![]() |
Ngày càn nhiều các KCN được thành lập tại Việt Nam trong những năm vừa qua. Ảnh minh họa |
Vướng mắc, bất cập trong quản lý
Tại hội thảo khởi động “Dự án triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) vừa tổ chức, nhiều bất cập trong quản lý khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) đã được nêu rõ.
Điểm đặc biết chú ý, theo một số đại biểu, sau 2 năm có hiệu lực Nghị định 82/2018/NĐ-CP Quy định về quản lý KCN, KKT đã bộc lộ một số bất cập, gây khó khăn cho hoạt động quản lý, điều hành ở các KCN, KKT.
Ông Phạm Minh Phương, Trưởng ban BQL các KCN tỉnh Hải Dương- Chủ nhiệm CLB các BQL KCN, Khu kinh tế các tỉnh phía Bắc - cho biết: Do một số quy định trong Nghị định 82 hoàn toàn mới nên có những điểm khác biệt đối với các Luật nghị định hướng dẫn thực hiện các luật chuyên ngành dẫn tới một số bất cập như: Các nội dung chưa rõ, không thống nhất với các luật chuyên ngành khác; Các Ban quản lý không có chức năng và không có bộ phận thanh tra làm giảm hiệu lực công tác quản lý nhà nước ở các KCN, KKT; Một số nhiệm vụ không được quy định phân cấp ủy quyền rõ, bị phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của các sở ngành địa phương, ảnh hưởng đến việc hiệu quả công tác quản lý nhà nước tại các khu này.
Ngoài ra, quy định của một số văn bản quy phạm pháp luật chưa rõ ràng dẫn đến việc không thống nhất thực hiện giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, gây ách tắc trong giải quyết thủ tục hành chính, chậm tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng. “Trong 30 năm vừa qua công tác quản lý nhà nước về KCN, KKT liên tục được hoàn thiện và đã khẳng định được vai trò quan trọng của các khu công nghiệp khu kinh tế trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên để hoàn thiện và phát huy vai trò của KCN, KKT trong giai đoạn tới cần phải điều chỉnh một số vấn đề”, ông Phạm Minh Phương nêu quan điểm.
Tương tự, bà Lê Thị Thu Huyền - Phó trưởng Ban quản lý các KCN Bắc Ninh cho hay, các KCN tại Bắc Ninh cũng đang gặp phải một số vướng mắc như chưa có căn cứ pháp lý vững chắc xuyên suốt đầy đủ và đồng bộ cho hoạt động của các Ban quản lý. Dẫn tới Ban quản lý KCN không có cơ sở thành lập bộ phận thanh tra mà chỉ thành lập các đoàn kiểm tra đối với các doanh nghiệp hoạt động trong KCN.
Nếu quá trình kiểm tra, phát hiện ra sai phạm thì phải chuyển các sở ngành trong tỉnh để đề nghị xem xét xử lý. Điều này khiến cho hoạt động quản lý đối với các doanh nghiệp KCN không hiệu quả, đồng thời không có tính răn đe đối với các doanh nghiệp là đối tượng hoạt động chây ì, thường xuyên vi phạm quy định pháp luật.
Với khu kinh tế, ông Hà Văn Cung - Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Tây Ninh chỉ ra: Nghị định 82 hiện chưa có tính thống nhất chung về cách thức quản lý cho mô hình hoạt động các ban quản lý khu kinh tế. Theo đó, về thiết kế ủy quyền có thời hạn cụ thể - Về mặt thời gian cho từng đơn vị ủy quyền thực hiện tại một thời điểm khác nhau do vậy tính nhất quán đồng bộ và thống nhất tổ chức theo chức năng nhiệm vụ chung của ban quản lý khu kinh tế chưa cao.
Mặt khác thiết chế ủy quyền không mang tính ổn định, thiếu sự nhất quán trong công tác quản lý, dẫn đến một số lĩnh vực phải nhiều cơ quan quản lý thực hiện. Điều này khiến công tác quản lý chồng chéo. “Cần phải nhìn nhận rằng hoạt động hiện nay của Ban quản lý khu kinh tế đã được thừa nhận tại Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020. Song nếu đối chiếu thực hiện theo Nghị định 82 thì việc xác định mô hình của Ban quản lý khu kinh tế còn khá lúng túng. Tôi cho rằng đây cũng là bất cập hơn 30 năm Chính phủ chưa tìm ra lời giải cho mô hình tổ chức tối ưu của các Ban quản lý”, ông Cung chia sẻ.
Đề xuất ban hành luật về KCN, KKT
Từ bất cập nêu trên, ông Cung cho rằng để hoạt động của các Ban quản lý KCN, KKT phù hợp, đáp ứng yêu cầu mới thì Bộ Kế hoạch - Đầu tư cần tham mưu Chính phủ điều chỉnh ngay Nghị định số 82 theo hướng áp dụng thiết chế phân cấp cho Ban quản lý. Theo đó cần quy định lại chức năng của ban quản lý là cơ quan quản lý Nhà nước trực tiếp thực hiện ở các khu này. Bên cạnh đó, về mô hình tổ chức cần phân định dựa trên quy mô trên công nghiệp tại các địa phương và trên tiêu chí đánh giá xếp hạng về quy mô đầu tư, vốn góp và số lượng lao động.
Đặc biệt, để hoạt động các ban quản lý ổn định, Bộ Kế hoạch và đầu tư cần tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua luật về quản lý KCN, KKT.
![]() |
Cần ban hành luật về KCN, KKT để các hoạt động tại đây tốt hơn. Ảnh minh họa |
“Chúng tôi đề xuất Quốc hội cho phép xây dựng và ban hành Luật về KCN, KKT nhằm tạo khung pháp lý cao nhất cho công tác quản lý nhà nước đối với các khu này. Từ đó nâng cao hiệu lực hiệu quả và sự đồng bộ trong quy hoạch, đầu tư, xây dựng, vận hành KCN, KKT theo hướng phân cấp, giao nhiệm vụ trực tiếp cho Ban quản lý thực hiện (bao gồm chức năng thanh tra)”, ông Phương đề xuất.
Bên cạnh đó, theo ông Phương, Nghị định 82 dù ban hành từ năm 2018 nhưng tới nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn. Do vậy các ban quản lý KCN, KKT hiện đang lúng túng trong việc thực hiện công tác cán bộ và họ mong mỏi Bộ Kế hoạch và đầu tư sớm ban hành thông tư hoặc thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành Nghị định 82 trong thời gian sớm nhất.
Sau gần 30 năm kể từ khi khu chế xuất Tân Thuận được thành lập, Việt Nam đã đạt được kết quả quan trọng trong phát triển KCN, KKT. Đến nay trên cả nước đã có 369 KCN được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 853 ngàn ha và có những đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Cụ thể là giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần mở rộng thị trường quốc tế với giá trị xuất khẩu trung bình hàng năm chiếm khoảng trên 55% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; đồng thời chỉ tính riêng trong giai đoạn từ 2016-2019 đã đóng góp 400 nghìn tỷ đồng vào nguồn thu ngân sách.
Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư
Gửi bình luận