Doanh nhân 8X Phạm Quang Anh: Từ nguy cơ "chết yểu" đến hợp đồng xuất khẩu thần tốc 2 triệu USD - Ảnh 1.

Doanh nhân 8X Phạm Quang Anh (phải) - Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony - Ảnh: Quốc Hải

Hồi cuối tháng 8, Công ty TNHH May mặc Dony đã phải nộp danh sách bổ sung nhân lực sản xuất "3 tại chỗ". Bởi, dù 100% lao động của doanh nghiệp (DN) còn ở lại TP.HCM và 95% lao động đã tiêm 1 mũi vaccine Covid-19 nhưng không thể huy động nhiều hơn công nhân đến làm việc. Giám đốc công ty - ông Phạm Quang Anh cho biết, hiện DN chỉ có 1/3 công nhân tham gia sản xuất, đạt khoảng 20% công suất.

"Tiến độ giao hàng của Dony đã trễ một tháng so với hợp đồng. Một số đối tác thông cảm với tình huống của nhà sản xuất. Nhưng ở châu Âu vẫn làm việc bình thường, khách hàng không thể chờ thêm và yêu cầu phía nhà sản xuất phải đưa ra một lịch hẹn cụ thể, nếu không đảm bảo sẽ chuyển đơn hàng sang quốc gia khác", ông Phạm Quang Anh cho hay.

Doanh nhân 8X Phạm Quang Anh: Từ nguy cơ bị hủy đơn hàng đến hợp đồng xuất khẩu “thần tốc” trị giá 2 triệu USD… - Ảnh 1.

Ngay khi TP.HCM mở cửa - doanh nhân 8X Phạm Quang Anh đã "thần tốc" ký hợp đồng xuất khẩu trị giá 2 triệu USD - Ảnh: NVCC

Gần đây nhất, hồi cuối tháng 9, khi được hỏi DN đã chuẩn bị gì cho mở cửa trở lại, vị doanh nhân 8X này còn lo lắng: "Tuần trước có khách hàng muốn ký hợp đồng và đặt ngay đơn hàng đi Trung Đông nhưng chúng tôi buộc phải từ chối vì không biết tình hình mở cửa trở lại sẽ được thực hiện lúc nào".

Vậy mà, chỉ ngay sau khi TP.HCM chính thức "phá băng" giãn cách (ngày 1/10), Dony đã bắt tay ký hợp đồng với một loạt đối tác ở Trung Đông, châu Âu, Mỹ và Nhật Bản.

"TP.HCM vừa có lệnh tái mở cửa, chúng tôi liền đánh giá tình hình và vài ngày sau đó ký hợp đồng, nhận cọc làm luôn. Năm nay cố gắng làm để giảm vay tiền trả lương công nhân là tốt rồi", Quang Anh chia sẻ.

Không nề hà chuyện chuyển đổi để sống sót trong đại dịch

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều DN ngành may mặc bị thua lỗ, thậm chí là phá sản. Vì sao chỉ là một DN có quy mô nhỏ nhưng Dony vẫn vượt qua đại dịch thành công, Quang Anh có thể chia sẻ kinh nghiệm về việc này?

Đúng là đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều ngành sản xuất, đặc biệt là ngành dệt may đứng trước nguy cơ thua lỗ, thậm chí phá sản vì bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Nói thật, ngay từ ban đầu, Dony cũng rất hoang mang, nhưng nhờ nắm bắt sớm việc chuyển đổi đã giúp DN vượt qua được những ngày tháng khó khăn nhất của đại dịch.

Cụ thể là, ngay khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam vào đầu năm 2020, người bạn thời đại học của Quang Anh hiện đang là thạc sỹ y tế cộng đồng có công ty về thiết bị y tế và dược, gọi điện bàn về việc làm khẩu trang. 

Lúc đầu, tôi cũng không mấy hào hứng vì muốn tập trung duy nhất vào may mặc, hơn nữa làm khẩu trang chỉ có tính thời vụ.  Nhưng càng nghe bạn nói định hướng và định vị về chiếc khẩu trang này khác với thị trường khẩu trang thông thường, dựa trên kiến thức và kinh nghiệm ngành dược, nên tôi đã gật đầu.

img
img
img
img
img
img

Đích thân Giám đốc 8X Phạm Quang Anh cùng với công nhân, đội ngũ quản lý Dony bàn bạc đưa ra mẫu thiết kế và bắt tay vào may từng đường kim, mũi chỉ - Ảnh: Quốc Hải

Vậy là từ đầu tháng 3/2020, công ty làm mẫu thử. Đúng lúc này, Bộ Y tế ban hành Thông tư 870 hướng dẫn về quy định khẩu trang vải kháng khuẩn, tôi lập tức gửi sản phẩm đi kiểm định và được chấp thuận. Sản phẩm nhanh chóng được chào bán ra thị trường, có 2 công ty dược lớn trong nước đặt mua 70.000 cái cho lô hàng đầu tiên, dùng tặng y bác sỹ tại các bệnh viện dã chiến chống dịch. Sau đó là đồng loạt các đơn hàng lớn trong và ngoài nước, có đơn hàng lên tới hàng chục tỷ đồng.

Số đơn đặt hàng ngày càng lớn, số lượng hàng mỗi đơn tăng nhanh, nhiều thời điểm Dony buộc phải từ chối một số đơn đặt hàng gấp.

Sự bùng nổ doanh số từ việc xuất khẩu khẩu trang vải đã giúp Dony vượt qua mùa dịch, đồng thời có khoản đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất. Đây là điều tôi tâm đắc nhất, vì trước khi dịch bùng phát, nhà máy Dony chỉ có diện tích 420m2. Hiện tại, nhà máy đã mở rộng lên 1.600m2, mở rộng cả quy mô lẫn sản phẩm.

Đang chuyên về may mặc mà chuyển sang làm khẩu trang, chắc lúc đó Quang Anh phải quyết tâm rất lớn khi phải đầu tư thêm máy móc, thiết bị trong khi thị trường còn chưa thành hình?

Cũng không hẳn, thời điểm đó người bạn thời đại học của tôi là anh Đào Tấn Điền với 10 năm làm việc trong lĩnh vực y tế cộng đồng, hiểu rõ quy trình sản xuất khẩu trang vải 3 lớp kháng khuẩn có tư vấn cho tôi. Và việc chuyển hướng của Dony diễn ra không lâu sau đó. Các thủ tục đăng ký kiểm định cũng được ráo riết chuẩn bị. Bởi tính của tôi là vậy, quyết định làm gì là làm ngay.

Doanh nhân 8X Phạm Quang Anh: Từ nguy cơ bị hủy đơn hàng đến hợp đồng xuất khẩu “thần tốc” trị giá 2 triệu USD… - Ảnh 3.

Doanh số khẩu trang bùng nổ đã giúp Dony cầm cự và phát triển qua đại dịch Covid-19 - Ảnh: Quốc Hải

Và sự bùng nổ doanh số khẩu trang khiến chính tôi cũng cảm thấy bất ngờ. Giá trị thấp (chưa tới 1 USD/chiếc), nhưng đơn hàng rất lớn và vì sự cấp bách trong mùa dịch nên các đối tác thanh toán tiền rất nhanh. Trong 10 - 15 ngày kể từ khi nhận đơn hàng, sản xuất rồi chuyển cho khách là có tiền về, trong khi làm đồng phục phải mất 2 - 3 tháng.

Còn về việc đầu tư chuyển đổi của Dony gần như bằng không, vì công ty có thể tận dụng sẵn hạ tầng, trong khi kỹ thuật may khẩu trang vải không quá khó, nhất là với DN đã có kinh nghiệm xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, châu Âu như Dony. Công ty tốn chi phí mua thêm máy đóng gói thành phẩm và thuê khử trùng theo công nghệ khí E.O dùng trong y tế ở nhà máy tại Bình Dương, nhưng không đáng kể so với doanh thu.

Nhưng để tiếp thị sản phẩm mới trong bối cảnh các quốc gia đều "bế quan tỏa cảng" vì dịch Covid-19 thời điểm đó là không dễ?

Sở dĩ Dony có thể bắt kịp nhu cầu khẩu trang tăng đột biến là do mô hình của công ty là vừa sản xuất vừa làm thương mại trong ngành may mặc. Nếu theo mô hình thuần thương mại sẽ rất khó có đơn hàng do khách không thấy xưởng sản xuất, còn thuần sản xuất thì số lượng nhân công sẽ tỷ lệ thuận với mức độ rủi ro.

Với mô hình "lai" này, việc giữ lại bộ phận sản xuất giúp Dony có thể lên mẫu sản phẩm, hiểu quy trình sản xuất. Khi đơn hàng tăng vọt, công ty sẽ tìm các đối tác gia công bên ngoài theo chuẩn của mình. Nhờ nắm quy trình sản xuất, Quang Anh sẽ tính được thời gian cần thiết, số người cần thiết để làm ra một sản phẩm. Đây là một tiêu chí quan trọng để đánh giá đối tác.

img
img
img

Doanh nhân 8X Phạm Quang Anh cũng đích thân lao vào công việc cắt vải cùng công nhân - Ảnh: Quốc Hải

Tiếp đến, Dony rất chịu khó tiếp thị hình ảnh cũng như sản phẩm của mình trên các website thương mại điện tử B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp), tham gia các hội chợ. Hằng năm, công ty đều dành một khoản ngân sách cho việc này.

Tôi nghĩ, để hưởng lợi từ khẩu trang vải, một phần nhờ may mắn, một phần nhờ nền tảng mà Công ty đã xây dựng bấy lâu nay.

"Anh em công nhân sống được, Dony mới tồn tại"

Rất ít DN có thể hoạt động 100% nhân lực ngay khi TP vừa mở cửa trở lại, Dony có bí quyết gì?

Ngay trong thời điểm khó khăn nhất, đó là thời điểm từ tháng 7, Dony đã phải tạm ngưng hoạt động trong 2 tuần vì không chuẩn bị kịp theo quy định 3 tại chỗ, do việc sắp xếp từ nấu ăn tại chỗ, chỗ ngủ, vệ sinh... cho công nhân không thể thực hiện được. 

Sau đó, vì các đơn hàng rất gấp, công ty bắt đầu tổ chức 3 tại chỗ với khoảng 20% công nhân và từ đầu tháng 9 tăng lên được 30% nhưng công suất cũng không đạt, thậm chí là còn thêm gánh nặng chi phí điện, nước...

"Dony tâm niệm, anh chị em công nhân có sống được, sống tốt thì Dony mới tồn tại. Tất cả những việc này chỉ là việc nhỏ nhưng rất cần thiết để tìm kiếm sự sẻ chia, đồng cảm của người lao động; khiến họ cảm thấy được quan tâm và xem như người nhà…"

Ông Phạm Quang Anh

Lúc này, dù gặp khó khăn nhưng Dony vẫn liên tục thăm hỏi, động viên tất cả công nhân, đồng thời hỗ trợ lương cơ bản để họ cầm cự qua mùa dịch. Đặc biệt, xác định phải sống chung với dịch Covid-19 nên tôi đã liên hệ với quận, phường để phủ 100% 2 mũi vaccine. Nhờ đó, ngay khi TP nới lỏng giãn cách, Dony đã ngay lập tức hoạt động 100% nhân lực.

Hiện Dony đang tăng tốc hoạt động để bù đắp lại sự trì trệ của những tháng giãn cách. Điều đáng mừng, ngay khi TP mở cửa trở lại thì Dony liên tục ký được hàng loạt đơn hàng xuất khẩu (1 đơn hàng xuất đi châu Âu, 1 đơn đi Trung Đông, 1 đơn xuất đi Mỹ và 2 đơn hàng xuất đi Nhật Bản) với tổng giá trị khoảng 2 triệu USD. Với quy mô gần 100 lao động thì chúng tôi phải làm liên tục từ nay cho đến qua Tết Nguyên đán.

Còn kinh nghiệm của Dony trong việc "giữ chân" người lao động ở lại làm việc sau khi TP mở cửa?

Nói thật, trong đại dịch Covid-19, công nhân lo lắng nhất là việc công ty đứt gãy đơn hàng, không có việc làm. Ở Dony, chúng tôi thường xuyên cập nhật các đơn hàng ký kết được lên group Zalo chung của công ty để từ đó giúp họ yên tâm là công ty không thiếu việc. Thậm chí, cả sức khỏe tài chính của công ty cũng được cập nhật để họ yên tâm làm việc khi biết DN vẫn còn khả năng hoạt động tốt.

Các giải pháp này hiện đã mang lại hiệu quả thực tế là chúng tôi giữ chân được 100% lao động.

Doanh nhân 8X Phạm Quang Anh: Từ nguy cơ bị hủy đơn hàng đến hợp đồng xuất khẩu “thần tốc” trị giá 2 triệu USD… - Ảnh 6.

"Anh chị em công nhân có sống được, sống tốt thì Dony mới tồn tại...", Giám đốc 8X Phạm Quang Anh luôn tâm niệm.

Cách làm này khá mới lạ, Quang Anh không lo bị lộ bí mật kinh doanh hay sao?

Tôi không nghĩ vậy, việc có được các hợp đồng, các đơn hàng là thành công của doanh nghiệp, vì sao phải giấu? Hơn nữa, trong bối cảnh khó khăn về dịch bệnh như hiện nay, tâm lý của người lao động rất dễ bị tổn thương. Tôi chứng kiến, ở nhiều DN khi người lao động thấy trước dịch mà công ty đã yếu yếu, trong dịch thì sếp không liên lạc được, nghe đơn hàng không mấy khả quan thì ngay khi TP mở cửa, họ đã bỏ về quê liền vì biết có ở lại cũng khó kiếm việc làm.

Vì vậy, nếu mình kịp thời động viên, cam kết giữ nguyên quân số, thông tin cho họ biết các hợp đồng mình ký được cũng là cách "đảm bảo" của Dony cho hơn 100 lao động - rằng họ sẽ có việc làm từ nay đến qua Tết Nguyên đán 2022 và về lâu dài Dony vẫn sẽ duy trì việc này để tạo tâm lý an tâm cho người lao động.

Từ nguy cơ "chết yểu" đến hợp đồng xuất khẩu trị giá 2 triệu USD

Trong lúc thành phố đối diện với nguy cơ lớn nhất (trong tháng 8), khi số ca mắc Covid-19 tăng mạnh và buộc phải nâng mức độ giãn cách lên cao nhất, Quang Anh đã chia sẻ rằng Dony đang đối diện nguy cơ "gãy" đơn hàng, vì sao Dony vượt qua được?

Thời điểm đó, đối mặt với lượng đơn hàng tăng cao nhưng Dony chỉ duy trì có 1/3 công nhân tham gia sản xuất, đạt khoảng 20% công suất. Lúc đó, tôi lo lắng lắm, lo mới hồi đầu tháng 7, công ty vừa ký xong hợp đồng cung cấp một container áo quần đồng phục cho hệ thống trường học tại Mỹ, thì ngay sau đó TP.HCM bắt đầu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.

"Nói chung, đơn hàng đó lỗ nặng, nhưng đổi lại công ty giữ được chữ tín và quan trọng hơn là vẫn giữ được mối quan hệ làm ăn với đối tác lâu dài"

Ông Phạm Quang Anh

Khi đó, Quang Anh cho rằng giãn cách tạm thời, nhiều nhất là 1 tháng, nên đã trao đổi với đối tác cho giao hàng chậm một chút. Thế nhưng, đầu tháng 8 quyết định bắt tay làm 3 tại chỗ thì năng suất giảm mạnh. Khi đó, công ty đã chia sẻ lại cho đơn vị tại miền Trung gia công 1/3 lượng hàng.

Tuy nhiên vì lịch giao hàng quá cận ngày, công ty phải gửi hàng bằng đường hàng không với giá cước cao gấp 13 lần đường thủy, tương đương hơn 400 triệu đồng. Nói chung, đơn hàng đó lỗ nặng, nhưng đổi lại công ty giữ được chữ tín và quan trọng hơn là vẫn giữ được mối quan hệ làm ăn với đối tác lâu dài.

Sau đó, có khách hàng muốn ký hợp đồng và đặt ngay cho đơn hàng đi Trung Đông nhưng chúng tôi buộc phải từ chối vì không biết tình hình TP mở cửa trở lại sẽ được thực hiện lúc nào.

Nhưng ngay khi mở cửa chỉ vài ngày, Dony đã ký được các đơn hàng xuất khẩu trị giá 2 triệu USD, do may mắn hay Quang Anh đã chuẩn bị từ trước?

Có lẽ là do cả hai. Thực tế, trong mùa dịch, tôi vẫn luôn duy trì mối quan hệ thường xuyên với các đối tác. Mặc dù từ chối đơn hàng nhưng tôi vẫn trao đổi với đối tác là theo dự tính, TP.HCM có thể mở từ đầu tháng 10 và mở lúc nào sẽ hạ bút ký ngay lúc đó và nhận cọc luôn. Tương tự với phía cung cấp nguyên vật liệu cũng vậy.

Và ngay sau 2 ngày TP.HCM có lệnh tái mở cửa, chúng tôi lập tức đánh giá tình hình và vài ngày sau đó ký hợp đồng, nhận cọc làm luôn. Nói chung, khi dịch bệnh xảy ra thì các chi phi tăng lên rất nhiều, từ nguyên vật liệu đến chi phí logistic… nhiều đối tác cũng lo ngại khi giá thành tăng lên, nhưng Dony vẫn nhã ý nói họ khảo sát so sánh giá với nhiều nơi khác, kể cả các nước láng giềng.

Doanh nhân 8X Phạm Quang Anh: Từ nguy cơ bị hủy đơn hàng đến hợp đồng xuất khẩu “thần tốc” trị giá 2 triệu USD… - Ảnh 7.

Sau những giờ làm việc căng thẳng, là những lúc giám đốc cùng công nhân thư giãn bằng những điệu nhảy sôi động - Ảnh: Quốc Hải

Lẽ dĩ nhiên, dịch bệnh tác động nên chi phí cũng tăng lên ở bất cứ thị trường nào. Vì vậy sau khi khảo sát thì họ lại quay về với Dony vì dù sao chúng tôi cũng là đối tác lâu năm, hơn nữa cũng có uy tín trong lĩnh vực may mặc xuất khẩu sang các nước Mỹ, châu Âu, Nhật Bản,… từ nhiều năm nay.

Trong điều kiện hiện nay, dịch bệnh vẫn có thể quay lại, Dony làm gì để đảm bảo an toàn sản xuất cho công nhân?

Dù đã có 100% lao động tiêm 2 mũi vaccine nhưng Dony vẫn quyết tâm bảo vệ vùng an toàn cho sản suất. Theo đó, toàn bộ khu vực bên trong và ngoài văn phòng, nhà máy thường xuyên được khử khuẩn; không tiếp khách để giảm khả năng lây nhiễm; chủ động xét nghiệm tầm soát Covid-19 cho công nhân, người lao động...

img
img
img
img
img

Dony đang tăng tốc để lấy lại đà tăng trưởng trong 3 tháng cuối năm 2021 - Ảnh: Quốc Hải

Chúng tôi xác định dịch có thể tái bùng phát nhiều lần và kéo dài nên không thể ngồi yên chờ đợi. Mình phải có phương án chủ động như làm nhà xưởng thông thoáng, lắp hệ thống bơm oxy tươi vào nơi làm việc; bố trí công nhân làm việc giãn ca, giãn cách. Ðồng thời, tích cực tìm giải pháp để mở rộng thị trường, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh để đạt mục tiêu đề ra…

Tóm lại, có thể năm nay chúng tôi không duy trì được tăng trưởng doanh thu 4-6 triệu USD như năm ngoài do tình hình dịch bệnh nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, Dony vẫn sẽ cố gắng để đảm bảo cuộc sống cho người lao động đã và đang gắn bó với công ty trong suốt giai đoạn khó khăn vừa qua.

Xin cảm ơn Quang Anh và chúc Dony ngày càng thành công!

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem