Giãn cách xã hội kéo dài, nguy cơ thất thu mùa bánh trung thu, doanh nghiệp điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh

Thanh Phong Thứ năm, ngày 19/08/2021 19:00 PM (GMT+7)
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều địa phương còn giãn cách xã hội kéo dài, doanh nghiệp sản xuất bánh trung thu đã thay đổi chiến lược kinh doanh phù hợp với tình hình thực tiễn.
Bình luận 0

Ảm đạm thị trường bánh trung thu

Theo thông lệ hàng năm, ngay từ đầu tháng Bảy Âm lịch, các đơn vị sản xuất bánh trung thu lớn nhỏ đều bắt đầu tung sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, năm nay, do diễn biến dịch bệnh phức tạp, hình ảnh các ki ốt bán bánh trung thu trên các phố phường đã vắng bóng.

Địa chỉ duy nhất người tiêu dùng có thể mua bánh trực tiếp là tại các siêu thị, hệ thống phân phối lớn. Tuy nhiên, ngay cả các hệ thống siêu thị lớn như MM Mega Market, Big C,… đều chưa tổ chức kinh doanh sớm mặt hàng này.

Trong đó, VinMart là một trong số ít các siêu thị đã bắt đầu trang trí không gian theo chủ đề Tết Trung thu và bắt đầu bán bánh. Theo đó, VinMart đã bắt đầu bán các sản phẩm hộp 4 bánh trung thu các vị với giá từ 69.000 đồng/chiếc.

Doanh nghiệp bánh trung thu điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh trước giờ G - Ảnh 1.

Hình ảnh các ki ốt bán bánh trung thu từ đầu tháng 7 Âm lịch đã không còn trong năm nay. (Ảnh: Thanh Phong)

Về phía người tiêu dùng, nhiều cá nhân, gia đình chưa có dự tính mua bánh sớm trong dịp Tết Trung thu năm 2021. Anh Nguyễn Mạnh, chủ salon ô tô Mỹ Đình cho biết, hàng năm, ngay từ thời điểm đầu tháng 7 Âm lịch, anh đã bắt đầu đi mua bánh trung thu để tặng cho các đối tác. Tuy nhiên, năm nay, do tác động của đại dịch, thói quen này đã phải thay đổi.

"Vào các ngày từ đầu tháng 7 đến đầu tháng 8 Âm lịch hàng năm, tôi thường mua bánh trung thu tặng các đối tác kinh doanh. Số tiền mua bánh trung thu có thể lên tới hàng trăm triệu trong dịp này. Năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh mà salon không thể hoạt động, doanh nghiệp khó khăn kinh tế. Cùng với đó là việc giãn cách xã hội nên việc đi tặng quà là không thể, từ giờ tới đầu tháng 8 Âm lịch, tôi sẽ theo dõi tình hình dịch bệnh, nếu có thể thì chỉ mua tặng một số đối tác với số lượng ít đi và hình thức là giao hàng trực tuyến", anh Mạnh chia sẻ.

Chị Thanh Hằng (Long Biên, Hà Nội) cho biết, vào các dịp Tết Trung thu hàng năm, gia đình chị thường mua bánh trung thu vào ngày rằm tháng 7 và trước rằm tháng 8 Âm lịch vài ngày để thắp hương. Tuy nhiên, năm nay, gia đình chị Hằng dự kiến sẽ chỉ mua bánh vào gần ngày Tết Trung thu.

"Do gia đình có trẻ nhỏ nên thông thường vào dịp Trung thu chúng tôi thường mua bánh trung thu từ sớm để cho các cháu biết về không khí Trung thu. Mọi năm, được đi lại thoải mái và có nhiều ki ốt bán bánh trên đường nên tôi có thể tranh thủ lúc đi làm về mua.

Năm nay, kinh tế rất khó khăn vì thu nhập giảm trong khi giá cả lại tăng nên gia đình tôi chỉ tập trung mua các mặt hàng thiết yếu. Bánh trung thu thì có lẽ phải để đến gần ngày mới mua và có thể tôi sẽ đặt hàng trên mạng", chị Hằng cho hay.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, thị trường Trung thu với nhiều dấu hiệu trầm lắng, ảm đạm, các đơn vị sản xuất, kinh doanh bánh trung thu đã phải điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh phù hợp.

Thử thách với doanh nghiệp

Hiện tại, các thương hiệu bánh lớn như Hữu Nghị, Kinh Đô, MAISONMOONCAKE,… đã lần lượt tung ra các sản phẩm với phân khúc tầm trung đến cao cấp có khoảng giá 300.000 đến hàng triệu đồng/hộp. Năm nay, đa phần các dòng sản phẩm đều được đơn vị kinh doanh giới thiệu và hướng dẫn khách hàng mua sắm online.

Một vấn đề lớn đặt ra cho các doanh nghiệp trong năm nay là việc chi phí sản phẩm có thể sẽ phải "đội" lên do giá nguyên liệu cao, vận chuyển tới tay người tiêu dùng khó khăn. Do đó, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bánh trung thu bên cạnh việc duy trì hoạt động kinh doanh còn phải bình ổn giá để giữ chân khách hàng.

Doanh nghiệp bánh trung thu điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh trước giờ G - Ảnh 2.

Người tiêu dùng cần thận trọng khi lựa chọn các loại bánh trung thu handmade, nhập khẩu đang được bán trên trang thương mại điện tử. (Ảnh: Thanh Phong)

Theo thông tin từ nhãn hàng Bánh Trung thu Bình Chung, năm nay, giá nguyên liệu tăng lên khá nhiều so với các năm trước nhưng đơn vị này vẫn giữ nguyên giá sản phẩm. Cụ thể, các mặt hàng bánh trung thu của Bình Chung vẫn có khoảng giá từ 35.000 đến 80.000 cho loại bánh trọng lượng 200g.

Cùng chung cảnh ngộ, đại diện công ty TNHH Thực phẩm Đại Phát cho biết, năm nay, giá nguyên liệu tăng 5% - 10% nhưng hầu hết sản phẩm của doanh nghiệp này vẫn giữ giá bằng năm ngoái.

Theo đó, cách để doanh nghiệp có thể giữ giá là chỉ nhận các hàng đặt trước. Khi nhận được đơn hàng mới bắt đầu sản xuất nên ít bị áp lực về vốn đầu tư và tình trạng tồn kho.

Đặc biệt, trước khi TP. HCM và Bình Dương thực hiện giãn cách, công ty Đại Phát dự kiến đưa ra thị trường khoảng 43 mã hộp. Nhưng do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, doanh nghiệp sau đó điều chỉnh chỉ còn hơn 30 mã hộp.

Tuy đã thay đổi kế hoạch nhưng số lượng đối tượng khách hàng chính là cơ quan, tổ chức mua số lượng lớn để biếu, tặng vẫn còn ít do tình hình giãn cách như hiện nay không thể đi tặng. Với đối tượng khách lẻ, doanh nghiệp cho biết sẽ đẩy mạnh bán hàng qua các nền tảng thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Fanpage…

Nói về việc phân phối bánh trung thu trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, đại diện MAISONMOONCAKE cho biết, doanh nghiệp này sẽ có phương án hỗ trợ cho người tiêu dùng trong khi phải giãn cách xã hội.

"Trong lúc này, việc vận chuyển tới từng khách hàng có thể sẽ gặp khó khăn, hơi mất thời gian do toàn thành phố thực hiện giãn cách xã hội, trong đó, một số khu vực còn bị phong tỏa. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn thực hiện chính sách miễn phí vận chuyển để hỗ trợ khách hàng", đại diện MAISONMOONCAKE thông tin.

Nhận định về thị trường bánh trung thu thời gian tới, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội nhận định, trong năm nay, sản lượng bán hàng dự kiến giảm khoảng 30%, doanh nghiệp cần chủ động có kế hoạch kinh doanh.

Dịch Covid-19: Doanh nghiệp bánh trung thu điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh - Ảnh 3.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú (Ảnh: Dân Việt)

"Dịch Covid-19 kéo dài hơn một năm dẫn tới việc mua bán hàng hóa nói chung và bánh trung thu nói riêng đều gặp khó khăn. Cùng thời điểm hàng năm, các ki ốt bán bánh trung thu đã rải khắp các tuyến đường nội ngoại thành của các thành phố lớn.

Năm nay, các kênh tiêu thụ truyền thống nói trên đều bị thu hẹp. Theo quan sát của tôi, hầu hết các siêu thị đều chưa trang trí gian hàng, giới thiệu sản phẩm bánh trung thu, chỉ có Vinmart đã bắt đầu bán nhưng còn ít. Các đơn vị đã chuẩn bị "tư thế" để bán hàng online, đây là vấn đề tất yếu vì trong thời gian dịch bệnh các ngành hàng đều phải chọn phương án này. Về sức mua, doanh số bán lẻ bánh trung thu chắc chắn suy giảm. Các nhu cầu mua để sử dụng và tặng biếu giảm do người tiêu dùng phải hạn chế đi lại và tập trung sử dụng tiền cho các mặt hàng thiết yếu khác", Chuyên gia Vũ Vinh Phú phân tích.

Cũng theo thông tin từ Chuyên gia Vũ Vinh Phú, hiện tại đơn vị lớn nhất, chiếm tới 20 – 30% thị phần bánh trung thu là Mondelez Kinh Đô dự kiến đưa ra tới 80 loại sản phẩm. Tuy nhiên, đơn vị này không công bố kế hoạch xuất khẩu, có thể do khó khăn trong khâu logistics vì dịch bệnh.

Do đó, bánh trung thu của doanh nghiệp này cũng như các đơn vị khác chủ yếu sẽ phục vụ thị trường trong nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh, doanh nghiệp có thể tính toán phương án đi bằng "nhiều chân", cả tiêu thụ trong nước lẫn xuất khẩu cũng như trải rộng phân khúc khách hàng.

"Theo tôi, phân khúc bánh trung thu giá rẻ cần chú ý trong mùa dịch. Về việc phục vụ trong vùng phong tỏa, giãn cách như thế nào cũng là vấn đề cần lưu ý. Nếu có thể đẩy mạnh xuất khẩu trong mùa dịch cũng sẽ là một phương án tiêu thụ cho các thương hiệu. Các nhà bán lẻ, siêu thị cửa hàng trong mùa dịch không nên chiết khấu quá cao, điều này có thể ảnh hưởng đến cả đơn vị sản xuất lẫn người tiêu dùng.

Hiện tại chỉ còn hơn 1 tháng là đến Rằm Trung thu, người tiêu dùng sẽ mua bánh trung thu trước khoảng 1 tuần hoặc 3 đến 4 ngày chứ không phải sát ngày mới mua. Tuy nhiên, tôi dự đoán, sản lượng bán hàng năm nay sẽ giảm khoảng 30%, do đó, doanh nghiệp cần có tính toán, cân nhắc thời điểm tổ chức sản xuất kinh doanh cho hợp lý", Chuyên gia Vũ Vinh Phú nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem