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn vẫn còn tồn tại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem