![]() |
Doanh nghiệp Việt hiện có thể cạnh tranh "sòng phẳng" với doanh nghiệp nước ngoài trong cung cấp giải pháp cho chính phủ điện tử. Ảnh: N.T. |
Theo thông tin được đưa ra tại Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2020 ngày 17/9, tính đến hết tháng 8/2020, Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 1.039 dịch vụ công trực tuyến/6.842 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thuận tiện hơn trong giao dịch trực tuyến.
Cổng dịch vụ công cũng đã đạt trên 60 triệu lượt truy cập, trên 235.000 tài khoản đăng ký, hơn 15 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 295.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến trên cổng.
Từ tháng 3/2020 đến nay, hệ thống thanh toán trực tuyến trên cổng dịch vụ công đã được triển khai, thực hiện trên 9.000 giao dịch.
Ông Phạm Anh Đức, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Giải pháp Viettel nhận định: Trong 2-3 năm gần đây, quá trình chuyển đổi số diễn ra từ Chính phủ, Bộ Ban Ngành và các địa phương diễn ra khá nhanh.
Trong đó, nổi bật là việc các bộ ngành, địa phương phát triển mạnh dịch vụ công trực tuyến, để người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận dễ dàng. Hoặc, các hệ thống văn bản theo điều hành của Văn phòng Chính phủ, các địa phương hiện nay hầu hết đã chạy trên hệ thống văn bản điều hành phục vụ các công việc hàng ngày.
Ngoài ra, một số đô thị thông minh như tại Thừa Thiên - Huế cũng đã triển khai và phục vụ tốt cho cuộc sống của người dân và công tác điều hành của chính quyền. Dần dần, những công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo đã được áp dụng vào công tác khám chữa bệnh…
Đáng chú ý, hiện rất nhiều giải pháp công nghệ cho chính phủ điện tử đều do chính doanh nghiệp Việt Nam như Viettel, MobiFone, VNPT… phát triển.
“Là một doanh nghiệp về viễn thông và là thế mạnh nên vấn đề kết nối chúng tôi luôn luôn đẩy để hướng đi trước, đón đầu những nhu cầu về truyền dẫn dữ liệu, triển khai các giải pháp về kết nối”, ông Phạm Đức Anh chia sẻ.
Viettel cũng tham gia xây dựng các nền tảng ứng dụng phần mềm, các giải pháp phục vụ cho người dân, ví dụ như Smart City, cơ sở dữ liệu phục vụ Bộ Tài nguyên và Môi trường, các ứng dụng phục vụ trực tiếp cho đời sống của người dân ví dụ như Telehealth, hay ViettelStudy để phục vụ học sinh học trực tuyến trong giai đoạn Covid-19…
Còn theo đại diện Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT), tính đến hết năm 2019, VNPT đã có 3.000 kỹ sư về CNTT trong đó có hơn 200 nhân sự làm các công nghệ nền tảng mang yếu tố cốt lõi, bao gồm các nhà nghiên cứu, các kỹ sư AI/BigData, BlockChain và công nghệ Cloud, IoT, Cyber Security.
Trong hai năm vừa qua, VNPT cũng đã đầu tư các Platform hoàn chỉnh đáp ứng các như cầu chuyển đổi số như IoT, BigData/AI và Cloud
Trong thời gian vừa qua, VNPT đã tập trung vào xây dựng nhiều bài toán về công nghệ 4.0, cụ thể như trí tuệ nhân tạo AI trong triển khai mô hình đô thị thông minh, bài toán AI về thị giác, công nghệ nhận dạng quang (AI/OCR), xử lý ngôn ngữ tự nhiên NLP, dữ liệu lớn BigData…
Cùng đó, các giải pháp công nghệ của MobiFone như giải pháp định danh khách hàng điện tử eKYC, giao thông thông minh MobiFone AI Traffic, dịch vụ xác thực và ký số cho thiết bị di động (MobiCA), giải pháp truyền thông thông minh thế hệ mới... cũng đang được đánh giá cao.
“Trong cuộc cách mạng 4.0, các doanh nghiệp trên nền tảng viễn thông có nhiều cơ hội trong đó, MobiFone xác định sẽ đóng vai trò làm hạ tầng phục vụ cho nhiều doanh nghiệp làm ứng dụng cho thành phố thông minh, tạo ra hệ sinh thái cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển”, đại diện MobiFone cho hay.
Gửi bình luận