Doanh nghiệp TP.HCM đang tìm đủ cách, cố kéo sức mua cuối năm

Quốc Hải Thứ ba, ngày 21/11/2023 15:58 PM (GMT+7)
Dự báo của Sở Công Thương TP.HCM, sức mua các tháng cuối năm cũng như mùa Tết Nguyên đán 2024 trên địa bàn thành phố tăng khoảng 11-13% so với Tết Quý Mão 2023. Vì vậy, TP.HCM và các doanh nghiệp đã lên kế hoạch chuẩn bị hàng hóa để không để xảy ra khan hiếm, mất cân đối cung - cầu.
Bình luận 0

Số liệu từ Cục Thống kê TP.HCM, trong tháng 10/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn đạt 108.120 tỷ đồng (tăng 2,6% so với tháng trước, tăng 15% so với cùng kỳ).

Với đà tăng trưởng này, Sở Công thương TP.HCM dự báo, sức mua các tháng cuối năm cũng như mùa tết năm nay trên địa bàn tăng khoảng 11-13% so với Tết Quý Mão 2023.

"Giữ nhiệt" tiêu dùng mùa cuối năm - Ảnh 1.

Ngành Công thương TP.HCM và các doanh nghiệp đang tích cực đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng cuối năm. Ảnh: Phương Uyên

Doanh nghiệp tìm đủ mọi cách, "chạy nước rút" kích cầu

Hiện tại, các doanh nghiệp, hệ thống bán lẻ... đang tích cực "chạy nước rút" triển khai chương trình kích cầu để lấy lại đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm.

Chẳng hạn, MM Mega Market Việt Nam đã phối hợp cùng Sở Công Thương TP.HCM triển khai Chương trình "Đánh bại lạm phát, mua hàng bình ổn, tiết kiệm thông minh" nhằm bình ổn giá cho hơn 1.000 mặt hàng thiết yếu với danh mục hàng bình ổn giá trải rộng từ bánh tươi, thực phẩm chế biến, nước giải khát, bánh – kẹo – ngũ cốc, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho đến vật dụng gia đình...

Đại diện hệ thống MM Mega Market cho biết siêu thị sẵn sàng "cắt" bớt lợi nhuận để chia sẻ với khách hàng, từ đó sẽ cân đối mức giá hợp lý với nhiều chương trình ưu đãi cho người tiêu dùng, nhằm kích thích sức mua cuối năm.

MM Mega Market cũng sẽ triển khai nhiều chương trình khuyến mãi nhằm kích thích sức mua. Trong đó, nhiều mặt hàng có thể được áp dụng giảm giá 10 - 30%. 

Tại hệ thống GO!, Big C, Tops Market, các loại hải sản tươi ngon cũng đang giảm giá đến 40%, nhiều mặt hàng còn được bán đồng giá hấp dẫn,…

"Giữ nhiệt" tiêu dùng mùa cuối năm - Ảnh 2.

Lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM và lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời ký cam kết bình ổn thị trường mặt hàng gạo tại TP.HCM. Ảnh: T.Quỳnh

Tại Diễn đàn Mekong Connect 2023 diễn ra mới đây, Tập đoàn Lộc Trời và Sở Công Thương TP.HCM đã ký biên bản ghi nhớ cam kết đồng hành chương trình bình ổn thị trường (BOTT) các mặt hàng gạo trên địa bàn TP.HCM.

Cụ thể, Tập đoàn Lộc Trời cam kết, thực hiện bình ổn các mặt hàng gạo trên địa bàn TP.HCM theo quy chế triển khai và kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu năm 2023 - Tết Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn TP.HCM.

Công ty Vissan cũng cho biết để đề phòng các trường hợp thị trường biến động, thiếu hụt, công ty dự trữ 10 - 20% sản lượng hàng hóa.

Vissan cam kết không tăng giá trước, trong và sau Tết Giáp Thìn. Từ nay cho đến cận Tết, vào các ngày cuối tuần, công ty thường xuyên khuyến mãi giảm giá từ 10 - 20% một số sản phẩm thiết yếu. Đặc biệt, từ 27 -  30 Tết, Vissan giảm giá sâu đến 30% giá các loại thực phẩm, để người tiêu dùng sắm Tết trễ có thể mua được hàng hóa uy tín chất lượng.

"Giữ nhiệt" tiêu dùng mùa cuối năm - Ảnh 3.

Khách hàng mua rau củ tại siêu thị. Ảnh: Phương Uyên.

Các siêu thị lớn như Saigon Co.op, Aeon, Lotte Mart, Winmart,... cũng liên tục thực hiện những đợt khuyến mãi lớn, kéo dài ở tất cả các ngành hàng. Đồng thời, các chuỗi bán lẻ này đang triển khai dịch vụ đặt hàng qua APP, Zalo, website với hàng ngàn nhu yếu phẩm thiết yếu, liên tục cập nhật các chương trình khuyến mãi, giảm giá mỗi ngày…

Tuy nhiên, trái ngược với sự phục hồi của thị trường, một số doanh nghiệp vẫn cho biết sức mua đang còn nhiều khó khăn. 

Chẳng hạn, tại Sông Hương Foods, dịp cuối năm này, doanh nghiệp dự tính có chương trình khuyến mãi giảm giá từ 5-20% tùy theo từng loại sản phẩm, để kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, lượng hàng cung ứng ra thị trường Tết năm nay sẽ giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước, dù đây cũng là số liệu rất "lạc quan".

"Năm ngoái điểm nhấn của Sông Hương Foods là xuất khẩu, nhưng năm nay xuất khẩu khá khó khăn", ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Sông Hương Foods chia sẻ. 

Ông cho biết thêm, hiện doanh nghiệp đang đẩy mạnh hơn việc bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử, cụ thể mạnh nhất là Tiktok, để "tận dụng kênh phân phối quan trọng bên cạnh hệ thống siêu thị hiện đại".

"Giữ lửa" tiêu dùng - cách nào?

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết việc giữ giá, bình ổn giá, bảo đảm nguồn cung thị trường, kích cầu tiêu dùng, tăng sức mua... là nhiệm vụ trọng tâm được ngành công thương TP.HCM tập trung triển khai trong những tháng cuối năm 2023. 

Hiện, đã có 44 doanh nghiệp trong ngành sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm đã đăng ký với Sở Công Thương TP.HCM bán bình ổn giá 11 mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.

Đối với hàng bình ổn, lãnh đạo Sở Công Thương cũng cho biết, các tháng Tết, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 25-43% nhu cầu thị trường. Bình quân mỗi tháng dự kiến cung ứng 5.000 tấn gạo, 70 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10.000 tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thủy hải sản…

"Giữ nhiệt" tiêu dùng mùa cuối năm - Ảnh 5.

Các siêu thị lớn như Saigon Co.op, Aeon, Lotte Mart, Winmart,... cũng liên tục thực hiện những đợt khuyến mãi lớn để kích cầu tiêu dùng. Ảnh: Phương Uyên

"Kinh tế 2 tháng cuối năm chắc chắn sẽ sôi động, bởi đây là giai đoạn "chạy nước rút" chuẩn bị mùa cao điểm lễ, Tết. Vì vậy, việc tận dụng lợi thế của công nghệ số, công nghệ thông tin bán hàng thông qua các website, mạng xã hội hay các sàn thương mại điện tử là giải pháp hữu hiệu, để kích thích tiêu dùng", CEO Dony Phạm Quang Anh, nhận xét.

Theo các chuyên gia kinh tế, tiêu dùng nội địa là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Và mùa mua sắm cuối năm được đánh giá là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt. 

Tuy nhiên, làm thế nào để doanh nghiệp Việt bán được hàng, cũng như người dân có tiền mua sắm, thì bên cạnh các chương trình kích cầu, rất cần thêm chính sách hỗ trợ hiệu quả.

"Muốn thúc đẩy tiêu dùng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thì cần phải có nhiều giải pháp. Trong đó, Chính phủ có thể xem xét đề xuất giảm thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp, từ đó người dân, doanh nghiệp mới có lượng tiền rủng rỉnh, mạnh tay chi tiêu nhiều hơn cho dịp cuối năm", TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM, nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem