![]() |
Nhiều doanh nghiệp phải xoay sở để tồn tại trong khủng hoảng dịch Covid-19. Ảnh: T.L |
Doanh nghiệp lao đao vì Covid-19
Vừa mới trở lại sản xuất ổn định được một thời gian ngắn trong tháng 5 và tháng 6, phần lớn doanh nghiệp chưa khắc phục hết khó khăn gặp phải trong thời gian trước đó, nay lại tiếp tục điêu đứng với sự trở lại của dịch Covid-19 với tác động mạnh và nhanh hơn hơn.
Theo số liệu thống kê trong 7 tháng năm 2020, có 63.461 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 10,9% so với cùng kỳ 2019. Trung bình mỗi tháng có 9.065 doanh nghiệp đóng cửa, tương đương mức bình quân hơn 300 doanh nghiệp đóng cửa mỗi ngày.
Có 32.722 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 41,5% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng cao nhất về số lượng đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong các kỳ 7 tháng giai đoạn 2015 - 2020, thể hiện sự ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19 đến việc tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp.
Một trong những ngành lao đao trong đại dịch Covid-19 là ngành dệt may. Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết hiện tại các doanh nghiệp dệt may đang gặp rất nhiều khó khăn.
“Dịch Covid-19 tác động đến ngành dệt may Việt Nam trên nhiều phương diện. Nếu ngay từ tháng đầu tiên của năm, doanh nghiệp thiếu hụt nguyên liệu cho sản xuất thì từ giữa tháng 3 đến nay, doanh nghiệp lại rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng do đối tác tại thị trường Mỹ và châu Âu hoãn, hủy đơn hàng. Thậm chí nhiều đơn hàng đã sản xuất xong, chuyển tới cảng biển lại buộc phải quay về kho do không giao được hàng, doanh nghiệp không gánh được chi phí lưu kho bãi”, ông Cẩm nói.
Cũng theo ông Cẩm, những tháng đầu quý 1/2020, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may chỉ đạt 10,64 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ 2019; trong đó xuất khẩu hàng may mặc chỉ đạt 8,2 tỷ USD, giảm 5,98%. Xuất khẩu xơ sợi giảm 11,54%; xuất khẩu vải không dệt giảm 22%; xuất khẩu nguyên phụ liệu giảm 6%. Kim ngạch nhập khẩu cũng chỉ đạt 6,39 tỷ USD, giảm 8,76% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỗi tháng trôi qua, tăng trưởng của ngành lại càng âm, và con số này chưa biết đến bao giờ mới dừng lại…
Cùng chung cảnh ngộ, ngành hàng da giày cũng đang trong tình trạng cạn kiệt đơn hàng vì Covid-19. Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký của Hiệp hội Da - Giày -Túi xách Việt Nam (Lefaso), tổng cầu ngành da giày đã bị tác động từ lúc mới bùng phát Covid-19.
Các doanh nghiệp lớn bị giảm tới 50% đơn hàng, hàng loạt doanh nghiệp nhỏ buộc phải đóng cửa. Tình hình này kéo theo hệ lụy là doanh nghiệp phải cắt giảm đến 30% nhân công, thậm chí có doanh nghiệp giảm đến 70% nhân công.
Bà Xuân cho hay, các doanh nghiệp chỉ có thể chịu được đến hết tháng 10/2020, nếu dịch bệnh còn kéo dài đến năm sau sẽ là vấn đề lớn đối với doanh nghiệp ngành da giày.
Xoay xở để tồn tại
Tại Diễn đàn “Tái cấu trúc mô hình cạnh tranh và kinh doanh trước thách thức khủng hoảng Covid-19” vừa tổ chức mới đây tại Hà Nội, các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp đều cho rằng, tái cấu trúc mô hình cạnh tranh và kinh doanh luôn là vấn đề quan trọng, là bài toán cốt tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
![]() |
Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng Covid-19. Ảnh: T.L |
Đặc biệt, trải qua cơn khủng hoảng của đại dịch Covid-19, vấn đề định vị lại, điều chỉnh chiến lược, giải pháp sản xuất kinh doanh và mô hình cạnh tranh đang đặt ra nhiều yêu cầu cấp bách vừa trước mắt, vừa lâu dài cả ở tầm quốc gia và cả ở tầm doanh nghiệp.
