Đi học trực tiếp hay ở nhà học online: Trường học "tiến thoái lưỡng nan"

Tào Nga Thứ tư, ngày 02/03/2022 12:07 PM (GMT+7)
Học sinh đi học thì lo giáo viên, học sinh mắc Covid-19, nghỉ học ở nhà thì sợ không đảm bảo chất lượng, các em bị trầm cảm, nghiện game..., tình trạng này đã đẩy các trường vào thế "tiến thoái lưỡng nan".
Bình luận 0

Nhà trường khó khăn bố trí giáo viên dạy vừa online vừa offline

Theo thống kê trước đó của Sở GDĐT Hà Nội về việc đi học trực tiếp của học sinh, khối THPT giảm từ tỷ lệ trên 90% những ngày đầu xuống còn trên 75%, khối THCS còn hơn 77% đến trường, học sinh tiểu học ở ngoại thành còn 79%. Khối lớp 1 đến lớp 6 ở 18 huyện, thị học trực tiếp từ 10/2. Tính đến 25/2, có 45,2% số lớp tiểu học và lớp 6 ngoại thành phải chuyển sang học trực tuyến.

Nhiều phụ huynh đồng thuận trước quyết định cho học sinh nghỉ học trực tiếp để phòng tránh dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, không ít phụ huynh băn khoăn về hậu quả của việc nghỉ học ở nhà lâu dễ mắc trầm cảm, nghiện game, các vấn đề về sức khỏe... Đi học hay không đi học là băn khoăn của rất nhiều phụ huynh. Còn về phía nhà trường cũng xoay xở nhiều phương án trước tình hình dịch bệnh phức tạp.

Nan giải vấn đề đi học trực tiếp hay ở nhà online: Ý kiến của nhà trường - Ảnh 1.

Giáo viên và học sinh Trường THCS Mỹ Đình 1. Ảnh: Tào Nga

Cô Đinh Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa, quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ: "Khó khăn lớn nhất là giáo viên, học sinh F0, F1 rất nhiều, luân phiên nhau nghỉ. Giáo viên F0, F1 có thể nghỉ hoặc dạy trực tuyến, tuy nhiên, học sinh vẫn đến trường học trực tiếp nên nhà trường lại phải bố trí giáo viên khác quản lý lớp".

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GDĐT quận Hà Đông cho biết tình hình đi học: "Các trường kết hợp trực tuyến, trực tiếp nên linh hoạt, nỗ lực trong thời gian vừa qua. Có giáo viên tiết này dạy trực tiếp nhưng tiết sau phải trực tuyến, nhà trường nhanh nhạy để bố trí giáo viên kịp thời. Tại quận Hà Đông, có 75-78% học sinh đi học trực tiếp do các em F0, F1, ốm hoặc cô giáo bị F0".

Kiến nghị trao quyền tự chủ cho trường

Thầy Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch HĐQT trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho hay: "Chủ trương của Nhà nước là cho học sinh được đến trường. Từng quận sẽ căn cứ vào tình hình dịch để cho học sinh học trực tiếp. Trường chúng tôi đã cho lớp 12 của trường đi học từ tháng 1, lớp 7-11 đi học từ 8/2. Tuy nhiên, sau thời gian ngắn có hơn 600 học sinh bị F0. Giáo viên, nhân viên từ số 0 lên đến 89 người bị F0. Từ 60% học sinh đi học trực tiếp xuống còn 30%. Thậm chí có lớp chỉ có 3, 4 học sinh đi học.

Do dịch bệnh lan nhanh, các lớp học trực tiếp thiếu giáo viên. Giáo viên phải dạy trực tiếp và trực tuyến rất khó khăn. Trong khi đó, học sinh ở toàn thành phố nên có nhiều em ở phường vùng cam không thể đến trường. Vì vậy, hội đồng nhà trường xin ý kiến của quận và quyết định cho toàn bộ học sinh nghỉ từ đầu tháng 3. Sau đó 2 tuần sẽ tùy vào tình hình dịch bệnh sẽ có thông báo tiếp theo".

Theo thầy Hòa, trước đây rất nhiều phụ huynh lo ngại con bị F0, F1 nhưng bây giờ đã không còn lo lắng nhiều nữa và chờ đợi quyết định của nhà trường.

"Trước khi quyết định cho học sinh đi học hay nghỉ học, chúng tôi đều hỏi ý kiến phụ huynh và luôn nhận được sự đồng thuận của nhà trường", thầy Hòa cho hay.

Nan giải vấn đề đi học trực tiếp hay ở nhà online: Ý kiến của nhà trường - Ảnh 2.

Học sinh Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh. Ảnh: FBNT

Liên quan đến việc tổ chức cho học sinh đi học thế nào hợp lý trong tình hình dịch bệnh hiện nay, cô Văn Thùy Dương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh, quận Cầu Giấy, Hà Nội thông tin, các ca F0 và F1 vẫn tăng thêm hàng ngày, đội ngũ cán bộ nhà trường cũng nhiễm bệnh 50%. Nhiều lớp có 27 học sinh thuộc diện F1 và F0. Lớp có số học sinh nhiễm bệnh ít thì thầy cô lại bị nhiều nên học sinh đến, có tiết phải học online tại lớp, các trường phải bỏ thêm kinh phí phủ sóng wifi toàn bộ trường thay vì để thầy cô và phụ huynh dùng 4G. Nếu đi học, trong 1 lớp sẽ phải dạy cả online lẫn offline. Thầy cô đã gồng mình nay tiếp tục căng thẳng.

Theo cô Dương, thời gian học online đã khiến học sinh quen dần, nhu cầu gặp gỡ vẫn có, giáo dục toàn diện là cần thiết nhưng không thể vội vã, hơn nữa các thầy cô đều liên tục tạo ra những sân chơi cho học sinh để học sinh có thêm cơ hội giao lưu và phát triển trong điều kiện như hiện nay... Vậy nên không nhất thiết phải ngay và luôn đưa các con đến trường.

"Ban Giám hiệu rất ủng hộ chủ trương của Quốc hội, Chính phủ về việc mở cửa trở lại trường học một cách an toàn, thận trọng, sớm nhất có thể. Tuy nhiên nên giao quyền chủ động cho các trường tự quyết việc đi học trở lại khi đủ điều kiện hoặc tiếp tục học online đến khi đủ điều kiện an toàn. Vì hơn ai hết các trường tư thục đang phải gồng mình chống Covid-19, vẫn phải chi khi giảm nguồn thu. Việc mở cửa trở lại học trực tiếp phải được các trường hết sức cân nhắc, vì khi xuất hiện lây nhiễm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lực lượng giáo viên đứng lớp chứ không riêng học sinh, khả năng đảm bảo xử lý tình huống y tế của từng trường để khống chế, kiểm soát mức độ lây lan.

Thay vì chỉ đạo đồng loạt, cơ quan quản lý chỉ nên ra các khuyến cáo để các trường làm căn cứ, trong điều kiện dịch bệnh, mục tiêu đặt ra với ngành giáo dục là làm sao đảm bảo được chương trình và chất lượng một cách tốt nhất có thể, chứ không phải thực hiện kế hoạch đồng loạt đến trường hay đồng loạt ở nhà. Hiện vẫn còn khoảng thời gian tháng hè để các trường củng cố kiến thức cho học sinh khi học trực tuyến, không nên quá lo lắng về vấn đề chất lượng. Quyết định mới nhất của trường Lương Thế Vinh là để thầy cô và học sinh tiếp tục học trực tuyến và sẽ thông báo cho học sinh đến trường khi thấy đủ an toàn cho các con", cô Dương cho hay.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh cho biết chủ trương kiên quyết mở cửa trường học đưa học sinh tới trường học trực tiếp đảm bảo an toàn nhìn chung được xã hội, nhà giáo, phụ huynh và các chuyên gia ủng hộ, đồng tình, được đánh giá là đúng lúc và kịp thời. Lãnh đạo các địa phương đã thống nhất chủ trương và đã chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả, quyết liệt.

Tuy nhiên, việc mở cửa trường học trở lại cũng gặp một số khó khăn như số F0 là giáo viên, học sinh, sinh viên tiếp tục có diễn biến phức tạp. Một số địa phương có quan điểm khác nhau trong phòng, chống dịch bệnh trong các cơ sở giáo dục. Đặc biệt là một bộ phận phụ huynh học sinh còn chưa yên tâm cho con em đi học trở lại trực tiếp, nhất là đối với học sinh mầm non và tiểu học (đối tượng chưa được tiêm vắc xin). Cùng với đó, nhân lực y tế trường học còn thiếu và yếu ở nhiều địa phương dẫn đến phải huy động hầu hết cán bộ, giáo viên kiêm nghiệm công tác phòng, chống dịch. Kinh phí cho việc mua sắm thiết bị phòng, chống dịch trong các cơ sờ giáo dục và vệ sinh sinh khử khuẩn còn thiếu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem