Ghi nhận lúc 8 giờ sáng nay, giá vàng thế giới trên sàn Kitco tăng 6 USD/ounce, lên mức 1.955 - 1.956 USD/ouce.
Trong khi đó, giá dầu thô giao kỳ hạn tại thị trường New York tăng 1,9% sau khi tăng 3,8% trong tuần trước.
Giá dầu Brent tăng 1,42% lên mức 40,01 USD/thùng. Dầu thô tương lai của Mỹ tăng 1,67% lên 37,76 USD/thùng.
![]() |
Giá dầu tăng sau khi ông Joe Biden đắc cử. Ảnh: Bloomberg |
Thị trường vàng và dầu tiếp tục khởi sắc sau khi cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay chính thức khép lại. Với chiến thắng tại bang Pennsylvania, ông Joe Biden sớm giành đủ 270 phiếu đại cử tri, đánh bại đương kim Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa.
Việc ông Joe Biden trở thành tổng thống thứ 46 của Mỹ hứa hẹn khôi phục trạng thái chính trị bình ổn và tinh thần đoàn kết quốc gia, đưa nền kinh tế số một thế giới thoát khỏi cuộc khủng hoảng Covid-19. Nhiều chương trình kích thích sẽ được đưa ra trong nhiệm kỳ mới, và điều này có thể dẫn đến lạm phát gia thăng, gây áp lực lên đồng USD. Do đó, ngày càng nhiều nhà đầu tư mua vàng như một tài sản trú ẩn an toàn.
Bên cạnh đó, quá trình chuyển giao quyền lực có thể không diễn ra suôn sẻ, đặc biệt là khi ông Donald Trump nghi ngờ có dấu hiệu gian lận trong hệ thống bỏ phiếu và đang khởi kiện ở các bang quan trọng. Ngoài ra, tình trạng kiểm soát Thượng viện chưa được giải quyết sẽ làm giảm triển vọng về một gói kích thích lớn trước tháng 1/2021.
Nhiệm kỳ 4 năm của tân tổng thống 77 tuổi dự kiến sẽ gặp nhiều bất lợi khi tình trạng phân cực ngày càng nghiêm trọng, nền kinh tế tiếp tục chịu sự tàn phá nặng nề bởi đại dịch Covid-19 khi số trường hợp nhiễm bệnh tiến sát mốc 10 triệu.
![]() |
Cùng với sự leo thang của giá dầu, thị trường vàng thế giới cùng đi lên hậu bầu cử tổng thống Mỹ 2020. Ảnh: TL |
Hiện tại, làn sóng Covid-19 thứ hai khiến nhiều quốc gia ở châu Âu ban hành lệnh tái phong tỏa. Diễn biến căng thẳng của dịch bệnh sẽ ngăn cản lượng tiêu thụ, làm dấy lên lo ngại về sự phục hồi nhu cầu dầu toàn cầu trong bối cảnh nguồn cung dầu thô từ Libya tăng nhanh, sản lượng đã vượt quá mức 1 triệu thùng/ngày - cao nhất kể từ tháng 12 năm ngoái.
Các quan chức từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất đồng minh (OPEC +) đã quyết định hoãn kế hoạch tăng sản lượng khai thác từ tháng 1/2021.
Các nhà đầu tư đang đánh giá tác động đối với chính sách đối ngoại của Mỹ khi ông Joe Biden lên nắm quyền và lập trường của nước này trước Trung Quốc cũng như các nhà sản xuất dầu quan trọng là Iran và Venezuela.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Joe Biden cam kết tăng cường hợp tác, cải thiện mối quan hệ với nước đồng minh - một bước ngoặt từ chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Donald Trump - để đối phó với Trung Quốc trong sân chơi thương mại.
Tân tổng thống cũng đã cam kết thực hiện một loạt hành động trong ngày đầu tiên ở Nhà Trắng, bao gồm tái gia nhập Hiệp định Paris - thỏa thuận quốc tế chống lại biến đổi khí hậu mà ông Trump đã rút khỏi vào năm 2017, tham gia lại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - tổ chức ông Trump rút khỏi trong năm nay.
Tại châu Á, lượng mua dầu nước ngoài của Trung Quốc vào tháng trước đã tụt xuống mức thấp nhất trong 6 tháng trong bối cảnh nhu cầu giảm, ngay cả khi nhập khẩu tổng thể được dự đoán tăng 10% trong năm nay do nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ.
Khu vực này được coi là “bức tường thành vững chắc” chống lại sự sụt giảm nhu cầu dầu mỏ trên toàn thế giới khi Mỹ và các nước châu Âu loay hoay trong làn sóng Covid-19, các biện pháp phòng chống dịch được tăng cường, mọi người tiếp tục ở nhà.
Sắc xanh bao trùm chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 bật tăng 1,11% khi cổ phiếu của Tập đoàn Softbank Group tăng vọt khoảng 3%. Chỉ số Topix thêm 0,84%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc cộng thêm 0,9%.
Cùng lúc đó, chứng khoán Úc cũng đi lên, với chỉ số S&P/ASX 200 tăng 1,33%.
Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương bên ngoài Nhật Bản giao dịch cao hơn 0,29%.
Theo Bloomberg, CNBC
Gửi bình luận