Người ta còn mế là còn có chỗ để nương tựa, vỗ về, an ủi. Đối với tôi, mế là tất cả. Mế cho tôi hình hài, sự sống, mế dạy tôi cách làm người, mế nâng bước chân đầu đời của tôi trên từng bậc thang nhà sàn, để rồi tôi tự đi bằng đôi chân mình vào giữa cuộc đời giông gió.
![]() |
Mùi nồng nàn khắp bản gần, bản xa của rượu ngô báo hiệu xuân về. Ảnh: TL |
Trong thời khắc giao thừa, cái cũ qua đi để cái mới hồi sinh, trước ánh lửa bập bùng, theo dòng hồi tưởng, mế đang cùng tôi trở về trên núi, mế đồng hành bên mây ngàn, gió xuân cùng tuổi thơ tôi.
Ôi! Ngày thơ bé, những cái tết nối nhau trôi đi trong hương thơm dìu dịu man mác của rừng đào bên triền núi. Những cái tết thơm hương rượu ngô được nấu từ men lá. Khắp bản gần, bản xa nồng nàn hương thơm của rượu ngô là lúc xuân về.
Nhớ sao, sáng ba mươi tết, tôi ngồi sát mâm đồng, háo hức xem mế gói bánh chưng. Chiều, tôi giống như con mèo nhỏ len lén bám gấu áo mế, quanh bếp lửa giữa nhà, xem mế làm cơm cúng gia tiên.
Mế vừa xào nấu, vừa dặn dò chúng tôi: "Nấu nướng thắp hương không được nếm trước ông bà, tổ tiên". Lời mế dạy ấm áp, dịu dàng mà sâu xa. Ngoài kia, mưa bụi lây rây như rắc phấn, gió xuân mang cái lạnh mùa đông còn sót lại ôm lá mơ, lá mận chạy lạt sạt tạo nên bản nhạc núi êm đềm mà âm vang, náo nức mà bồi hồi…
Tôi như mê đi trong những ngày tết có cái rét lành lạnh, mưa bụi giăng giăng, mây mù lan tỏa, dung dăng lạc bước vào gầm nhà sàn, và có cả bầy chim bạc má ríu rít ngoài bìa rừng.
Biết bao cái tết qua rồi mế.
Tối đến, tôi ngồi trong lòng mế, trên bếp lửa đỏ rừng rực, nồi bánh chưng sôi sình sịch. Mế ôm chặt, vỗ nhè nhẹ vào lưng tôi rồi cất lên lời ru dịu dàng:
"…A ời, khen slửa quắt tha vằn bấu tẻo, tha vằn chải khưởn kéo mừa tây…"
(…A ời, tay áo vẫy mặt trời không lại, mặt trời nghiêng núi vượt về tây…)
Và tôi thiếp đi trong lời ru nồng ấm, da diết ấy.
Lời mế ru lặn vào trong đêm, bay qua thinh không văng vẳng trên non ngàn. Lời ru tự sự của mế đã đưa tôi qua tuổi ấu thơ, gieo vào tôi tình yêu, lòng nhân hậu…Cho mãi đến sau này tôi mới hiểu, vì sao đêm ba mươi nào mế cũng ru tôi bằng lời ru buồn vời vợi như thế…
Mế về làm vợ cha tôi chưa đầy cái tết thì cha tôi đi bộ đội. Cái chân đưa cha đi cách ngàn quả núi, con sông vào trong miền Nam đánh giặc. Tết đến, năm nào cũng thế, mế hơ hoải, bần thần dán mắt vào con đường giống như sợi chỉ đỏ mỏng manh treo ngang vách núi, mong mỏi cha tôi.
Chiến tranh kết thúc, cha tôi mãi mãi không trở về. Cha tôi hy sinh trên chiến trường Đông Nam bộ. Khi nhận bằng "Tổ quốc ghi công" vào chiều ba mươi tết, mắt mế tôi khô khốc không còn nước để chảy nữa. Mế ôm chặt tôi, cắn chặt môi đến ứa máu. Năm ấy, mế con tôi không có tết, trên bàn thờ ngút ngát hương.
Giờ đây, những ngày cuối năm này, trong giây phút giao thoa của trời đất, khói nhang vấn vít, dường như linh hồn mế tôi đã trở về vỗ về, thủ thỉ ru tôi. Mế ơi, mế hóa thân thành nấm cỏ xanh mà sao con vẫn tưởng như mế còn đang đi chơi đâu đấy quanh bản thôi, mế sẽ về nhà trước giao thừa để kịp đón tết.
![]() |
Hoa đào nở rộ ở các tỉnh vùng núi phía Bắc mỗi khi xuân về. Ảnh: Vũ Ngọc |
Mế của tôi chưa mất đâu, mế hóa thân thành gió xuân phiêu diêu phả hơi thở cho rừng đào nở hoa, cho cây mơ, cây mận kết trái, mế hóa bếp lửa mang hơi ấm cho người bản, mế hóa thân vào đá sừng sững trên non cao, mế hóa mây, mưa cho đất trời thuận hòa…
Giao thừa đến rồi mế ơi, ở cõi niết bàn không còn khổ đau, chỉ có niềm vui thanh bạch tĩnh lặng, không có sự phân biệt giầu nghèo, sang hèn thì con xin mế hãy nhớ đến con, nhớ đến một kiếp người ăn nỗi đau để sinh hạnh phúc cho đời người khác. Nhớ đến mế vẫn hiện hữu trên cõi đời này bằng chính thân xác và tâm hồn con.
Mế sống trong hoài niệm, trong ký ức những người quê núi, rằng con là di tượng của mế. Con đã lớn lên, đi vững bằng đôi chân và hình hài mà mế đã sinh thành, đã cho con kiếp làm người.
Trong mùa xuân này, người ta hồ hởi chúc tụng nhau bằng nhiều lời chúc phúc tốt lành, niềm vui hởi hả, bất tận nở tung như những nhánh hoa đào thế mà con lại trải lòng mình bằng nỗi buồn nhớ mế. Nhưng con muốn tâm sự với mọi người rằng: Mỗi chúng ta ai cũng có mế, và chỉ có một mế thôi. Mế là giọt nắng ở nơi nơi, là mùa xuân của đất trời. Và hạnh phúc biết bao khi những ai còn có mế.
BÙI THỊ NHƯ LAN
(Phường Thịnh Đán, Thái Nguyên)
Ban tổ chức cuộc thi Nhớ thương mùi Tết tiếp tục nhận bài đến ngày 15/2/2021.
Bài dự thi gửi về email: nhotet@thegioitiepthi.vn hoặc địa chỉ: số 57 đường 10, phường An Lợi Đông, quận 2, TP.HCM. Tiêu đề bài viết gửi qua email hoặc bì thư ghi: Dự thi “Nhớ thương mùi Tết”. Vui lòng ghi rõ thông tin tác giả: địa chỉ, số điện thoại, tài khoản.
Lễ trao thưởng tổ chức ngày 26/2/2021 (Rằm tháng Giêng).
![]() |
Gửi bình luận