Khủng hoảng thịt heo
Mở đầu năm 2019, con heo dường như không gặp may mắn. Ngay tại nước coi heo là linh vật như Trung Quốc, dịch bệnh tả heo châu Phi đã lan tới tỉnh/khu vực thứ 24 của Trung Quốc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại mặt hàng thịt heo và những lĩnh vực liên quan. Kỷ Hợi có thể sẽ trở thành năm đại khủng hoảng của ngành thịt heo Trung Quốc.
Nhà phân tích Zhao Wenting thuộc công ty Dongwu Futures cho biết thị trường không mấy lạc quan về nhu cầu trong năm 2019, dự báo giá sẽ còn tiếp tục giảm trong trung và dài hạn. Giá thịt heo ở nhiều khu vực tại Trung Quốc đã xuống dưới mức giá thành từ nhiều tháng nay do lệnh cấm vận chuyển thịt heo ra khỏi những khu vực có dịch bệnh.
![]() |
Dịch bệnh khiến cho ngành chăn nuôi heo gặp khó khăn. |
Theo Reuters, tính từ tháng 8 năm ngoái, khi dịch bệnh lần đầu được phát hiện ở Trung Quốc, tới nay 916.000 con heo đã bị tiêu hủy trên tổng số 100 ổ dịch tả heo.
Hàng năm Trung Quốc giết mổ khoảng 700 triệu con heo để đáp ứng nhu cầu thịt heo khổng lồ cho người tiêu dùng. Tỉnh Hắc Long Giang - nơi cung cấp 1/3 số heo giết mổ cho cả nước trong năm 2017 - đầu tháng 1/2019 đã phát hiện có dịch tả heo tại một trang trại nuôi 73.000 con. Tỉnh này bị cấm vận chuyển heo ra bên ngoài. Một số tỉnh khác như Hà Nam và Liêu Ninh cũng chịu sự kiểm soát tương tự.
Dịch bệnh này còn lan sang mới đây là Mông Cổ. Theo một đăng tải trên trang web của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) hôm 15/1, ổ dịch tại Mông Cổ được tìm thấy tại một cơ sở chăn nuôi nhỏ ở trung tâm khu vực Bulgan, có biên giới với Nga. Tổng cộng, 214 con heo đã bị giết và xử lý sau khi 85 trường hợp nhiễm dịch ASF được tìm thấy tại cơ sở này.
Con heo không được chào đón tại nhiều nơi. Đài Loan cấm nhập khẩu thịt heo từ Trung Quốc, thậm chí phạt nặng với khách du lịch nếu mang theo vài lạng thịt heo khô vào vùng lãnh thổ này. Đài Loan cũng cấm nhập khẩu thịt heo từ Nhật Bản sau khi một đợt bùng phát dịch tả heo cổ điển (CSF) được báo cáo.
Giá thịt heo tại Trung Quốc gần đây giảm mạnh vì người chăn nuôi tăng cường giết mổ để tránh việc heo bị nhiễm bệnh, khiến nguồn cung thịt tăng đột biến. Đến giữa tháng 12/2018, giá thịt heo tại các tỉnh phía Đông Bắc đã giảm 31% so với cùng kỳ năm trước, còn ở phía Bắc giảm 15%.
Vào tuần đầu tiên của tháng 1, giá thịt heo tại các tỉnh phía Đông Bắc đã giảm 34% so với một năm trước và 16% ở miền Bắc, theo dữ liệu được Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc công bố.
Theo Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, sản lượng thịt heo giảm vì quy mô đàn heo của quốc gia này đã giảm 3%, xuống 428,17 triệu con. Trung Quốc là nhà sản xuất thịt heo hàng đầu thế giới khi chiếm một nửa nguồn cung toàn cầu và với toàn bộ sản lượng được tiêu thụ tại địa phương.
Nhu cầu thịt heo vẫn cao
Năm 2018, sản lượng heo của Trung Quốc ước đạt 433,25 triệu tấn, chiếm 48% sản lượng thịt heo thế giới, nhưng ước giảm 1,4% so với 5 năm trước (năm 2013). Năm 2019, sản lượng thịt heo của Trung Quốc dự đoán tăng 1,2% so năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn so với năm 2014 là năm sản lượng thịt heo đạt mức cao nhất trong lịch sử chăn nuôi nước này.
Đứng thứ hai về sản lượng thịt heo là EU, chiếm 21% sản lượng thịt heo thế giới. Mỹ đứng thứ ba với sản lượng chiếm 11%. Brazil là nhà sản xuất thịt heo lớn thứ tư thế giới, theo sau là Nga và Việt Nam.
Thịt heo Mỹ tăng trưởng với tốc độ chóng mặt trong những năm gần đây. USDA ước tính sản lượng thịt heo năm 2018 của Mỹ tăng 13,9% so với 5 năm trước. Còn trong số 10 quốc gia sản xuất thịt heo hàng đầu thế giới, chỉ có Nga và Philippines tăng với tốc độ nhanh trong 5 năm qua. USDA dự báo sản lượng thịt heo Mỹ năm 2019 tăng 5,2%, mức tăng mạnh nhất so với bất kì 10 quốc gia sản xuất thịt heo hàng đầu nào.
USDA cũng dự báo sản lượng thịt heo toàn cầu năm 2019 tăng 1,4% so với năm 2018. Đứng thứ 2 và thứ 3 là Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, chiếm lần lượt 21% và 11% sản lượng thịt heo toàn cầu. Brazil và Nga là nhà sản xuất thịt heo lớn thứ 4 và thứ 5 thế giới. Việt Nam vẫn sẽ là quốc gia sản xuất thịt heo đứng thứ 6 thế giới khi sản xuất 2,39% tổng sản lượng toàn cầu.
Ngành chăn nuôi heo của Nga dự kiến tăng công suất sản xuất thêm 900.000 tấn trong vòng 4 năm tới dù đã gần đạt được mức tự cung tự cấp thịt heo. Liên minh các nhà sản xuất thịt heo Nga dự báo, tổng sản lượng thịt heo của Nga sẽ lên tới 4,4 triệu tấn vào năm 2022.
Với tình hình như hiện nay, giá thịt heo có thể tăng. Theo ông Zhu Zengyong, chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện thông tin Nông nghiệp - Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc, nước này có thể phải tăng mạnh nhập khẩu thịt heo từ nước ngoài.
Hiệp hội Thịt Trung Quốc cũng nhất trí với nhận định này, cho rằng lượng nhập khẩu năm nay sẽ cao kỷ lục bởi người chăn nuôi không tái đàn trong khi số lượng heo nái và heo con bị sụt giảm. Như vậy, giá heo tại Trung Quốc có thể sẽ còn tăng mạnh tới cuối 2019, thậm chí kéo dài hơn nữa.
Gửi bình luận