Tỉ giá ổn định cũng giúp các biến số vĩ mô khác diễn biến tích cực.
![]() |
Tỉ giá USD/VNĐ ổn định là điểm sáng của nền kinh tế trong năm nay. Ảnh: Shuttershock |
Thị trường đã thay đổi
Tính đến ngày 11/10, tỉ giá trung tâm chỉ mới tăng vỏn vẹn 1,44% so với đầu năm, 23.154 VNĐ ăn 1 USD. Giá mua bán USD tại các ngân hàng lẫn trên thị trường tự do thậm chí còn giảm so với mốc hồi đầu năm nay, phản ánh diễn biến tăng giá của tiền đồng trên thị trường. Xu hướng này đặc biệt gây chú ý trong bối cảnh nhiều đồng tiền khác trong khu vực đã giảm giá khá mạnh so với USD.
Nếu nhìn lại quá khứ, tiền đồng thường chịu nhiều áp lực suy yếu mỗi khi kinh tế thế giới rơi vào vòng xoáy bất ổn, hoặc khi đồng Nhân dân tệ của nền kinh tế láng giềng bị phá giá, tuy nhiên kịch bản trên giờ đây không còn được lặp lại. Bất chấp kinh tế toàn cầu đang đứng trước nguy cơ giảm tốc hoặc thậm chí suy thoái, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và Bắc Kinh phá giá mạnh tiền tệ, tiền đồng của Việt Nam vẫn giữ vững.
Ngay cả yếu tố ảnh hưởng bởi mùa vụ dường như cũng đã giảm bớt. Trong nhiều năm trước đây, thời điểm cuối năm tỉ giá thường chịu áp lực lớn do nhu cầu ngoại tệ lên cao bởi vì doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu, tất toán các khoản vay ngoại tệ. Nhiều người cũng thường nương theo đó lướt sóng trên thị trường ngoại hối. Tuy nhiên tỉ giá trong những năm gần đây vẫn được kiểm soát tốt vào các tháng cuối năm. Hay như mới đây nhất, quy định yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu phải kết thúc các khoản vay ngoại tệ cũng không có nhiều tác động lên tỉ giá.
Dĩ nhiên nguồn cung ngoại tệ dồi dào là yếu tố quan trọng giúp ổn định tỉ giá. Vốn đầu tư nước ngoài từ trực tiếp đến gián tiếp đều rót ròng, thặng dư thương mại cao, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, các thương vụ thâu tóm và sáp nhập, tăng tỉ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài, dòng kiều hối tăng trưởng… đều đóng góp vào nguồn cung ngoại tệ và chảy mạnh vào nền kinh tế trong thời gian qua.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là niềm tin đã cải thiện. Không còn phải chứng kiến cách điều hành tỉ giá giật cục, phá giá thất thường như giai đoạn trước, thị trường giờ đây đã thích nghi với sự điều chỉnh tăng giảm linh hoạt của tỉ giá trung tâm, cũng như có thể dự báo được mức độ biến động khi nhà điều hành luôn cố gắng giữ vững cam kết đặt ra đầu năm.
Lan tỏa tích cực
![]() |
Ổn định tỉ giá cũng giúp thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn. Ảnh: TL |
Giá trị tiền đồng được giữ vững đã tác động và lan tỏa tích cực lên những biến số kinh tế vĩ mô khác. Đầu tiên giúp chỉ số giá hàng hóa nhập khẩu không bị áp lực tăng cao, từ đó giữ lạm phát được kiểm soát tốt theo mục tiêu đề ra, nhất là trong bối cảnh Chính phủ phải điều chỉnh nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ công theo lộ trình đã đặt ra.
Lạm phát thấp, tiền đồng không bị mất giá mạnh cũng góp phần tác động tích cực lên lãi suất, nhất là khi thanh khoản của hệ thống ngân hàng thời gian qua có những giai đoạn căng thẳng để đáp ứng các quy định an toàn.
Về cơ bản, nếu tỉ giá tăng mạnh, nhiều người có xu hướng rút tiền gửi ngân hàng để đầu cơ lướt sóng tỉ giá, gây áp lực lên nguồn vốn hệ thống và các ngân hàng có thể phải tăng mạnh lãi suất để giữ khách hàng.
Tuy nhiên, nếu mức độ biến động tỉ giá thấp không đủ sức hấp dẫn thì gửi ngân hàng vẫn có lợi hơn. Chính vì vậy có thể nói rằng tỉ giá ổn định giúp lãi suất tiền đồng ổn định, điều mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước luôn xem là mục tiêu quan trọng trong điều hành kinh tế.
Thực tế cho thấy cùng với tỉ giá, lạm phát, lãi suất cũng là một trong những chỉ tiêu vĩ mô nằm trong tầm kiểm soát hiệu quả trong 4 năm trở lại đây.
Một ảnh hưởng tích cực khác là đồng tiền ổn định cũng góp phần vào việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhất là trong bối cảnh dòng vốn đầu tư quốc tế đang có sự dịch chuyển lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây. Rõ ràng đứng ở quan điểm nhà đầu tư, ngoài yếu tố tăng trưởng của nền kinh tế, thì việc đồng nội tệ của quốc gia nào ít bị phá giá nhất sẽ thu hút họ rót vốn hơn, do đảm bảo hạn chế thiệt hại về tỉ giá.
Dự trữ ngoại hối quốc gia cũng là một trong những đối tượng hưởng lợi lớn từ thị trường ngoại hối được quản lý tốt. Thực tế cho thấy dự trữ ngoại hối đã duy trì xu hướng tăng mạnh kể từ năm 2016 đến nay. Việc tỉ giá hài hòa không chỉ giúp Ngân hàng Nhà nước mua vào ngoại tệ với giá hợp lý, mà còn khuyến khích nhiều người thôi tình trạng găm giữ ngoại tệ bởi độ tăng giá của USD không còn quá hấp dẫn như trước đây, trong khi gửi ngân hàng thì không được hưởng lãi suất.
Đối với các doanh nghiệp trong nước đang vay vốn ngân hàng, tỉ giá và lãi suất ổn định càng trở nên quan trọng khi giúp hạn chế những rủi ro thiệt hại tài chính không mong muốn, cũng như lập kế hoạch kinh doanh sát sườn hơn nhờ những dự báo chính xác.
Ngoài ra, với hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn, các doanh nghiệp không chỉ tăng nguồn đóng góp vào ngân sách quốc gia, mà còn mở rộng thêm hoạt động sản xuất, tạo thêm công ăn việc làm và tác động tích cực lên tăng trưởng của cả nền kinh tế.
Gửi bình luận