“Làn sóng dịch Covid-19 lần 3” hay "giãn cách xã hội" là cụm từ được nhiều doanh nghiệp e ngại nhắc đến trong những ngày gần đây.
Theo ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Gia Định, do việc lây lan trong cộng đồng mới chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nên chưa đánh giá được tác động tiêu cực mà Covid-19 mang lại. Tuy vậy, nếu như tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp như 2 đợt đầu tiên, giãn cách xã hội được áp dụng chắc chắn là đòn giáng mạnh mẽ đối với công ty ông cũng như với các doanh nghiệp khác trong ngành da giày.
“Hiện tại, công ty chúng tôi vẫn đang theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh cũng như chỉ đạo của Chính phủ trong thời gian tới để có những kế hoạch ứng phó thích hợp. Tuy vậy nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp dẫn đến giãn cách xã hội chắc chắc công ty Gia Định sẽ còn chịu nhiều tác động tiêu cực hơn so với đầu năm”, ông Trung nói.
![]() |
Công ty Gia Định lo ngại đợt sóng Covid-19 sắp tới sẽ giáng đòn mạnh vào quỹ đạo phục hồi của công ty. Ảnh: Trần Hùng |
Tương tự, đối với các doanh nghiệp trong ngành hàng dệt may cũng đang hết sức lo lắng trước diễn biến của dịch Covid-19. “Đợt dịch Covid-19 trước được kiểm soát đến nay tình hình kinh doanh của chúng tôi đã phục hồi khoảng 60% so với năm 2019. Các đơn hàng từ đối tác nước ngoài cũng đã bắt đầu được nối lại và khả năng cao là phục hồi hoàn toàn vào cuối năm nay. Tuy nhiên, trước diễn biến mới của dịch Covid-19 trong nước chúng tôi chưa biết tác động của nó sẽ lớn đến thế nào. Và việc giãn cách xã hội nếu xảy ra một lần nữa chắc chắn sẽ khiến quỹ đạo phục hồi của công ty chúng tôi chững lại”, ông Phạm Văn Việt, chủ tịch HĐQT công ty TNHH Việt Thắng Jean nói.
Tương tự, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM cũng lo lắng trước diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra.
Theo ông Hồng, mục tiêu xuất khẩu 42 tỷ USD của ngành dệt may trong năm 2020 đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi 2 làn sóng Covid-19 đã qua. Tính đến hết tháng 10, kim ngạch xuất khẩu của ngành này mới chỉ đạt 59% mục tiêu đề ra.
“Những tháng gần đây đang có dấu hiệu phục hồi rất tốt. Dù không đạt được mục tiêu là 42 tỷ USD khi kết thúc năm 2020 nhưng cũng không sụt giảm quá nhiều. Tuy vậy, nếu làn sóng dịch lần thứ 3 thực sự diễn ra, tôi chưa dám chắc rằng hậu quả của nó sẽ như thế nào”, ông Hồng nói.
![]() |
Cũng như 2 làn sóng dịch Covid-19 trước, ngành dệt may sẽ điêu đứng nếu làn sóng dịch lần 3 ập đến. Ảnh:Trần Hùng |
Ông Hồng còn cho biết thêm, việc chịu 2 làn sóng dịch từ đầu năm đã khiến sức chịu đựng của các doanh nghiệp trong ngành dệt may yếu đi khá nhiều. Nhiều doanh nghiệp đã phải tuyên bố phá sản, hàng loạt nhà xưởng ngừng hoạt động, con số công nhân mất việc ngày càng nhiều thêm. Và chắc chăn rằng làn sóng dịch sắp tới cành khiến những số liệu không tốt này tăng lên vào cuối năm.
Theo các chuyên gia kinh tế, làn sóng dịch Covid-19 lần 3 nếu thực sự diễn ra sẽ khiến các ngành hành phi thực phẩm điêu đứng. Riêng với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành thực phẩm sẽ tránh được tác động tiêu cực từ dịch bệnh.
“Cũng giống như 2 đợt dịch lần trước, các mặt hàng nhu yếu phẩm sẽ tiếp tục được bán ra với số lượng lớn hơn. Trong khi đó, với các ngành hàng phi thực phẩm như dệt may, da giày, gỗ nội thất hay du lịch sẽ tiếp tục chịu những tác động nặng nề. Do đó, ngay từ thời điểm này các doanh nghiệp nên có những kế hoạch để chuẩn bị ứng phó cho mọi tình huống có thể diễn ra”, một chuyên gia kinh tế cho biết.
Gửi bình luận