TP.HCM: Đối tượng xâm hại trẻ em có cả trí thức, người có địa vị xã hội

Bạch Dương Thứ tư, ngày 31/05/2023 14:45 PM (GMT+7)
UBND TP.HCM vừa có báo cáo việc thực hiện nghị quyết số 121 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em trên địa bàn.
Bình luận 0
Đối tượng xâm hại trẻ em có cả người dân trí cao, có địa vị xã hội - Ảnh 1.

TP đang đẩy mạnh công tác bảo vệ trẻ em. Ảnh: B.D

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, việc xâm hại trẻ em trước đây thường xảy ra ở nơi vắng vẻ thì giờ xuất hiện nhiều ở nơi công cộng; độ tuổi bị xâm hại có chiều hướng ngày càng nhỏ.

Đối tượng không chỉ là người lao động phổ thông có trình độ dân trí thấp mà đã phát sinh từ những người có nghề nghiệp ổn định, có trình độ, có địa vị xã hội.

Phần lớn những người xâm hại trẻ em là nam giới. Đáng lưu tâm là hầu hết các trẻ em bị xâm hại bởi người quen biết như họ hàng, hàng xóm, bạn của gia đình... Một số trường hợp xâm hại diễn ra trong một thời gian dài, thậm chí kéo dài nhiều năm nhưng nạn nhân im lặng.

Thủ đoạn của các đối tượng chủ yếu là lợi dụng sự tin tưởng hay sức ảnh hưởng của mình hoặc dùng "lòng tốt" nhằm dụ dỗ, đe dọa để thực hiện hành vi xâm hại trẻ em. Các dạng hành vi xâm hại trẻ em phố biến là giết, cố ý gây thương tích, hiếp dâm, giao cấu, dâm ô, bắt cóc, mua bán...

Đặc biệt, nếu như trước đây địa bàn xảy ra các vụ xâm hại trẻ em thường tập trung ở những địa điểm vắng vẻ, khu vực ngoại thành, khách sạn, nhà trọ lưu trú của người dân lao động... thì thời gian gần đây, địa bàn xảy ra các vụ xâm hại trẻ em là các khu vực công cộng thuộc các chung cư, trường học, công viên.

Theo đánh giá của UBND TP.HCM, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em trên địa bàn thời gian qua có chiều hướng giảm về số vụ nhưng có tính chất ngày càng nghiêm trọng, diễn biến phức tạp. Hình thức xâm hại chủ yếu là các hành vi xâm hại tình dục trẻ em (hiếp dâm, giao cấu, dâm ô), kế đến là các hình thức khác như bạo hành thể xác (tra tấn, đánh đập), bạo hành tinh thần (hăm dọa, mắng chửi).

Độ tuổi trẻ em trong các vụ xâm hại có chiều hướng ngày càng nhỏ, tập trung nhiều ở độ tuổi từ 10 đến dưới 16 (trong đó phần lớn là trẻ em gái).

Tuy nhiên, con số này có thể chưa hoàn toàn phản ánh thực tế do văn hóa và khả năng nhận thức của trẻ em về vấn đề xâm hại. Trẻ sống với cha dượng hoặc sống trong gia đình có bạo hành vợ chồng, ly hôn, thất nghiệp, lạm dụng bia, rượu và các chất kích thích có nguy cơ bị xâm hại, xâm hại tình dục cao.

Việc ghi nhận thông tin khách lưu trú của các khách sạn, nhà nghỉ không được thực hiện đầy đủ nên khi xảy ra các vụ xâm hại tình dục trẻ em, việc thu thập, xác minh, củng cố chứng cứ gặp rất nhiều khó khăn.

Để nâng cao hiệu quả việc thực hiện nghị quyết, TP.HCM kiến nghị bộ, ngành trung ương xem xét quy định về số lượng và chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách phù hợp với điều kiện thực tế tại TP.

Có chế độ chính sách thu hút nhân viên công tác xã hội làm việc trong các trường học (bao gồm cả cơ sở mầm non), tại địa bàn dân cư nhằm tăng cường nguồn nhân lực kết nối, giải quyết các vấn đề liên quan công tác bảo vệ trẻ em.

TP.HCM hiện có khoảng 1,8 triệu trẻ em; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chiếm hơn 10.000 trẻ và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đang sống tại cộng đồng là 19.565 trẻ. Năm 2021 TP có 114 trẻ em bị xâm hại, năm 2022 tăng lên 147 trẻ và tính trong 4 tháng đầu năm 2023 đã có 65 trẻ bị xâm hại.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem