Gen Z thích nhảy việc, lười phản biện khiến nhà tuyển dụng "đau đầu"

Mỹ Quỳnh Thứ tư, ngày 22/11/2023 10:42 AM (GMT+7)
TS.Trần Việt Anh, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM đã đưa ra những giải pháp mà cơ sở giáo dục cần thực hiện để hạn chế thực trạng gen Z thích nhảy việc, lười phản biện và thiếu tự tin khởi nghiệp.
Bình luận 0

Tại lễ khai giảng năm học mới và ra mắt bộ nhận diện thương hiệu của Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM, TS.Trần Việt Anh, Phó hiệu trưởng phụ trách nhà trường, đã có nhiều chia sẻ xung quanh việc  "gen Z" đang có xu hướng lười phản biện, thích nhảy việc...

"Gen Z" thích nhảy việc, lười phản biện khiến nhà tuyển dụng "đau đầu" - Ảnh 1.

TS.Trần Việt Anh, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Hùng Vương chia sẻ 3 từ khóa quan trọng cần giáo dục, định hướng sinh viên. Ảnh: M.Q

Theo TS.Trần Việt Anh, một trong những điều còn thiếu của giới trẻ Việt Nam hiện nay là sự tư duy. Nhiều em không dám tham gia, không dám phản biện ý kiến của mình một cách mạnh mẽ.

Thêm vào đó, gen Z hiện có xu hướng thích nhảy việc, không muốn gắn bó lâu dài tại một doanh nghiệp... Tình trạng này đã khiến các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng "đau đầu", tìm giải pháp.

TS.Trần Việt Anh cho rằng môi trường giáo dục đại học cần khuyến khích khả năng sáng tạo, tư duy độc lập, đặc biệt là tư duy phản biện của người học. Trong đó, 3 từ khóa cần giáo dục đối với sinh viên là trách nhiệm, trung nghĩa và tự tin.

Nhà trường cần có trách nhiệm xây dựng môi trường học tập lành mạnh, phát triển tối đa khả năng của sinh viên. Song song đó, người học cần có trách nhiệm cùng với thầy cô, nhà trường để học tốt, tích lũy kiến thức, kỹ năng để làm việc có ích cho xã hội.

"Trước khi có trách nhiệm với xã hội, mỗi người cần có trách nhiệm với bản thân và những người xung quanh", TS.Trần Việt Anh nhấn mạnh. 

Đối với từ khóa trung nghĩa, TS.Trần Việt Anh nhận định đây chính là sự trung thành, tin cậy, kiên định, tôn trọng sự công bằng, khách quan. Ví dụ, khi sinh viên đi làm ở doanh nghiệp, được doanh nghiệp đối xử tốt, tạo ra môi trường văn hóa tốt... thì các em phải trung nghĩa, trung thành, cống hiến.

"Gen Z" thích nhảy việc, lười phản biện khiến nhà tuyển dụng "đau đầu" - Ảnh 3.

Sự tự tin không chỉ do tính cách mà còn nhờ vào sự rèn luyện. Ảnh: HVU

Ngược lại, nếu doanh nghiệp phát triển không tốt, đối đãi không tốt... chúng ta cần xem lại cách làm việc như thế nào, có thể trung thành với đơn vị đó hay không, chứ không thể dù sai vẫn chấp nhận theo cái sai của người doanh nghiệp.

Với từ khóa tự tin, TS.Trần Việt Anh chia sẻ nhiều người nghĩ rằng tự tin là do tính cách. Nhưng thực tế, tự tin cũng có thể có được thông qua sự rèn luyện.

"Tự tin không chỉ với những điều mà chúng ta cho là đúng, mà tự tin còn là dám đương đầu, dám nghĩ, dám làm, chấp nhận đi ngược với số đông. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng cho việc khởi nghiệp sau này", TS.Trần Việt Anh nói.

Cũng theo ông Việt Anh, hiện nay, việc khởi nghiệp trong sinh viên ở Việt Nam còn manh mún, tỷ lệ thành công rất thấp. Do vậy, phải có một môi trường đại học khởi nghiệp, đào tạo ra con người dám nghĩ dám làm, dám đối mặt thử thách.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem