Đừng để Mekong Connect chỉ là cuộc “đánh trống ghi tên”

Quốc Hải Thứ bảy, ngày 18/11/2023 17:23 PM (GMT+7)
Mekong Connect ra đời vào 2015, từ sáng kiến của Mạng lưới liên kết cấp vùng ABCD Mekong (An Giang – Bến Tre – Cần Thơ – Đồng Tháp) và sau đó có sự tham gia của TP.HCM. Tính đến 2023, đây là lần thứ 8 Diễn đàn này được tổ chức, mỗi năm một chủ đề.
Bình luận 0

Diễn đàn Mekong Connect năm 2023 được tổ chức tại TP.HCM trong bối cảnh có nhiều ý nghĩa quan trọng: Thủ tướng Chính phủ vừa thành lập Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và Nghị quyết 45 về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ.

Đừng để Mekong Connect chỉ là cuộc “đánh trống ghi tên” - Ảnh 1.

Mekong Connect 2023 thu hút sự quan tâm kết nối của nhiều doanh nghiệp. Ảnh: Quốc Hải

Sau 8 năm, "sân chơi" Mekong Connect được gì?

Ở diễn đàn lần thứ 8 này, Mekong Connect 2023 nhận được sự quan tâm đồng chủ trì của Bộ NN&PTNT, Bộ KHCN, UBND TP.HCM và sự tham gia của 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là một bước tiến của tinh thần Connect Mekong, sau cuộc kết nối vào tháng 3/2023 – Ký kết Bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, và sau đó vào tháng 7/2023 là cuộc triển khai thực hiện thỏa thuận hợp tác này.

Thế nhưng, sau 8 năm của "sân chơi" Mekong Connect, các tỉnh thành ở vùng đất "Chín Rồng" và "đầu tàu" TP.HCM đã làm được những gì?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, người gắn bó với diễn đàn Mekong Connect từ những ngày đầu, khi diễn đàn này chỉ giới hạn ở 4 tỉnh ABCD Mekong, nhận xét, Mekong Connect mỗi một năm có một sự trưởng thành nhất định, có một sự kết nối nhiều hơn. Ban đầu chỉ có 4 tỉnh ABCD Mekong, sau đó các tỉnh khác bắt đầu tham gia vào. Lúc đầu chỉ tham gia như là những người đến nghe, sau này thì họ đã tham gia trực tiếp và hoạt động nhiều hơn. Khi đó, sự kết nối của các tỉnh trở thành một thực tế rất rõ.

Doanh nghiệp khi đó không chỉ làm ở một tỉnh, mà còn làm từ tỉnh A, kết nối sang tỉnh B, tỉnh C. Như Lộc Trời của ông Huỳnh Văn Thòn, lúc đầu chỉ làm ở An Giang, cánh đồng mẫu lớn lúc đầu chỉ phát triển ở An Giang, nhưng sau đó ông đã qua Đồng Tháp. 

Sang Đồng Tháp lại được địa phương hóa, trở thành cánh đồng liên kết, chứ không nói lớn hay nhỏ bao nhiêu, tức là tinh thần liên kết. Từ đó, tinh thần này tiếp tục lại lan sang các tỉnh khác với các mô hình tương tự, và không chỉ trên lúa mà còn trên các lĩnh vực khác.

Hoặc là những doanh nghiệp đã thành công ở tỉnh này họ mang mô hình, mang câu chuyện sang kể lại, chia sẻ kinh nghiệm cho các tỉnh khác làm sản phẩm tương tự. Đó là một mặt rất tích cực, rất hay mà Mekong Connect đã mang lại.

Đừng để Mekong Connect chỉ là cuộc “đánh trống ghi tên” - Ảnh 2.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

Theo bà Lan, một điểm nhấn tiếp theo là các tỉnh đã nhận thức được là mình nên tập trung vào cái gì mình có thế mạnh, chứ không phải cứ thấy tỉnh bạn bên cạnh làm tốt cái này mình lại lao vào làm theo, như vậy sẽ thành thừa. mà sản phẩm không hợp với điều kiện địa phương kém ra thị trường lại làm cho cả sản phẩm đang tốt bị nhiễu loạn, giá bán cùng nhau kéo xuống.

"Cho đến bây giờ họ đã nhận thức được phải tập trung hơn vào các sản phẩm mình có thế mạnh, tức là đã biết phân công, phân chia thị trường với nhau. Tôi cho rằng đó là cái rất quý mà Mekong Connect đã mang lại", chuyên gia Phạm Chi Lan, chia sẻ.

Những nhận xét của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã thực sự rất sát sao khi ngay tại Diễn đàn Mekong Connect năm nay, lãnh đạo các tỉnh thành đã thực sự nhận thấy tầm quan trọng của mối liên kết vùng.

Chẳng hạn, tại Bến Tre, ngoài thỏa thuận Chương trình hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đến năm 2025 đã được lãnh đạo các địa phương ký kết vào ngày 11/3/2023, tỉnh này còn "bắt tay riêng" với TP.HCM để hợp tác song phương  với 5 nội dung cụ thể về du lịch, đào tạo, kết nối đầu tư…

"Những hoạt động cụ thể trên đã minh chứng rõ sự quyết tâm rất lớn của lãnh đạo tỉnh Bến Tre nói riêng và địa phương trong Vùng nói chung đối với liên kết, hợp tác vùng. Đồng thời kỳ vọng sẽ xây dựng được tư duy mới, tầm nhìn mới và cách tiếp cận mới từ góc độ chung của toàn xã hội, giảm dần tư duy cục bộ địa phương để hướng tới mục tiêu lớn hơn, xa hơn cho cả khu vực và cả nước", ông Nguyễn Trúc Sơn, phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre, nhấn mạnh.

Đừng để Mekong Connect chỉ là cuộc “đánh trống ghi tên” - Ảnh 3.

Các doanh nghiệp phải là nhân tố chủ lực trong mối liên kết vùng. Ảnh: Quốc Hải

Hoặc, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường đánh giá những cuộc kết nối thực chất tại Mekong Connect có ý nghĩa rất lớn trong việc kết nối nguồn lực, phát huy những cầu nối đầu tư, khuyến khích hợp tác công – tư, tạo tác động kinh tế- xã hội – văn hóa trong quá trình hội nhập.

Phải hiểu đúng giá trị của mối liên kết giữa Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM 

Tuy nhiên, vẫn có những băn khoăn về tính thực chất của mối liên kết giữa các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM. Mà như lời của Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan: "Hợp tác là văn hóa, hợp tác là thái độ. Chừng nào lãnh đạo của địa phương chưa hiểu được giá trị của sự hợp tác, sự liên kết của những địa phương với nhau, thì lúc đó chúng ta cũng chưa thành công".

Theo chia sẻ của tư lệnh ngành nông nghiệp Việt Nam, ông cũng hay viết những bài nói về giá trị của sự cộng hưởng là thế nào? "Nếu tinh thần chúng ta chỉ là liên kết giữa các đơn vị hành chính trong 13 tỉnh, thành, mà mọi người chưa hiểu hết giá trị của sự liên kết, thì tới phiên hợp tác công tư giữa 13 tỉnh thành, trong đó có các chuyên gia, doanh nghiệp thì chắc chắn mối liên kết này sẽ rời rạc", ông Hoan nói.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, trong một cuộc họp bàn về hợp tác du lịch giữa TP.HCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ông tham dự, lúc giải lao, ông nghe một lãnh đạo doanh nghiệp lữ hành thẳng thắn chia sẻ với ông, rằng: "Tôi đố các ông làm được, bởi vì chưa thấy bóng dáng của các doanh nghiệp chúng tôi trong sự liên kết này".

Đừng để Mekong Connect chỉ là cuộc “đánh trống ghi tên” - Ảnh 4.

Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan. Ảnh: QH

Theo ông Lê Minh Hoan, rõ ràng tư duy của chính quyền còn nặng, chúng ta phải tiến tới tư duy cộng đồng, tư duy xã hội bởi cuối cùng thị trường sẽ là điều chỉnh chứ không phải kế hoạch Nhà nước điều chỉnh.

Còn theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao: "Người ta có thể ngồi cộng trừ những con số vô hồn về chuyện hợp tác sẽ được gì, tăng GDP ra sao,… tôi nghĩ rằng người ta cũng chưa thực sự thấm ý nghĩa sâu sắc của sự hợp tác.

Nhớ hồi dịch Covid-19, TP.HCM bị phong tỏa ngăn sông cấm chợ, nhưng các tỉnh thì không bán được hàng hóa. Thành ra, các tỉnh thành nếu thấy có nhu cầu và thực sự muốn liên kết hợp tác thì tiến tới hợp tác chứ cũng không phải là "đánh trống ghi tên", bà Hạnh nhận xét.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem