Đông đảo chuyên gia và đại diện doanh nghiệp tham gia hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.
Sự kiện do Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Hiệp hội Thương Mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (Amcham) tổ chức.
Còn nhiều băn khoăn
Một thay đổi cơ bản đáng chú ý của Dự thảo Nghị định là mở rộng định nghĩa "dịch vụ phát thanh truyền hình" bao gồm cả dịch vụ cung cấp nội dung theo yêu cầu trên Internet, bao gồm các chương trình trong nước, chương trình nước ngoài, phim và các nội dung có hình ảnh hoặc âm thanh khác. Dự thảo yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này theo hình thức thu phí phải thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam và xin giấy phép tại Bộ Thông tin và Truyền thông trước khi hoạt động.
Các nội dung số như video, nhạc trực tuyến phải được biên tập, biên dịch theo quy định của Luật Báo chí, và nhà cung cấp phải đảm bảo “tỷ lệ số lượng chương trình trong nước trong tổng số chương trình cung cấp trên dịch vụ theo yêu cầu trên mạng Internet không thấp hơn 30%”.
Dự thảo cũng yêu cầu kênh chương trình nước ngoài cung cấp trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền tại Việt Nam phải không bao gồm nội dung quảng cáo được cài đặt sẵn từ nước ngoài. Các nội dung quảng cáo (nếu có) phải được cài đặt tại Việt Nam và do các cơ quan báo chí được cấp giấy phép biên tập là đầu mối thực hiện cài đặt quảng cáo, chịu trách nhiệm về thời lượng, nội dung quảng cáo bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về quảng cáo như đối với kênh truyền hình trả tiền (có nghĩa là không vượt quá 5% thời lượng nội dung).
Nhiều chuyên gia và đại diện doanh nghiệp tham gia hội thảo cho rằng, quy định tỷ lệ số lượng chương trình trong nước trong tổng số chương trình cung cấp trên dịch vụ theo yêu cầu trên mạng Internet không thấp hơn 30% (Điểm d, Khoản 3, Điều 21) là không phù hợp và nếu áp dụng sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Lê Văn Khương, đại diện Viettel TV cho rằng, không nên giới hạn quy định 30% bởi vì doanh nghiệp sẽ sản xuất nội dung theo thị trường, thị trường cần gì thì doanh nghiệp cung cấp, chứ không thể cứ 30% nội dung trong nước bởi chẳng ai trả tiền còn doanh nghiệp thì vẫn phải chịu chi phí mà để duy trì 30% nội dung trên mạng này.
Luật sư Đặng Thanh Sơn, chuyên gia về luật và chính sách từ Công ty Baker McKenzie, cho rằng, hiện không có quốc gia nào hạn chế 30% kênh này hay 30% kênh kia mà thị trường sẽ quyết định, người mua sẽ quyết định. Vì nếu nhóm kênh 70% kia mà có đông người xem, tạo ra nhiều doanh thu thì vẫn cần tiếp tục phát triển hơn và ngược lại.
Ông Vũ Tú Thành, đại diện Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN tại Việt Nam và Hiệp hội Truyền hình đa kênh Châu Á (AVIA) thì lấy ví dụ, rằng năng lực sản xuất của Việt Nam là 100 nghìn giờ video trong một năm thì dịch vụ OTT của cả nước ngoài và Việt Nam cung cấp cho thị trường Việt Nam chỉ tối đa không quá cỡ 400 nghìn giờ video/năm, trong đó 100 nghìn giờ là nội dung trong nước. Do vậy, theo ông Thành, nếu áp dụng quy định 30% nội dung trong nước sẽ giới hạn tiếp cận nội dung của người dùng.
Có thể ảnh hưởng đến “tuổi thọ” của văn bản
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, Bộ Thông tin và Truyền thông giải trình mục đích sửa đổi Nghị định này nhằm đảm bảo cạnh tranh và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào thị trường, nhưng trong Dự thảo Nghị định lại quy định thêm việc cấp phép, đi ngược lại với mục tiêu đã giải trình.
Theo bà Thảo, Bộ Thông tin và Truyền thông không bổ sung thêm điều kiện kinh doanh nhưng lại bổ sung danh mục ngành nghề, dịch vụ phát thanh truyền hình trả tiền, trong dự thảo này đã mở rộng phạm vi lĩnh vực quản lý sẽ thậm chí có tác động lớn hơn việc bổ sung điều kiện kinh doanh. Phạm vi điều chỉnh của dụ thảo mở rộng đến tất cả các nội dung có hình ảnh hoặc âm thanh, như vậy sẽ bao phủ một khối lượng rất lớn nội dung trên online, đặt ra câu hỏi về khả năng quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Đại diện CIEM cũng cho rằng, Thủ tướng đã có yêu cầu nếu thêm bất kỳ điều kiện kinh doanh đều phải báo cáo Chính phủ, trong trường hợp này việc mở rộng phạm vi ngành nghề chịu điều kiện kinh doanh còn nghiêm trọng hơn, có thể phải thuộc thẩm quyền Quốc hội.
Ông Nguyễn Văn Nhiêm, Chủ tịch Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam nhất trí với ý kiến của CIEM, đồng thời cho rằng nội dung Dự thảo Nghị định phức tạp và mở rộng quá nhiều, gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, thậm chí đề cập đến các lĩnh vực ngoài phạm vi của Bộ Thông tin và Truyền thông như lĩnh vực phim điện ảnh hay yêu cầu tỷ lệ tối thiểu 30% các chương trình trong nước...
Do vậy, ông Nhiêm cho rằng, các quy định trên có thể sẽ khiến các các doanh nghiệp không rõ Bộ Thông tin và Truyền thông hay Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ quản lý vấn đề này. Theo ông Nhiêm, tôn chỉ của Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra là giảm thủ tục hành chính nhưng trong Dự thảo Nghị định lại tạo giấy phép con, tăng điều kiện sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp. Vì vậy những điều khoản này cần phải được xem xét cân nhắc kỹ lưỡng.
Ông Vũ Tú Thành, đề nghị cơ quan quản lý cần khoanh vùng quản lý tập trung vào các dịch vụ có thu phí vì số lượng các nội dung miễn phí trên Internet rất lớn, khó bao quát hết. Đồng thời, ông cũng lưu ý tính khả thi trong một số quy định của dự thảo như việc yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp nội dung phải nộp hồ sơ xin cấp phép cho Bộ Thông tin và Truyền thông bao gồm danh mục nội dung dự kiến và thỏa thuận bản quyền đối với chủ sở hữu bản quyền.
Đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT, danh mục nội dung có thể lên đến hàng nghìn bộ phim, nên theo ông Thành, việc cung cấp danh mục và thỏa thuận bản quyền của toàn bộ các nội dung này là khó khả thi. Hay việc việc áp dụng cơ chế quản lý của dịch vụ phát thanh truyền hình để quản lý nội dung OTT sẽ không phù hợp vì có sự khác biệt về bản chất giữa hai loại hình dịch vụ.
“Nếu không sửa đổi bản dự thảo mà cứ giữ nguyên như hiện tại thì tuổi thọ của văn bản này cũng không được lâu vì chắc chắn sẽ bị va chạm với thực tế, gặp phải nhiều bất cập, và sẽ lại phải điều chỉnh”, ông Vũ Tú Thành nêu quan điểm.
Gửi bình luận