![]() |
Các doanh nghiệp Việt Nam mới chiếm được khoảng 20% thị phần. Ảnh: IT. |
Miếng bánh lớn nhưng trong tay doanh nghiệp nước ngoài
Trao đổi tại tọa đàm “Thúc đẩy điện toán đám mây Make in Vietnam” chiều 24/11, ông Võ Đăng Thiên, Phó Tổng biên tập báo VietNamNet cho biết, theo ước tính, thị trường điện toán đám mây trong nước hiện nay đạt khoảng 133 triệu USD, tương đương 3.200 tỷ đồng. Việt Nam có khoảng 27 trung tâm dữ liệu do 11 doanh nghiệp trong nước đầu tư với trên 270.000 máy chủ được kết nối đến cả nước.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam mới chiếm được khoảng 20% thị phần, 80% vẫn là dùng đám mây đặt tại nước ngoài. Thực tế này đòi hỏi các doanh nghiệp điện toán đám mây tại Việt Nam phải liên minh lại với nhau để không bị thua trên “sân nhà”.
Ở góc độ của Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), Phó Cục trưởng Nguyễn Khắc Lịch cho biết, hạ tầng nền tảng điện toán đám mây Việt Nam đang được Bộ TT&TT định hướng phát triển.
Theo ông Lịch, Bộ TT&TT đã xác định, nền tảng điện toán đám mây là hạ tầng viễn thông thế hệ mới trong vòng 5 - 10 năm tới. Đồng thời, xác định nền tảng điện toán đám mây là hạ tầng số cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
“Đây là một trong những định hướng chủ lực của quốc gia cần tập trung phát triển trong thời gian tới”, ông Lịch nhấn mạnh.
Theo dự báo, đến năm 2025 thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam sẽ đạt 500 triệu USD và tốc độ tăng trưởng khoảng 30 - 40%. Đặc biệt, trong năm 2020 này, dịch Covid-19 đã tạo “cú hích” thúc đẩy phát triển thị trường điện toán đám mây, nhờ đó tốc độ tăng trưởng của thị trường đạt tới 40%.
Như vậy, về mặt thị trường thì điện toán đám mây là một "miếng bánh" tương đối lớn cho các doanh nghiệp. Còn ở góc độ quốc gia, với tầm quan trọng của hạ tầng viễn thông thế hệ mới, hạ tầng số, đồng thời thực hiện chủ trương Make in Vietnam, các doanh nghiệp trong nước phải phát triển, làm chủ nền tảng hạ tầng này.
Ông Nguyễn Khắc Lịch bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực, tích cực hơn nữa để cùng Bộ TT&TT thúc đẩy phát triển những nền tảng điện toán đám mây Make in Vietnam.
![]() |
Ông Võ Đăng Thiên, Phó Tổng biên tập báo VietNamNet |
Doanh nghiệp Việt “lép vế” vì sao?
Trả lời câu hỏi "Thị trường là miếng bánh lớn nhưng vì sao doanh nghiệp Việt Nam chiếm miếng bánh nhỏ", ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Viettel IDC cho hay, nhu cầu điện toán đám mây phải xét đối tượng khách hàng, như doanh nghiệp vừa và nhỏ, startup cần công nghệ đáp ứng hầu như đầy đủ những thứ họ cần, một hệ sinh thái.
Dịch vụ cung cấp dịch vụ đám mây ở Việt Nam chưa đủ năng lực xây dựng hạ tầng tốt như Amazon. Vì phát triển nhanh, cần nhiều công cụ và môi trường để phát triển phần mềm, nhiều doanh nghiệp thuê ngay dịch vụ đám mây của nước ngoài. Họ chưa phát triển mạnh nên rào cản như đường truyền, chi phí, hỗ trợ kỹ thuật không phải vấn đề lớn nên chấp nhận giai đoạn đầu dùng dịch vụ đám mây nước ngoài.
Bên cạnh đó, với doanh nghiệp lớn, khi khởi nghiệp hệ thống quản lý, toàn bộ phần mềm mua của nước ngoài. Sau vài năm, họ chuyển dịch dần do bên nước ngoài, khách hàng vào chậm, sự cố lệch giờ và chi phí vận hành của nước ngoài cao nên phải tối ưu cả về trải nghiệm khách hàng và chi phí mới chuyển dần về Việt Nam.
Thực tế không doanh nghiệp nào dùng một đám mây mà dùng nhiều hoặc lai ghép vì các hệ ứng dụng của họ phát triển qua nhiều giai đoạn khác nhau. Không thể thuyết phục họ nên chuyển lên hết một nền tảng. Đây là một rào cản.
“Với hạ tầng đám mây của công ty trong nước, khách hàng dè dặt vì ngoài lợi ích giảm chi phí, tốc độ tăng lên thì vấn đề an toàn như thế nào, hỗ trợ ra sao, trách nhiệm đến đâu; khi gặp sự cố lớn có khả năng khôi phục dữ liệu hoặc giảm tỉ lệ gián đoạn dịch vụ hay không…”, ông Lê Hoài Nam nói.
Ông Hoàng Anh, Giám đốc Kinh doanh CMC Cloud cũng chung nhận định, hạ tầng số như đám mây ở Việt Nam thua nhà cung cấp nước ngoài, chủ yếu là câu chuyện hệ sinh thái. Bản chất của doanh nghiệp khi muốn đưa toàn bộ dịch vụ lên đám mây thì họ mong muốn có đủ thành phần, tính năng cần thiết để vận hành hệ thống. Việt Nam mạnh nhất phần hạ tầng còn tính năng hạn chế, CMC đang cố gắng khắc phục, đẩy mạnh để tạo ra hệ sinh thái đáp ứng hầu như toàn bộ nhu cầu của doanh nghiệp khi đưa hệ thống CNTT của họ lên.
Trước câu hỏi "Doanh nghiệp Việt có thể làm chủ, dẫn dắt thị trường Việt Nam được không, về mặt chính sách cần những điều gì?", ông Lê Hoài Nam cho rằng Bộ TT&TT và các đơn vị chuyên ngành đã nhìn ra vấn đề ngay từ đầu cần hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hỗ trợ định hướng người dùng.
Bằng mọi cách phải làm được, ví dụ, trước đây không ai nghĩ mình có thể chế tạo được thiết bị 5G ngang tầm quốc tế. Viettel tin rằng, các doanh nghiệp khác cũng sẽ vượt lên chính mình và đi theo luồng động lực hứng khởi ấy.
Gửi bình luận