Giải pháp mà các doanh nghiệp đưa ra để giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng Covid-19 là phát triển các kênh phân phối, mở rộng thị trường sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, quản trị rủi ro, nắm bắt cơ hội thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm, duy trì lợi nhuận bền vững; tăng cường khả năng liên kết giữa các doanh nghiệp.
Ông Trịnh Văn Bình, Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi bò và chế biến sữa Đồng Nai (Domilk) cho biết, doanh nghiệp của ông có 9 sản phẩm bánh kẹo, được sản xuất để phục vụ thị trường nội địa. Trong đó một phần lớn phục vụ nhu cầu thưởng thức đặc sản của du khách tại các khu du lịch. Tuy nhiên, sau khi dịch tái bùng phát, thị trường du lịch đóng băng khiến lượng hàng của công ty bán ra sụt giảm tới hơn 50%.
Theo ông Bình, khi doanh số bán hàng cho khách du lịch sụt giảm, doanh nghiệp tìm cách liên kết, phối hợp với những doanh nghiệp lớn ngành bánh kẹo để hợp tác, sản xuất gia công sản phẩm cho họ. Doanh nghiệp cố gắng giữ ổn định chất lượng sản phẩm để có được đơn hàng sản xuất, giữ việc làm cho người lao động cầm cự, chờ tình hình ổn định trở lại.
Đối với ngành dệt may, hầu hết các doanh nghiệp đều chuyển hướng kịp thời qua sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ phòng, chống dịch để xuất khẩu nên tình hình sản xuất vẫn ổn định. Đây cũng là giải pháp tình thế để doanh nghiệp không phải ngưng hoạt động trong mùa dịch.
Nêu giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết, trong bối cảnh hiện nay, xu hướng chuyển dịch của ngành nghề quay trở lại giá trị cơ bản, tạo nên tính đột phá, trở về với nền nông nghiệp, kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.
Công nghệ sẽ tác động tới lao động trong nhiều ngành, lĩnh vực, trong đó có dệt may, giày da, do đó, cần phải có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ về thể chế, nguồn nhân lực…, đặc biệt là đẩy mạnh ngành công nghiệp phụ trợ, tiếp nhận nền công nghiệp chuyển dịch sang Việt Nam.
Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, đây là lúc doanh nghiệp cần định hình lại phương thức sản xuất kinh doanh, chú trọng thông tin, dịch vụ gắn với xử lý dữ liệu và kết nối để thông minh hóa nhà quản trị, quy trình sản xuất và tối ưu hóa chuỗi giá trị, chuyển đổi số từng bước.
Doanh nghiệp cũng cần lưu ý lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, những ngành nghề có lợi thế so sánh truyền thống, lĩnh vực phục vụ, hỗ trợ mạng sản xuất, chuỗi giá trị, kết cấu hạ tầng và bất động sản, những ngành/lĩnh vực mới nổi.
“Để quản trị sự bất định và rủi ro, doanh nghiệp cần học hỏi, chuẩn bị, sử dụng các công cụ phòng chống rủi ro biến động giá, tăng nhận thức pháp lý, thu nhập, phân tích thông tin, dành nguồn lực tốt nhất có thể. Bên cạnh đó, tái cấu trúc chuỗi cung ứng và đầu tư; tận dụng cơ hội từ chuyển dịch dòng vốn đầu tư; áp dụng công nghệ, thay đổi cách thức làm việc, định hình lại cách thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp…”, ông Thành nói.
Gửi bình luận