Giá heo hơi thấp nhất trong 3 năm qua, nông hộ áp lực giữ đàn

Nguyên Vỹ Thứ năm, ngày 19/08/2021 17:29 PM (GMT+7)
Hết dịch bệnh trên đàn gia súc lại đến dịch bệnh trên người vẫn diễn biến phức tạp, nông hộ phải chuyên nghiệp hơn mới giữ được đàn heo giữa vô vàn áp lực.
Bình luận 0

Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, ngành chăn nuôi heo thời gian qua đã lập 2 kỷ lục: giá bán heo thấp chưa từng có và giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng cao chưa từng có.

Giữ đàn heo giữa vô vàn áp lực

Ở huyện Châu Thành (Tây Ninh), ông Hoàng Ngọc Thành vừa xuất bán 10 con heo với giá chỉ 50.000 đồng/kg. Theo ông Thành, đây là giá bán heo hơi thấp nhất trong 3 năm qua.

Ông Thành kể, đầu tháng 6, giá heo hơi ở địa phương bán được khoảng 69.000-72.000 đồng/kg. Nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát, giá heo hơi bắt đầu giảm mạnh. Tính ra, giá bán heo hiện tại đã giảm khoảng 20.000 đồng/kg.

Thêm vào đó là giá heo giống không hề rẻ. Khi ông Thành mua heo con giống về gây đàn, giá 2 triệu đồng/con (loại 15kg/con).

Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao. Người nuôi heo không cách nào "chạy đua" theo cho kịp.

"Với giá bán heo hơi hiện nay, sau khi trừ chi phí, người chăn nuôi lỗ 700.000 – 800.000 đồng/con", ông Thành nói.

Nông dân chăn nuôi heo ở tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: Thuý Hằng)

Nông dân chăn nuôi heo ở tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: Thuý Hằng)

Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, bình quân 6 tháng đầu năm 2021, giá các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó tăng mạnh nhất là các nguyên liệu thuộc nhóm ngũ cốc.

Cụ thể, giá hạt bắp 7.616 đồng/kg, tăng 35,1%; khô dầu đậu tương có giá 13.000 đồng/kg, tăng 35,5%; cám mì giá hơn 6.711 đồng/kg, tăng gần 33%; mì lát có giá 5.995 đồng/kg, tăng 19,2%...

TS. Đoàn Xuân Trúc – Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam giải thích, nguyên nhân khiến giá các loại ngũ cốc trên thị trường thế giới đều tăng do chi phí sản xuất tăng cao. 

Nhiều quỹ đầu tư lớn chuyển sang đầu cơ nông sản và Trung Quốc tăng mua ngũ cốc phục vụ sản xuất chăn nuôi trong nước. Dịch Covid-19 khiến chi phí vận chuyển tăng từ 200-300% so với trung bình.

Thêm vào đó, tình hình hạn hán từ tháng 3/2021 trở lại đây ở Brazil, Argentina làm ảnh hưởng đến sản lượng của vụ bắp chính vụ ở các nước này.

"Do nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh nên giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm đều tăng", TS. Trúc nói.  

Cụ thể, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho heo thịt từ 60kg đến tuổi xuất chuồng có giá 10.785 đồng/kg, tăng 14,6%.

Ngoài ra, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gà thịt lông màu giá 10.885 đồng/kg, tăng 14,4%. Thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gà thịt lông trắng là 11.206 đồng/kg, tăng 12,1%.

Giá bắp nguyên liệu tăng khiến thức ăn chăn nuôi thành phẩm tăng theo. (Ảnh: Nguyên Vỹ)

Giá bắp nguyên liệu tăng khiến thức ăn chăn nuôi thành phẩm tăng theo. (Ảnh: Nguyên Vỹ)

TS. Trúc cho biết, xu hướng giá vẫn còn tăng khoảng 5% trong tháng 7 và tháng 8. Một số doanh nghiệp lấy lý do nguyên liệu thức ăn bắt đầu hạ nhưng chưa về đến kho của doanh nghiệp.

Tính đến đầu tháng 8/2021, các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi đã tăng giá từ 8-9 lần. Giá tăng mỗi lần dao động từ 200-500 đồng/kg. Bình quân giá thức ăn chăn nuôi đã tăng từ 35-40%.

"Giá thức ăn chăn nuôi chiếm tới 75% giá thành sản xuất, lại liên tục tăng cao. Trong khi giá bán các sản phẩm chăn nuôi xuống thấp khiến nhiều hộ chăn nuôi thua lỗ", TS. Trúc chia sẻ.

Giảm áp lực chi phí chăn nuôi

Năm 2019, đàn heo 55 con cả heo nái, heo thịt của ông Lê Văn Triệu ở TP. Đồng Xoài (Bình Phước) bị nhiễm dịch tả heo châu Phi. Ông Triệu phải tiêu hủy toàn toàn bộ đàn heo, ước thiệt hại hơn 250 triệu đồng.

250 triệu đồng thiệt hại là bài học kinh nghiệm đắt đỏ so với nguồn thu của nông hộ nhỏ lẻ như gia đình ông Triệu. Sau 1 năm trời bỏ trống chuồng trại, ông Triệu mới tìm mua 12 con heo giống để tái đàn.

Lực lượng thú y tiêu hủy heo bị nhiễm dịch tả heo châu Phi ở Bình Phước. Ảnh chụp năm 2020. (Ảnh: Minh Dương)

Lực lượng thú y tiêu hủy heo bị nhiễm dịch tả heo châu Phi ở Bình Phước. Ảnh chụp năm 2020. (Ảnh: Minh Dương)

Trước khi thả con giống, ông Triệu gia cố thêm chuồng trại, đầu tư thêm hệ thống tưới nước phun sương tự động để làm mát cho đàn heo trong những tháng mùa khô.

Với hệ thống này, ông Thịnh không cần phải có mặt hàng ngày trong chuồng trại. Cứ bấm nút hẹn giờ thì hệ thống tưới sẽ tự động phun sương để cho heo được mát mẻ.

Ông Thịnh còn đầu tư thêm hệ thống âm thanh cho heo nghe nhạc từ sáng đến tối. Áp dụng cách làm mới, mỗi con nái của gia đình ông sinh sản bình quân từ 18-20 con mỗi lứa, cá biệt có những lứa lên đến 22 con.

Rút kinh nghiệm sau sự cố trắng chuồng vì dịch bệnh, mỗi ngày gia đình ông vệ sinh chuồng trại 3 lần. Đồng thời nhờ đội ngũ thú y địa phương thường xuyên hỗ trợ phòng chống dịch.

Ông Thịnh nói: "Chăn nuôi heo bây giờ phải chủ động làm tốt tất cả các khâu. Tất cả các biện pháp này đều nhằm tiết giảm chi phí trong chăn nuôi, vừa tăng cường phòng chống dịch xâm nhiễm vào chuồng trại".

Một hộ dân chăm sóc đàn heo của mình ở tỉnh Bình Phước. (Ảnh: Quang Trung)

Một hộ dân chăm sóc đàn heo của mình ở tỉnh Bình Phước. (Ảnh: Quang Trung)

Báo cáo mới đây của Cục Thú Y cho thấy, vẫn còn khoảng 292 ổ dịch tả heo châu Phi, trên 110 huyện của 32 tỉnh, thành trong cả nước. Tổng số heo phải tiêu hủy trong thời gian vừa qua khoảng hơn 20.000 con.

Theo thống kê, số nông hộ chăn nuôi heo giảm từ gần 3 triệu hộ xuống còn 2 triệu hộ vào đầu năm 2021, tương đương 31%. Đáng lưu ý là 99% số nông hộ này có quy mô chăn nuôi dưới 100 con.

TS. Nguyễn Xuân Dương, nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, nếu muốn tồn tại, nông hộ buộc phải chuyên nghiệp hơn trong chăn nuôi heo, từ tiếp cận chăn nuôi an toàn sinh học học cho đến tham gia liên kết chuỗi.

Hoặc nông hộ có thể tính tới giải pháp khác là chuyển đổi từ nghề chăn nuôi sang dịch vụ chăn nuôi.

Về chi phí thức chăn nuôi, hầu hết mọi ý kiến đều tập trung vào việc giảm chi phí thức ăn chăn nuôi thì mới giảm được chi phí chăn nuôi.

Nông dân ở tỉnh Đồng Nai mua bắp về làm thức ăn chăn nuôi. (Ảnh: Nguyên Vỹ)

Nông dân ở tỉnh Đồng Nai mua bắp về làm thức ăn chăn nuôi. (Ảnh: Nguyên Vỹ)

TS. Dương cho rằng, điều này đúng nhưng chưa đủ. Giảm giá thức ăn chỉ là một trong rất nhiều nhóm chi phí trải dài trong các giai đoạn chăn nuôi.

Giá thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam đi theo xu hướng chung của giá thế giới. Cả thế giới cũng đang gánh chịu khó khăn chung về giá nguyên liệu tăng. "Việc chúng ta mong giá giảm thì cũng chỉ là mong mỏi chứ không thể giảm ngay được", TS. Dương nói.

Vì thế, nông hộ phải thực hiện đồng thời nhiều biện pháp thì mới giảm được chi phí chăn nuôi, từ nguyên liệu đầu vào cho đến việc đầu tư và quản lý chuồng trại. Nhất là các biện pháp ứng dụng công nghệ để giám sát cơ sở chăn nuôi.

Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Virus gây dịch tả heo châu Phi vẫn còn ở trong môi trường và tiếp tục gây ra nhiều rủi ro cho hộ chăn nuôi. Đây là thời điểm mà nông hộ nhỏ lẻ đối diện với rất nhiều áp lực. Đó là áp lực về dịch bệnh, áp lực về chi phí, áp lực về thị trường.

"Các nông hộ muốn tồn tại, bắt buộc phải chuyên nghiệp hơn trong quy trình chăn nuôi. Kể cả ngành nông nghiệp không nhất thiết phải giữ khư khư hàng triệu hộ chăn nuôi heo trong hoàn cảnh căng thẳng như hiện nay", TS. Dương chia sẻ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem