Festival Lúa gạo Việt Nam 2023: Tạo nhiều "bệ phóng" cho hạt gạo Việt thể hiện mình

Trang Ngân - Huỳnh Đặng Thứ sáu, ngày 01/12/2023 15:25 PM (GMT+7)
Festival Lúa gạo Việt Nam 2023 sẽ được tổ chức tại TP.Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, từ ngày 11-15/12 tới đây nhằm ghi nhận sự kiện xuất khẩu gạo của Việt Nam lập kỷ lục mới, đạt 7,1 triệu tấn gạo và 4 tỷ USD sau 10 tháng. Dự kiến cả năm nay, xuất khẩu gạo của nước ta sẽ lần đầu tiên chạm mốc 8 triệu tấn.
Bình luận 0

Đây cũng là sự kiện đánh dấu sự chuyển mình của ngành hàng lúa gạo từ giá bán thấp sang lúa gạo chất lượng cao, lấy tăng trưởng xanh làm nền tảng, đảm bảo an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL.

Cơ hội để hạt gạo Việt thể hiện mình

Để chuẩn bị cho sự kiện lớn nhất của ngành hàng lúa gạo, Bộ NNPTNT đã có quyết định thành lập Ban chỉ đạo Festival, trong đó Bộ sẽ chủ trì thực hiện 5 nội dung chính: Trình diễn máy móc, thiết bị canh tác lúa gạo; hội thảo đối thoại chính sách Việt Nam – châu Phi, hợp tác Nam – Nam, hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực; hội nghị phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam trách nhiệm và bền vững; hội thảo tình hình lúa gạo toàn cầu và xu hướng trong thời gian tới; hội thảo khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành lúa gạo.

Bên cạnh đó, Bộ NNPTNT cũng sẽ có trách nhiệm phối hợp các công việc với UBND tỉnh Hậu Giang. Các công tác chuẩn bị cho buổi trình diễn và 4 hội thảo cũng như hoạt động truyền thông sự kiện, phối hợp với tỉnh cơ bản hoàn thành.

Định vị hạt gạo tại Festival Lúa gạo Việt Nam 2023  - Ảnh 1.

10.000 chậu lúa được hộ gia đình ông Trần Văn Triệu trồng phục vụ cho Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam trong tháng 12, tổ chức tại Hậu Giang. Ảnh: Thúy Vy

Festival Lúa gạo Việt Nam 2023 dự kiến có khoảng 500 gian hàng giới thiệu, trưng bày sản phẩm OCOP và các chương trình ẩm thực từ gạo.

Trong khuôn khổ Festival sẽ diễn ra nhiều hoạt động như: Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội, sản xuất lúa gạo Hậu Giang và các tỉnh, thành phố trong cả nước; hội thi "Món ngon từ gạo - nếp Việt Nam"; hội thi "Nhà nông trẻ chuyên nghiệp tỉnh Hậu Giang"; hội thi "Món ngon Nam bộ"… Hiện đã có khoảng 180 đại biểu quốc tế xác nhận đến Hậu Giang dự lễ hội lúa gạo.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang - Đồng Văn Thanh cho biết, từ năm 2009, Hậu Giang là đơn vị đầu tiên khởi phát tổ chức sự kiện Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ I, sau đó nhiều địa phương đăng cai tổ chức, và đến năm 2023 là Festival lần thứ 6. 

Theo ông Thanh, lúa gạo vẫn là mặt hàng chủ lực của địa phương. Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh, Hậu Giang muốn tổ chức Festival này để thấy được thành tựu phát triển của ngành lúa gạo ĐBSCL, và cũng là cơ hội tốt đối để tỉnh thu hút, tăng cường truyền thông cho địa phương.

UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, một trong những điểm nhấn đặc biệt của Festival lần này chính là triển lãm "Con đường lúa gạo Việt Nam" với 10.000 chậu lúa được sắp xếp trải dài bờ kè kênh xáng Xà No (TP.Vị Thanh). Qua đó sẽ hiện thực hóa quá trình phát triển nghề trồng lúa tại Việt Nam, từ những bước sơ khai, tiểu nông kinh tế, công nghiệp hóa đến nông nghiệp hiện đại 4.0.

Tạo nhiều "bệ phóng" cho hạt gạo Việt Nam

Là nông dân sản xuất giỏi của xã Vị Tân, TP.Vị Thanh, ông Trần Văn Triệu (SN 1966) có hơn 30 năm kinh nghiệm trồng hoa bán tết, vì vậy ông được tỉnh Hậu Giang đặc biệt "chọn mặt gửi vàng" trồng 10.000 chậu lúa phục vụ trưng bày, triển lãm con đường lúa gạo. 

Ông Triệu cho biết: Lúa trồng đến nay đã được 48 ngày, 10.000 chậu với 6 giống lúa: OM 5451, OM18, R50404, Đài Thơm 8, RVT, ST25, dự kiến hơn 2 tuần nữa sẽ được đem đi trưng bày.

Định vị hạt gạo tại Festival Lúa gạo Việt Nam 2023  - Ảnh 3.

Ông Trần Văn Triệu chăm bón các chậu lúa chuẩn bị cho triển lãm “Con đường lúa gạo”. Ảnh: Thúy Vy

"Trồng lúa trong chậu nặng công chăm sóc hơn ngoài ruộng, mà đây cũng là lần đầu tiên tôi trồng lúa trong chậu nên phải hết sức cẩn thận từng khâu. Đất trồng lấy từ sông lên phơi nắng cho ải, trộn thêm phân hữu cơ, rơm, trấu rồi mới đem vào chậu, gieo hạt giống xuống. Khi bón phân cũng phải kỹ lưỡng, gia giảm cân đối vì không thể lấy lại phân bón dư như ngoài ruộng được. Cứ mỗi 3 ngày, đội ngũ cán bộ Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh lại đến nhà ông Triệu theo dõi, đánh giá, hỗ trợ kỹ thuật để phòng trừ sâu bệnh hại, đảm bảo 10.000 chậu lúa đều khỏe mạnh" - ông Triệu nói.

Tại buổi gặp mặt các doanh nghiệp sẽ tham gia Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 mới đây, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng: Chúng ta cần chuyển hướng làm thương mại theo kiểu mới. Đó có thể là bán những sản phẩm mà trước đây chưa từng có, hoặc tận dụng những phế, phụ phẩm trong ngành hàng lúa gạo. Lúa gạo là cây trồng chủ lực, là thương hiệu, là hình ảnh mà mỗi khi nhắc tới là bạn bè quốc tế sẽ nghĩ đến Việt Nam. Do đó, phương tiện sản xuất, vật tư nông nghiệp… trong hệ sinh thái ngành hàng đều có thể khai thác các câu chuyện, hình ảnh liên quan để có cái nhìn toàn diện và nâng tầm hạt gạo.

"Chính phủ, và trực tiếp là Thủ tướng Phạm Minh Chính rất quan tâm đến sự kiện và mong muốn có một hiệu ứng lan tỏa từ Festival lúa gạo, thông qua việc có nhiều lễ ký kết biên bản ghi nhớ, chứng tỏ quyết tâm và sự đồng hành của các bên" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết hiện Bộ đang triển khai và tổ chức nhiều đề án liên quan tới ngành hàng lúa gạo, trong đó có đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải và đề án cơ giới hóa nông nghiệp. Đây sẽ là những"bệ phóng" để hạt gạo Việt Nam bay xa trên thị trường quốc tế. 

Bộ trưởng bày tỏ hy vọng và nhấn mạnh Festival lúa gạo tại tỉnh Hậu Giang sắp tới là cơ hội để "bán hình ảnh", với những tinh túy độc đáo nhất của hạt gạo, chứ không phải tìm đối tác, khách hàng để "bán hạt gạo", từ đó giúp người nông dân tăng thu nhập từ nghề trồng lúa. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem