ĐHQG TP.HCM đề xuất kỳ thi đánh giá năng lực trở thành kỳ thi quốc gia, làm căn cứ xét tuyển đại học

Thiên Tường Thứ tư, ngày 27/04/2022 10:45 AM (GMT+7)
ĐHQG TP.HCM đề xuất với Bộ GD-ĐT phát triển kỳ thi đánh giá năng lực thành kỳ thi quốc gia. Điểm thi là căn cứ xét tuyển đầu vào cho các trường đại học khu vực từ các tỉnh miền Trung (từ Huế trở vào), các tỉnh thành phía Nam.
Bình luận 0

Chiều 26/4, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GD-ĐT có buổi làm việc với Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM). Đây là lần thứ 2 ông Sơn làm việc với ĐHQG-HCM kể từ khi nhậm chức.

Hàng loạt đề xuất của ĐHQG-HCM

Tại buổi làm việc, PGS.Vũ Hải Quân – Giám đốc ĐHQG-HCM nêu nhiều kiến nghị với Bộ GD-ĐT. Trong đó, ĐHQG-HCM đề nghị Bộ GD-ĐT sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định mới về ĐHQG, Quy chế tổ chức và hoạt động của ĐHQG và các cơ sở giáo dục đại học thành viên.

Cụ thể, ĐHQG được xây dựng và ban hành quy chế đào tạo riêng, theo các chuẩn mực quốc tế; ĐHQG được phê duyệt phương án tự chủ tài chính của các đơn vị thành viên, đơn vị thuộc và trực thuộc ĐHQG và báo cáo Bộ Tài chính.

ĐHQG TP.HCM: Đề xuất kỳ thi đánh giá năng lực thành kỳ thi quốc gia - Ảnh 1.

PGS.Vũ Hải Quân – Giám đốc ĐHQG-HCM đưa ra nhiều kiến nghị với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Ngoài ra, trong thời gian chưa có nghị định và quy chế mới, ĐHQG-HCM đề nghị Bộ GD-ĐT có văn bản hướng dẫn, hoặc kiến nghị Chính phủ đồng ý cho ĐHQG-HCM tiếp tục hoạt động theo Nghị định 186/2013/NĐ-CP ngày 17/11/2013 của Chính phủ, Quyết định 26/2014/QĐ-TTg ngày 26/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Đề xuất Bộ GD-ĐT ủng hộ chủ trương thành lập 2 trường đại học là thành viên ĐHQG-HCM là Trường Đại học Khoa học Sức khỏe trên cơ sở phát triển từ Khoa Y và Trường Đại học Công nghệ Môi trường trên cơ sở phát triển từ Viện Môi trường và Tài Nguyên; đề xuất Bộ ủng hộ chủ trương, đầu tư nâng cấp Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, ĐHQG-HCM thành Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục TP.HCM hướng đến tầm khu vực, quốc tế.

Đặc biệt, ĐHQG-HCM đề xuất Bộ GD-ĐT ủng hộ chủ trương, đầu tư phát triển kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG-HCM trở thành kỳ thi quốc gia, điểm thi là căn cứ xét tuyển đầu vào cho các trường đại học khu vực từ các tỉnh miền Trung (từ Huế trở vào), các tỉnh thành phía Nam.

ĐHQG TP.HCM: Đề xuất kỳ thi đánh giá năng lực thành kỳ thi quốc gia - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ủng hộ chủ trương thành lập 2 trường đại học mới của ĐHQG-HCM. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Đề xuất cập nhật nội dung, quy chế thi học sinh giỏi quốc gia theo hướng quy mô mỗi đội tuyển học sinh giỏi các môn của Trường Phổ thông Năng khiếu – ĐHQG-HCM là 10 học sinh/môn.

Ngoài ra, ĐHQG-HCM cũng đề xuất thêm nhiều vấn đề khác trong lĩnh vực tài chính, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, cơ chế thí điểm, triển khai mở ngành mới...

Đơn "đặt hàng" của Bộ trưởng với ĐHQG-HCM

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ ủng hộ hoàn toàn về chủ trương, chính sách của ĐHQG-HCM đối với việc thành lập 2 cơ sở giáo dục mới. Tuy nhiên, việc này phải xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các vấn đề khác mà ĐHQG-HCM đặt ra, cần được giải quyết một cách tổng thể hơn. Trong đó, việc phát triển Trung tâm Kiểm định giáo dục trực thuộc thành phố, hiện đã có 3 thông tư liên quan đến hoạt động kiểm định. Chính vì vậy, khi đầu tư và phát triển trung tâm, thì cần phải vươn ra thành một trung tâm kiểm định mạnh.

ĐHQG TP.HCM: Đề xuất kỳ thi đánh giá năng lực thành kỳ thi quốc gia - Ảnh 3.

Nhà điều hành ĐHQG-HCM. Ảnh: VNU

Ông Sơn cho biết, Bộ cũng vừa trình Thủ tướng chuẩn bị ban hành Chiến lược phát triển của ngành từ năm 2021-2030, tầm nhìn đến 2045. Trong chiến lược này lưu ý rất nhiều đến vai trò của hai ĐHQG Hà Nội và ĐHQG-HCM. Ông Sơn kỳ vọng hai đơn vị này sẽ nghiên cứu kỹ chiến lược của ngành, xác định rõ vị trí, vai trò quan trọng của mình trong chiến lược và hành động.

Đặc biệt, ĐHQG cần đề xuất một số nhiệm vụ khoa học lớn tầm quốc gia và thực hiện mạnh mẽ hơn. Theo Bộ trưởng, thiếu nhiệm vụ khoa học công nghệ lớn sẽ rất khó để nâng vị thế, tầm vóc học thuật.

Cũng trong buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đưa ra một số kiến nghị riêng với ĐHQG-TP.HCM.

Thứ nhất, ĐHQG cần phải lưu tâm hơn đến việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Phải xem đây là một nhiệm vụ lớn, coi nó là một đặc sắc về mặt đào tạo.

Thứ hai là nhiệm vụ tư vấn chính sách, tham mưu, hỗ trợ giải quyết các vấn đề của ngành. Điều này xuất phát từ các hoạt động đổi mới giáo dục, triển khai tự chủ ĐH, đặc biệt triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo Bộ trưởng, hiện nay việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đang đặt ra rất nhiều thách thức. Trong các nghiên cứu cần có những nghiên cứu chính sách cho ngành để cùng giải quyết và xử lý những thách thức này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem