Điều đặc biệt về “hạnh phúc nhân dân” trong dự thảo Văn kiện Đại hội XIII kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh

Lương Kết (ghi) Thứ hai, ngày 05/10/2020 05:50 AM (GMT+7)
Hôm nay (5/10), tại Hà Nội, Hội nghị Trung ương 13 khóa XII sẽ khai mạc trọng thể. Tại Hôi nghị này, Ban Chấp hành Trung ương sẽ cho ý kiến vào các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Liên quan sự kiện này, PV Dân Việt có trao đổi với PGS-TS Bùi Đình Phong, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng.
Bình luận 0

Bài 1: Muốn dân hạnh phúc phải nắm vững dân tình, dân tâm, dân ý

"Nói về hạnh phúc của nhân dân, trong tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện chỉ một từ nhưng bao hàm tất cả, đó là từ "ai". Vận dụng tư tưởng của Bác để nhấn mạnh từ "ai" trong điều kiện hiện nay, đó chính là gần 100 triệu người dân ai cũng phải được hưởng hạnh phúc. Chỉ một từ mà phải hiểu thấu và làm đúng, nghiên cứu và thực hiện cả đời", PGS-TS Bùi Đình Phong nhấn mạnh.

Nhấn mạnh tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong hoàn cảnh mới

PGS-TS Bùi Đình Phong cho rằng: Tất cả những gì được đề cập trong dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII, theo nghiên cứu của tôi là chúng ta thực sự nhấn mạnh hơn tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong điều kiện mới, hoàn cảnh mới. Điều rất mừng là chúng ta đã kết hợp việc nghiên cứu, tuyên truyền về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và việc nhấn mạnh trong dự thảo Văn kiện của Đảng.

Điều đặc biệt về “hạnh phúc nhân dân” trong dự thảo Văn kiện Đại hội XIII từ kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh - Ảnh 1.

Sinh thời Hồ Chủ tịch luôn dành sự chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân (ảnh tư liệu).

Toàn bộ tư tưởng, đạo đức, phong cách, phương pháp Hồ Chí Minh (tôi thêm cả phương pháp, hiện chỉ thị 05 chưa nói tới phương pháp), nói một cách đúc kết, nằm ở tư tưởng và phương pháp. Cách mạng trước hết phải có đường lối đúng (tức tư tưởng, trong đó có đạo đức), còn đường lối sai là hỏng. Đường lối chi phối phương pháp. Trước đây cũng như hiện nay, cơ bản là đường lối đúng, nhưng chỗ này chỗ khác, việc này việc khác làm chưa đúng, dẫm chân tại chỗ, thậm chí thất bại thì không phải vì đường lối sai mà thiếu phương pháp khoa học. 

Những gì trong tư tưởng, đạo đức, phong cách và phương pháp của Bác, với thời của Bác hoạt động, lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng so với thời nay có rất nhiều điều đã khác, khác về nhiệm vụ cách mạng, mục tiêu cách mạng, khác về bối cảnh trong nước, quốc tế…nhưng có rất nhiều điều không khác.

Phương pháp ngày trước chủ yếu đánh giặc ngoại xâm để giành độc lập dân tộc Ngày nay chúng ta biết chắt lọc, vận dụng sáng tạo thì vẫn phát huy tốt các giá trị của nó. Có người nói phương pháp ngày trước là giải phóng dân tộc, còn ngày nay là xóa đói giảm nghèo, phát triển đất nước, không còn dùng được phương pháp cũ. Nói như vậy là thiếu hiểu biết, là hỏng. Tôi nêu một ví dụ, trong phương pháp đánh giặc có phương pháp đại đoàn kết toàn dân tộc, đó là phương pháp rất quan trọng, tập hợp tất cả lực lượng để cùng thực hiện mục tiêu, ngày nay phương pháp này cần không, phải nói là rất cần. Tất nhiên lực lượng cụ thể, thành phần cụ thể, giai cấp cụ thể là khác trước, nhưng tinh thần cơ bản là đại đoàn kết toàn dân tộc.

Một ví dụ khác, trong đấu tranh giải phóng dân tộc có phương pháp "dĩ bất biến ứng vạn biến", nghĩa là luôn luôn nắm lấy điều không thay đổi để ứng phó với mọi sự thay đổi. Ngày nay có cần không?. Phải nói là đặc biệt cần. Vậy nắm lấy cái không thay đổi của ngày nay là gì, đó là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; là đất nước phồn vinh, hùng cường, hạnh phúc để ứng phó với mọi sự thay đổi của tình hình đất nước và quốc tế.

Điều không thay đổi từ trước đây cho đến ngày nay, nói ngắn gọn như Bác đã chỉ rõ, đó là Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Điều Bác thực hiện lớn nhất sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công đó là thiết lập một chính thể Dân chủ Cộng hòa với mục tiêu là Độc lập – Tự do - Hạnh phúc.

Muốn dân hạnh phúc, chúng ta phải nắm vững dân tình, dân tâm, dân ý, nghĩa là người lãnh đạo, người cán bộ cách mạng phải hiểu tình hình nhân dân, hiểu tâm lý nhân dân, nắm vững ý nguyện của nhân dân, khát vọng của nhân dân.

Ngày nay chúng ta nói tới "Khát vọng Việt Nam". Đây là câu chuyện rất lớn, rất có ý nghĩa, sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong di sản của Hồ Chí Minh. Từ chỗ nắm vững dân tình, dân tâm, dân ý, để đi tới đem lại hạnh phúc cho người dân, thì phải giải quyết vấn đề dân quyền, dân sinh, dân trí, dân chủ. Muốn làm được điều đó phải thực hành dân vận. Điều này Bác không chỉ nói mà quan trọng hơn Người dành cả cuộc đời để thực hiện.

Điều đặc biệt về “hạnh phúc nhân dân” trong dự thảo Văn kiện Đại hội XIII từ kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh - Ảnh 3.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi người dân trong chuyến công tác (ảnh TTXVN).

Quyền con người, quyền công dân được chăm lo, đảm bảo, được phát triển

Một trong những điểm đặc biệt nhất của chế độ mới, trước đây Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam so với chế độ cũ, đó là quyền con người, quyền công dân được chăm lo, được bảo đảm, được phát triển.

Điều gì tạo ra sự khác biệt giữa cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam so với thời kỳ trước đây?. Thời nước ta dưới chế độ phong kiến có đánh được giặc ngoại xâm giành độc lập không, câu trả là có. Nhưng giành độc lập rồi dân chẳng được hưởng một chút nào về quyền con người, quyền dân chủ, không được nâng cao dân trí. Còn cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng khi chống giặc ngoại xâm xong đã cố gắng từng bước đem lại quyền con người, quyền công dân, nâng cao dân trí, đảm bảo dân sinh.

Sinh thời Hồ Chủ tịch từng nói, nước độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì.

Điều đặc biệt về “hạnh phúc nhân dân” trong dự thảo Văn kiện Đại hội XIII từ kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh - Ảnh 4.

PGS -TS Bùi Đình Phong, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).

Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh khi nghiên cứu về Hồ Chủ tịch, đó không chỉ dừng lại ở mệnh đề, tư tưởng, câu chữ. Người luôn luôn kết hợp chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, lý luận hóa thực tiễn, thực tiễn hóa lý luận, nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều. Mục đích của Bác là phải mang lại độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945), chỉ một ngày sau Bác đã họp Chính phủ để bàn giải pháp kiến thiết đất nước, mang lại hạnh phúc cho nhân dân với 6 nhiệm vụ cấp bách như chống giặc đói, chống giặc dốt, chống giặc ngoại xâm…đặc biệt là mang lại dân chủ. Bác nói: Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội. Đây là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên trong lịch sử dân tộc.

Sinh thời Bác từng nói, cán bộ phải quan tâm đến nhân dân, nếu dân đói Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân dốt Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân ốm Đảng và Chính phủ có lỗi. Đó chính là tư tưởng về chăm lo hạnh phúc cho nhân dân.

Bàn về hạnh phúc của nhân dân, trong di sản của Người có một từ "ai". Khi trả lời các nhà báo Bác nói: Tôi bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, đó là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh để nhấn mạnh từ "ai" trong điều kiện hiện nay, "ai" đó chính là gần 100 triệu người dân. Chỉ một từ "ai" mà nghiên cứu cả cuộc đời, làm cả cuộc đời. Đối với mỗi cán bộ, đảng viên nghĩ cho kỹ từ "ai", làm cho tốt từ đó trên cương vị công tác của mình thì sẽ góp phần đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân được hạnh phúc, dân sẽ càng thêm tin yêu Đảng, theo Đảng và không có một thế lực nào có thể lay chuyển được.

Bài cuối: Mục tiêu "hạnh phúc nhân dân" theo tư tưởng Hồ Chí Minh có điểm gì khác các nước?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem