DN bất ngờ tăng giá thức ăn chăn nuôi do... Trung Quốc "đóng biên"?

Hải Đăng Thứ sáu, ngày 21/02/2020 13:40 PM (GMT+7)
Mới đây, ngày 19/2, Công ty TNHH Dinh dưỡng vật nuôi Việt Nam đã phát đi thông báo điều chỉnh tăng giá các sản phẩm thức ăn chăn nuôi cho gà, vịt, lợn với mức tăng từ 200 - 350 đồng/kg. Chia sẻ về thông tin này, nhiều bà con chăn nuôi không khỏi bất ngờ, bởi giá gia cầm đang ở mức rất thấp, việc tăng giá thức ăn chăn nuôi sẽ làm bà con càng thêm thua lỗ.
Bình luận 0

img

 Người chăn nuôi gia cầm đang chịu thua lỗ vì giá bán các loại gà vịt đang quá thấp.

Tăng giá vì... khó nhập nguyên liệu

Cụ thể, Công ty Dinh dưỡng vật nuôi Việt Nam thông báo sẽ điều chỉnh tăng giá với các mã sản phẩm như loại đậm đặc và cám cá tăng 200 đồng/kg; thức ăn hỗn hợp lợn thịt tăng 250 đồng/kg; thức ăn hỗn hợp gia cầm (vịt, gà) và hỗn hợp nái chửa, đẻ có mức tăng cao nhất là 350 đồng/kg. Mức tăng này sẽ được đơn vị trên áp dụng từ 24/2 tới.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Mai Thanh Diệu - Giám đốc Công ty Dinh dưỡng vật nuôi Việt Nam (Nam Định) cho hay: Hiện tại công ty của chúng tôi đang phải chịu giá nguyên liệu đầu vào cao như ngô, khô đậu tương, bã ngô... Theo đó giá nhập khẩu về qua các nhà phân phối đều tăng khoảng từ 500 đồng đến 1.000 đồng/kg.

Điều đáng nói hơn là các nguyên vật liệu khác như vi lượng trước đây thường nhập về từ Trung Quốc nhưng hiện đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch virus corona, đường biên bị đóng tạm thời. Điều này khiến các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi bắt buộc phải nhập sản phẩm qua các đầu mối khác với giá thành cao gấp đôi và cũng khó mua được hàng.

Theo ông Diệu, không chỉ các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam gặp khó mà các doanh nghiệp sản xuất thức ăn trên thế giới đều đang đau đầu về vấn đề này. Bởi hiện nay, trên 80% nhà máy sản xuất vi lượng phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi đang nằm tại quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc.

"Do nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi không phải là mặt hàng được ưu tiên thiết yếu mà Trung Quốc "mở cửa" giao thương vào lúc này nên khiến các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi gặp khó khăn hơn trong việc nhập nguyên liệu", ông Diệu nói.

Khi chúng tôi hỏi về thông tin số lượng nhập nguyên liệu nhập khẩu và thức ăn chăn nuôi sản xuất, bán ra hàng ngày của đơn vị mình, ông Diệu đã từ chối, hẹn cung cấp sau.

img

Công ty TNHH Dinh dưỡng vật nuôi Việt Nam mới phát đi thông báo điều chỉnh tăng giá sản phẩm thức ăn chăn nuôi khiến bà con rất lo lắng.

Theo thông tin mà chúng tôi nắm được, một số doanh nghiệp sản xuất thức ăn phục vụ cho các trang trại, gia trại nuôi vịt, gà đẻ cũng đã có thông báo sẽ điều chỉnh tăng giá sản phẩm.

Ông Lê Văn Trẻo - Chủ tịch Hội sản xuất và tiêu thụ trứng vịt Liên Châu, huyện Thanh Oai (Hà Nội) cho biết, ngoài việc chăn nuôi và kinh doanh trứng vịt, hiện gia đình ông còn là đại lý phân phối thức ăn chăn nuôi cho một công ty có trụ sở tại tỉnh Bình Dương, với sản lượng tiêu thụ khoảng trên dưới 40 tấn/ngày.

"Phía công ty cho rằng, do giá nguyên liệu đầu vào để sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng nên họ phải tăng giá thành sản phẩm. Theo đó, đến ngày 25/2, giá thức ăn cho vịt đẻ sẽ tăng khoảng hơn 100 đồng/kg, theo đó giá cám sẽ tăng lên trên 8.100 đồng/kg", ông Trẻo nói.

Ông Trẻo cho biết thêm, việc tăng giá thức ăn chăn nuôi vào thời điểm giá trứng gia cầm đang ở mức thấp, chỉ khoảng 1.700 đồng/quả trứng vịt thì người nuôi cầm chắc thua lỗ. 

Chia sẻ thêm về thực trạng sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước, ông Trẻo cho rằng: Nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện nay đa phần đều phải nhập khẩu. Riêng cây ngô, thời gian trước Việt Nam trồng nhiều nhưng vài năm trở lại đây cũng giảm mạnh về diện tích vì giá ngô nội khó cạnh tranh lại với ngô nhập khẩu có giá rẻ hơn.

Điều này cũng dễ hiểu, bởi hiện nay ở Việt Nam, cây ngô từ khâu gieo trồng đến chăm sóc chủ yếu làm thủ công; thu hoạch cũng mới chỉ có số ít diện tích được đầu tư máy móc. Chi phí cao, năng suất không cao bằng nhiều nước trên thế giới nên không cạnh tranh được với ngô ngoại nhập.

"Nhiều doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi hầu như không còn mua ngô trong nước nữa vì nguồn cung ngày càng ít. Các loại nguyên liệu khác như đậu nành, bột cá… hiện chủ yếu là hàng nhập khẩu”, ông Trẻo khẳng định.

img

Giá gia cầm hôm nay 21/2 tại các địa phương vẫn ở mức thấp.

Người chăn nuôi chịu "một cổ hai tròng"

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Văn Quyết - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ khẳng định, hiện thức ăn chăn nuôi đang chiếm từ 70-80% chi phí nuôi gà công nghiệp. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam vẫn theo đà tăng đều mỗi năm. Nguyên nhân chủ yếu là do giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thị trường thế giới tăng.

"Điều này là rào cản rất lớn để giảm giá thành, tăng lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm chăn nuôi nội địa khi bước vào hội nhập. Nếu tăng được nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tại chỗ với giá rẻ hơn thì mới là căn cơ nhằm tăng lợi thế cạnh tranh cho ngành chăn nuôi trong nước”, ông Quyết nhận định. 

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp ở Đồng Nai, không ít lần doanh nghiệp rơi vào cảnh lỗ vốn vì vừa đặt mua bắp nhập khẩu với sản lượng lớn dự trữ để chế biến thức ăn chăn nuôi thì ngay sau đó, mặt hàng này giảm giá. Nhưng nếu không chủ động trữ hàng thì giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi lại tăng không ngừng. Người chăn nuôi đang “thiệt đơn thiệt kép” vì tình hình giá cả biến động thất thường này.

Cũng theo vị lãnh đạo doanh nghiệp này, việc nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chủ yếu vẫn nằm trong tay các tập đoàn lớn của nước ngoài và thị trường này đang có dấu hiệu bị thao túng. Nguyên nhân do họ mạnh về nguồn vốn nên thường dự trữ sản lượng lớn, khi giá nguyên liệu chế biến vừa tăng giá, giá thức ăn chăn nuôi lập tức sẽ tăng theo. 

Trong khi đó, nguồn nguyên liệu trong nước không cạnh tranh được với hàng nhập. Đây cũng là nguyên nhân thức ăn trong nước luôn cao hơn mặt bằng chung của thế giới, khiến giá thành sản phẩm chăn nuôi bị đội lên.

Ông Trần Văn Trọng, chủ trang trại nuôi gia cầm ở Mỏ Cày Nam (Bến Tre) cho biết: Hiện giá gà, vịt đang ở mức thấp và khó tiêu thụ, một phần do người nuôi bị phụ thuộc quá nhiều vào lái buôn. Đến giờ các công ty, sản xuất thức ăn chăn nuôi lại tăng giá thì chả khác nào nông dân chúng tôi phải chịu"một cổ hai tròng", bà con đang thua lỗ nặng nay càng cùng cực hơn.

"Trong lúc khó khăn này, chúng tôi chỉ mong các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi có chủ trương, chính sách hỗ trợ hợp lý, cần thiết để bà con vượt qua thách thức", ông Trọng kiến nghị.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2019, Việt Nam đã chi hơn 3,7 tỉ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu, giảm 5,1% so với năm 2018. Trong đó nhập khẩu nhiều nhất là ngô, lúa mì, đậu tương, dầu mỡ động thực vật.

Các thị trường nhập khẩu chính là Argentia, Hoa Kì, Trung Quốc... 

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem