![]() |
Việc người dùng giao dịch online, thanh toán không dùng tiền mặt sẽ thúc đẩy sự phát triển của các công ty Fintech. Ảnh: IT. |
Trao đổi về câu chuyện phát triển kinh tế số tại hội thảo “Doanh nghiệp Việt Nam trước ngưỡng cửa chuyển đổi số” vừa tổ chức tại Hà Nội, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng giám đốc phụ trách Bộ phận Dịch vụ tài chính ngân hàng Ernst & Young Việt Nam, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Fintech Việt Nam cho rằng trong nền kinh tế số, khi ngành tài chính và công nghệ thông tin kết hợp với nhau sẽ tạo ra sức mạnh lớn ngoài mức tưởng tượng.
Amazon, Google, Uber, Alipay, Grab… đều xuất phát từ những công ty công nghệ nhưng không ai có thể tưởng tượng được họ đã phát triển nhanh chóng như vậy trong thời gian qua. Như Amazon, giá trị vốn hóa của doanh nghiệp này hiện đã lên đến hàng nghìn tỷ USD, lớn hơn rất nhiều qui mô của bất cứ doanh nghiệp lớn của quốc gia nào.
Trong sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, Việt Nam hiện không nằm ngoài xu hướng với biểu hiện rõ rệt nằm ở sự phát triển của Fintech (công nghệ tài chính).
Theo đánh giá của giới công nghệ, với tỉ lệ dân số trẻ cao, sự phát triển mạnh mẽ của internet và smartphone, Việt Nam đang có nhiều lợi thế để trở thành thị trường tiềm năng cho các công ty Fintech.
Theo Ernst &Young Việt Nam, năm 2017, tổng đầu tư vào Fintech của Việt Nam chỉ khoảng 127,7 triệu USD. Dự đoán, đến năm 2020 con số có thể lên đến 8,8 tỷ USD do nguồn vốn nước ngoài đang chảy vào Việt Nam ngày càng mạnh, các nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy sự màu mỡ của thị trường.
Tại Việt Nam hiện có hàng trăm công ty Fintech, trong đó phần nhiều tập trung làm về dịch vụ thanh toán điện tử như MoMo, Moca, Payoo, VinaPay...
Khảo sát của Ernst & Young gần đây cho thấy, 47% công ty Fintech đều trong lĩnh vực thanh toán (do nhu cầu đối với tiêu dùng, tiết kiệm lớn).
![]() |
Bà Nguyễn Thùy Dương, Ernst & Young Việt Nam, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Fintech Việt Nam cho rằng trong nền kinh tế số, khi ngành tài chính và công nghệ thông tin kết hợp với nhau sẽ tạo ra sức mạnh lớn ngoài mức tưởng tượng. Ảnh: TL. |
Trong bối cảnh Fintech phát triển mạnh mẽ, thực tế cũng đã kéo theo sự chuyển mình của các ngân hàng để cạnh tranh. Các ngân hàng hiện đang có sự thay đổi rõ rệt để cung cấp cho khách hàng trải nghiệm tốt hơn. Nếu như ứng dụng của các ngân hàng trước đây chủ yếu chỉ là chuyển tiền thì nay đã có thể thanh toán tiền điện thoại, mua vé máy bay, xem phim…
Theo bà Nguyễn Thùy Dương, các công ty Fintech Việt Nam mới đang ở giai đoạn phát triển sơ khởi, do đó cần đến rất nhiều sự hỗ trợ của chính phủ, các cơ quan liên quan để giúp họ có được nguồn vốn, hành lang pháp lý để phát triển.
Mọi công ty Fintech tại Việt Nam cũng như các quốc gia khác, hầu hết là những doanh nghiệp khởi nghiệp bởi giới trẻ, họ có suy nghĩ dám làm, dám thay đổi. Vì thế yếu tố cơ sở pháp lý hỗ trợ cho các công ty Fintech hoạt động, phát triển vô cùng quan trọng.
Thực tế, thời gian qua giới Fintech cũng đã nhiều lần lên tiếng về việc thể chế quản lý hoạt động Fintech chưa được đề cập rõ ràng trong các văn bản pháp lý.
“Chúng ta nói đến rất nhiều sự sáng tạo nhưng ranh giới giữa chuyện thỏa sức sáng tạo, đóng góp nhiều hơn cho xã hội trong hôm nay và việc ngày mai có bị vi phạm pháp luật hay không là rất mong manh. Vì thế việc xây dựng hành lang pháp lý thử nghiệm cho các công ty Fintech Việt Nam hoạt động là rất cần thiết”, bà Nguyễn Thùy Dương nói.
Lấy ví dụ với câu chuyện của Alipay tại Trung Quốc, việc có thể trở thành đế chế thanh toán điện tử như ngày hôm nay là do Alipay nhận được sự bảo hộ rất lớn của chính phủ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, vị Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Fintech Việt Nam cũng cho rằng sự sống còn của các công ty Fintech hiện nay còn phụ thuộc lớn vào sự tương tác, sử dụng của khách hàng. Việt Nam cần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao nhận thức cho người dân, cần giáo dục ý thức về tài chính với học sinh, sinh viên, doanh nghiệp.
Ngoài ra, người dùng cần thay đổi thói quen không bảo mật thông tin, vô tư chia sẻ thông tin cá nhân, thậm chí cả thông tin tài chính lên mạng xã hội sẽ dễ rước họa.
“Ở nhiều nước như Singapore, Maylaysia, họ phát triển tốt hơn chúng ta hiện nay là do yếu tố quan trọng quyết định là nền tảng dân trí”, bà Dương nói.
Gửi bình luận