Điểm thi đua đang “hành” giáo viên, quan trọng thế nào mà không ai dám kêu?

Tào Nga Thứ ba, ngày 01/03/2022 12:00 PM (GMT+7)
Không riêng vụ việc giáo viên mắc Covid-19 bị trừ điểm thi đua, trên thực tế, giáo viên còn bị "hành" nhiều hơn bởi điểm thi đua.
Bình luận 0

Mới đây, vụ việc của một số giáo viên Trường THCS Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội gây bức xúc dư luận. Theo đó, thay vì được đồng cảm, chia sẻ khi mắc Covid-19, các giáo viên này bị trừ điểm thi đua do nghỉ dạy trực tiếp.

Một giáo viên cho biết, đầu năm học, giáo viên ký với Công đoàn nhà trường bản cam kết thi đua "cứ nghỉ 1 ngày thì người lao động bị trừ 2 điểm". Do vậy, giáo viên này cả đợt nghỉ do bị F0 là 7 ngày, Công đoàn trừ 10 điểm thi đua – tương đương là 5 ngày. Thầy cô nào có dạy online thì sẽ bị trừ 5 điểm.

Vậy điểm thi đua là gì, quan trọng với giáo viên thế nào?

Theo Điều 21, Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT về Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, Hội đồng thi đua khen thưởng do hiệu trưởng thành lập và làm chủ tịch. Các thành viên của Hội đồng gồm: phó hiệu trưởng, bí thư cấp ủy Đảng Cộng sản Việt Nam, chủ tịch Công đoàn, bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (nếu có), tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (nếu có), tổ trưởng tổ chuyên môn, tổ trưởng tổ văn phòng và các giáo viên chủ nhiệm lớp.

Hội đồng thi đua khen thưởng được thành lập vào đầu mỗi năm học để giúp hiệu trưởng tổ chức các phong trào thi đua, đề nghị danh sách khen thưởng đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trong nhà trường.

Điểm thi đua quan trọng thế nào mà đang “hành” giáo viên nhưng không ai dám kêu? - Ảnh 1.

Giáo viên chịu nhiều áp lực vì điểm thi đua. Ảnh minh họa: Tào Nga

Cô Trần Thị Thu Hà, Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Thăng Long, quận Ba Đình, Hà Nội chia sẻ, điểm thi đua của giáo viên được tính theo các tiêu chí như thực hiện ngày giờ công; tham gia hội họp, sinh hoạt, thực hiện nội quy cơ quan; thực hiện quy chế chuyên môn; tham gia sinh hoạt các tổ chức, đoàn thể và hoạt động ngoài giờ lên lớp... Việc xét bình bầu thi đua khen thưởng mỗi giáo viên sẽ thực hiện sau một học kỳ. Ngoài ra, mỗi tháng sẽ có đánh giá công chức.

Cô Hà khẳng định, hiện tại trường chưa tổ chức thi đua khen thưởng nhưng khi tổ chức sẽ không đưa quy chế trừ điểm thi đua của giáo viên nghỉ vì bị F0. Ngược lại trường hỗ trợ mỗi giáo viên 500.000 đồng động viên tinh thần.

Tuy nhiên, thực tế, chính vì điểm thi đua mà "hành" một số giáo viên đến khốn khổ. Cô H.T.N, một giáo viên cấp 2 ở Hà Nội cho biết: "Có nhiều điều bất cập, để có điểm thi đua mà phải nhắm mắt cho qua. Ví dụ như khi đánh giá hiệu trưởng cuối năm. Hiệu trưởng không có thành tích gì nhưng giáo viên không dám chấm 9 điểm vì bị trù úng, đay nghiến trong các cuộc họp sau đó.

Ngoài ra, bất cập lớn nhất mà giáo viên bức xúc lâu nay là ủng hộ 1 ngày lương. Lương của giáo viên vốn dĩ đã thấp nhưng mỗi năm có tới 20 loại ủng hộ. Tháng nào cũng hao hụt 1, 2 ngày lương là chuyện bình thường. Thậm chí, trường nào thiếu thì yêu cầu bổ sung thêm tiền. Bên cạnh đó có thêm nhiều khoản ủng hộ theo phong trào như học sinh nộp 30 lon bia hoặc 3kg giấy. Lớp nào không đủ tiêu chuẩn thì chỉ được lớp tiên tiến".

Theo cô N. cũng vì điểm thi đua mà thời gian này, giáo viên phải đến trường dạy trực tuyến trong khi lớp không có học sinh.

Nên bỏ điểm thi đua?

Liên quan đến điểm thi đua của giáo viên, bà Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: "Điểm thi đua trong nhà trường thường sẽ là căn cứ đánh giá giáo viên được thưởng hoặc lên lương sớm hay không. Đối với mỗi giáo viên đi dạy học, điểm thi đua còn là lòng tự trọng, là giá trị của từng người. Vì thế, họ rất quan tâm, lo lắng cho điểm thi đua của mình mỗi tháng.

Điểm thi đua quan trọng thế nào mà đang “hành” giáo viên nhưng không ai dám kêu? - Ảnh 2.

Một lớp học trực tiếp ở Hà Nội. Ảnh: Tào Nga

Thế nhưng rõ ràng, cách đánh giá giáo viên bằng điểm thi đua là bất cập đầu tiên của ngành giáo dục. Bởi điểm thi đua mặc dù là của giáo viên đôi khi phụ thuộc vào những chủ trương của ngành, của sở, của phòng giáo dục và của trường, nơi người giáo viên công tác. Điều này dễ gây ra các bất cập, khiến giáo viên bức xúc".

Bà Hương lý giải, lương giáo viên vốn dĩ đã thấp nên cần phải có thành tích thi đua. Mỗi giáo viên phải tham gia các kỳ thi như giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi... Đây là những kỳ thi tốt cho giáo viên nhưng thực tế chỉ mang tính hình thức, cả cô và trò đang "diễn" với nhau. Ngoài ra, có những kỳ thi trở thành áp lực với giáo viên như cắm hoa, thể thao... Không tham gia thì bị trách móc, tham gia lại có áp lực mang giải về và học sinh thì bị bỏ bê.

Theo bà Hương, vì điểm thi đua mà đầu năm nhiều trường đề ra cho giáo viên phấn đấu không có học sinh đúp. Tình trạng học sinh học không tốt vẫn lên lớp dẫn đến đuối chồng đuối, dần dần trở nên ngồi nhầm lớp. Em nào kém quá thì phụ huynh bị ép có giấy chứng nhận học sinh tự kỷ. Cũng rất nhiều trường ép các học sinh học đuối phải chuyển trường trước kỳ thi chuyển cấp để không ảnh hưởng đến thi đua của trường.

Có không ít các gia đình khốn khổ vì lời ép đi học thêm của các thầy cô do sợ con học đuối. Cũng vì thi đua, nhiều bé đã bị biến thành công cụ "cai trị" bạn bè để cô giáo rảnh tay làm việc chuyên môn. Giáo viên ít lên tiếng về tiêu cực vì ảnh hưởng đến mình và mối quan hệ với nhà trường. Quan hệ đồng nghiệp cứ thế ngấm ngầm cạnh tranh nhau.

"Theo tôi, bỏ hoàn toàn hệ thống thi đua. Công việc giáo viên rèn luyện con người nên không thể đánh giá ngay lập tức trong 1, 2 tiết học mà cần thời gian 1, 2 năm. Muốn kiểm tra chất lượng giáo viên chỉ cần kiểm tra chất lượng học của học sinh và có thể kiểm tra bất chợt. Chỉ dừng lại ở mức độ khen thưởng chứ không nên tạo thành thi đua để gây áp lực cho giáo viên", bà Hương bày tỏ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem