Để Việt Nam trở thành quốc gia biển, mạnh về biển và làm giàu từ biển

Nhóm PV Thứ tư, ngày 20/04/2022 09:19 AM (GMT+7)
Nhiều địa phương đã và đang triển khai thực hiện Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển đến năm 2030 nhằm đẩy mạnh ngành nghề nuôi trồng thủy sản ven biển. Tuy nhiên, đã có những chủ trương, kế hoạch sử dụng đất, diện tích mặt nước vào những mục đích khác, tác động tới chủ trương phát triển nuôi trồng thủy sản của Trung ương.
Bình luận 0

Ngày 4/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1664/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển đến năm 2030 (Đề án nuôi biển). Theo đó, sẽ đầu tư phát triển nuôi biển thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có đóng góp quan trọng về sản lượng, giá trị và chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong toàn bộ ngành thủy sản, trong đó lấy doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt để đầu tư phát triển nuôi biển quy mô công nghiệp ở vùng biển xa.

Theo Đề án này, đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000ha và đến năm 2030 đạt 300.000ha với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1 tỷ USD mỗi năm. Trong thời gian qua, nhiều địa phương đã triển khai thực hiện cụ thể Đề án này nhằm đẩy mạnh ngành nghề nuôi trồng thủy sản ven biển. Tuy nhiên, nhiều địa phương đã có những chủ trương, kế hoạch sử dụng đất, diện tích mặt nước vào những mục đích khác, tác động tới chủ trương phát triển nuôi trồng thủy sản của Trung ương.

Hôm nay, Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt tổ chức buổi Tọa đàm "Phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển bền vững: Cơ hội và thách thức".

Tham dự buổi tọa đàm hôm nay có: 

Ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) 

Ông Phan Huy Hà- Phó TBT Thường trực Báo NTNN/điện tử Dân Việt. 

Ông Phạm Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam

Ông Đặng Xuân Trường - Trưởng phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia 

Ông Vũ Trí Tuân- Hội trưởng Hội nuôi ngao Kiến Thụy (Hải Phòng) 

Ông Nguyễn Cao Cương- Đại diện Hội nuôi trồng thủy sản Nghĩa Hưng, Nam Định.

Đại diện các cơ quan báo chí, truyền hình.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Phan Huy Hà – Phó TBT Báo Nông thôn Ngày nay chia sẻ: " Buổi tọa đàm hôm nay nhằm đưa những thông tin chủ trương, chính sách của Chính phủ, ngành NNPTNT về Chiến lược phát triển thủy sản nói chung; Đề án nuôi biển nói riêng.  Đặc biệt, tiếp tục thúc đẩy, tạo sự quan tâm của dư luận đối với vấn đề nuôi trồng thủy sản ven biển. Bên cạnh đó,  các vị khách mời tham dự tại tọa đàm sẽ tiếp tục làm rõ nội dung, mục tiêu trong chiến lược phát triển thủy sản và đề án nuôi biển theo hướng bền vững; gia tăng giá trị gia tăng.

Phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển bền vững: Thách thức và cơ hội - Ảnh 1.

Phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển bền vững: Góc nhìn từ chủ trương của các địa phương

Thủy sản là một trong những ngày nghề mũi nhọn của đất nước ta. Nghề nuôi trồng thủy sản được trải dài suốt 28 tỉnh, thành ven biển với đa dạng hóa các loại thủy sản như nhuyễn thể, tôm, cá, ngao, sò… đã góp phần mang lại nguồn lợi thủy sản lớn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nghề nuôi trồng thủy sản ven biển cũng đang góp phần tạo sinh kế và công ăn việc làm cho hàng triệu ngư dân.

Để phát huy hết tiềm năng về nuôi trồng thủy sản ven biển, ngày 11/3/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 339/QĐ-TTg về phê duyệt "Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu: Phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia. Trong đó, đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3,0 - 4,0%/năm.

Tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn; trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản 7,0 triệu tấn, sản lượng khai thác thủy sản 2,8 triệu tấn; Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14 - 16 tỷ USD; đặc biệt giải quyết việc làm cho trên 3,5 triệu lao động, có thu nhập bình quân đầu người lao động thủy sản tương đương thu nhập bình quân chung lao động cả nước. 

Cụ thể hóa Chiến lược đó, ngày 4/10/2021, Thủ tướng đã có quyết định 1664/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển đến năm 2030 (Đề án). Theo đó, sẽ đầu tư phát triển nuôi biển thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có đóng góp quan trọng về sản lượng, giá trị và chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong toàn bộ ngành thủy sản, trong đó lấy doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt để đầu tư phát triển nuôi biển quy mô công nghiệp ở vùng biển xa.

Phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển bền vững: Thách thức và cơ hội - Ảnh 2.

Mô hình nuôi tôm hùm của ngư dân Khánh Hoà. Ảnh: C.T

Đề án nuôi biển đã đặt ra các mục tiêu cụ thể, đó là: Đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000ha, thể tích lồng nuôi 10 triệu m3; sản lượng nuôi biển đạt 850.000 tấn. Trong đó, nuôi biển gần bờ: 270.000ha (ven bờ 20.000ha; bãi triều và trong đất liền 250.000ha), thể tích lồng nuôi đạt 8 triệu m3; sản lượng nuôi đạt 750.000 tấn (cá biển: 60.000 tấn, tôm hùm: 3.000 tấn, giáp xác khác: 57.000 tấn, nhuyễn thể: 460.000 tấn và rong tảo biển: 170.000 tấn).

Để thực hiện các mục tiêu trên, trong thời gian qua nhiều địa phương đã phê duyệt chiến lược phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển bền vững. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các chủ trương phát triển kinh tế địa phương và kế hoạch sử dụng đất, diện tích mặt nước ven biển đã xảy ra nhiều mâu thuẫn, xung đột lợi ích giữa người dân làm nghề nuôi trồng thủy sản ven biển với các địa phương. Tại nhiều địa phương như Hải Phòng, Nam Định, Khánh Hòa…, nhiều khu vực nuôi trồng thủy sản giàu tiềm năng đã bị lấy để khai thác tài nguyên (cát), cũng như làm khu công nghiệp, du lịch gây nhiều bức xúc cho người dân.

Phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển bền vững: Thách thức và cơ hội

Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển với lợi thế 3.200km bờ biển trải dài tại 28 tỉnh, thành ven biển. Xác định lợi thế đó, Đảng, Nhà nước ta đã có Chiến lược phát triển kinh tế biển theo hướng đưa Việt Nam trở thành một quốc gia biển, mạnh về biển và làm giàu từ biển. Trong Chiến lược đó, ngành thủy sản đóng vai trò rất quan trọng.

Phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển bền vững: Thách thức và cơ hội - Ảnh 2.

Ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng Cục thủy sản.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng Cục thủy sản chia sẻ:

Nghị quyết Trung ương số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chính phủ có Nghị quyết nghị định 26. Rồi Bộ NNPTNT cũng có kế hoạch triển khai và lần đầu tiên chúng ta có kế hoạch giảm số lượng tàu cá, giảm sản lượng khai thác và tập trung phát huy tiềm năng lợi thế về nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là thủy sản ven biển.

Chúng ta có bờ biển rất dài và có rất nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển, chính vì thế Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển trong Quyết định số 1664 và ở đây chúng ta đặt ra mục tiêu khai thác tiềm năng lợi thế của khu vực ven biển và phát triển nuôi xa bờ. Với mục tiêu mong muốn đến 2025 xuất khẩu thủy sản gần 1 tỷ USD và đến 2030 1,4 triệu tấn thủy sản từ phát triển nuôi biển đóng góp vào tổng sản lượng thủy sản và bù đắp lại sản lượng khau thác với mục tiêu bảo vệ biển bảo vệ đại dương. Và mong muốn kinh tế biển đóng góp từ 1,8 đến 2 tỷ USD giá trị xuất khẩu vào năm 2030.

Vừa qua khi triển khai Quyết định số 1664, Bộ NNPTNT và các địa phương, đặc biệt là 4 tỉnh Quảng Ninh, Phú Yên, Khánh Hòa, Kiên Giang tổ chức lại nuôi trồng thủy sản ven bờ để phù hợp với môi trường, điều kiện sinh thái, đặc biệt là chuyển đổi nghề và đời sống của bà con ngư dân ven biển trong giai đoạn trước mắt và trong thời gian tới thì ngành thủy sản và các địa phương cùng đồng hành để cụ thể hóa Quyết định số 1664 của Chính phủ. nghề nuôi biển rất quan trọng nhất là nuôi biển ven bờ.

Để nghề nuôi biển đạt hiệu quả cao, chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến con giống. Trong thời gian vừa qua, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã tổ chức triển làm nhiều mô hình trình diễn tại các tỉnh phía Bắc và các tỉnh phía Nam như ở Trà Vinh... đạt hiệu quả kinh tế rất cao.

Chúng tôi cũng khuyến cáo người nuôi biển phải tổ chức lại sản xuất và xây dựng lại vùng nuôi cho phù hợp hơn.

Trong giai đoạn 2023-2025, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các đơn vị liên quan đã tham mưu cho Bộ NNPTNT để triển khai các mô hình, dự án để nâng cao giá trị cho các vùng nuôi biển giúp người dân tăng thu nhập và bền vững hơn.

Phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển bền vững là vô cùng quan trọng

Trong ngành thủy sản có 2 lĩnh vực là nuôi trồng và đánh bắt. Song gần đây, do trữ lượng khai thác ngày càng giảm nên tại nhiều địa phương, bà con ngư dân đã chuyển sang hình thức nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao với tổng sản lượng nuôi trồng năm 2021 đạt 4,8 triệu tấn (vượt cả sản lượng khai thác).

Phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển bền vững: Thách thức và cơ hội - Ảnh 3.

Khai thác và đánh bắt cá ven biển.

Cũng tham dự tại tọa đàm, ông Phạm Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam cũng nhận định: Như chúng ta đã biết thủy sản hiện có hai mảng chính là khai thác và nuôi trồng, trên thế giới nhiều năm nay sản lượng khai thác cũng rất hạn chế do đó phải luôn luôn chú trọng đến nuôi trồng thủy sản. Những năm gần đây, ngành thủy sản đã đề ra mục tiêu giảm khai thác ồ ạt để tâp trung và khai thác bền vững.

Phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển bền vững: Thách thức và cơ hội - Ảnh 4.

Ông Phạm Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam.

Còn vì sao nuôi trồng quan trọng, bởi nó gắn với sinh kế của bà con, đặc biệt là những ngư dân sống ven biển; tiềm năng để nuôi trồng thủy sản của chúng ta rất lớn. Trong bối cảnh biến đối khí hậu càng phức tạp thì tiềm năng nuôi trồng thủy sản càng có nhiều cơ hội để phát triển tốt hơn, bền vững hơn. Chưa kể về mặt thị trường thì các loại thủy sản ven biển có giá trị kinh tế cao và được được thị trường ưa chuộng hơn, cung luôn không đáp ứng đủ cầu… Vì những lý do trên mà chúng ta cần coi việc nuôi trồng thủy sản là mục tiêu then chốt để phát triển ngành thủy sản một cách bền vững.

Hiện nay, nghề nuôi biển cũng đối mặt với nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, sự bấp bênh của giá cả thị trường. Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản nhận định:

1. Về lĩnh vực sản xuất giống, nếu như trước đây chúng ta phụ thuộc nhiều vào nguồn giống tự nhiên thì đến nay một số giống nhuyễn thể, đặc biệt như ngao, chúng ta cơ bản chủ động được nguồn giống. Các viện nghiên cứu đều được đầu tư, hoàn thiện và hướng dẫn chuyển giao công nghệ nuôi cho các trại tư nhân tương đối tốt. Tuy nhiên có 1 bài toán ngược lại, đó là khi chúng làm giống tốt rồi nhưng việc tuân theo quy trình, kỹ thuật, hướng dẫn nuôi rất kém.

2. Bà con nông dân thay vì cứ nhân mật độ ra sản lượng mà quên mất khuyến cáo của các cơ quan chăn nuôi. Kể cả lĩnh vực quan trọng môi trường, tuân thủ theo quy trình hướng dẫn kỹ thuật nuôi chưa chặt chẽ. Giữa người nuôi và cơ quan quản lý chưa gặp nhau.

3. Chúng tôi lưu ý, đối với nuôi biển có rất nhiều đối tượng nuôi biển, đơn cử như nuôi tảo không sử dụng thức ăn, nhưng hàu, tu hài… cần có quy trình công nghệ nuôi. Đối vơi đối tượng nuôi cá có quy trình nuôi khác nhau. Mỗi đối tượng nuôi biển có quy trình nuôi đặc thù riêng nhau, vì thế cần nắm rõ quy trình nuôi.

Phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển bền vững: Thách thức và cơ hội - Ảnh 5.

Các khách mời tham dự tại tọa đàm.

Việc quy định ở mặt nước giao tọa độ, phát triển khá tự do, và các vùng ven biển. Hiện đất ngao, đất hàu có khi còn “nóng” hơn cả đất ở thành phố. Trong Quyết định số 1664 chúng tôi khuyến cáo rất rõ các khu vực nuôi ven bờ phải rà soát lại vì quá tải rồi, một mặt chúng ta đẩy trang trại lên nhiều, mật độ dày, môi trường ô nhiễm, đế một lúc nào đó sức tải của môi trường không chịu được, không xử lý được tại chỗ và tiềm tàng nguy cơ bà con bị mất trắng. Vì vậy trong chiến lược của chúng tôi là rà soát lại và giao mặt nước theo Luật Thủy sản để chúng ta cấp mã số cho bà con. Chúng tôi mong muốn mở rộng trang trại nuôi biển xa bờ, có những tập đoàn lớn, doanh nghiệp lớn đầu tư, khai thác như các nước đang làm.

Chúng ta quy hoạch, giao mặt nước cho các hộ, tránh trường hợp thấy năm nay lời thì năm sau lại tự động mở rộng hơn. Quy định hướng dẫn rất rõ, hầu như mọi người khi quản lý, quy hoạch đều ngại va chạm với bà con. “Đều sợ năm nay bà con làm được nhỡ ngăn cản sang năm bà con đổi do cán bộ không làm giàu được. Người dân phải hiểu được cơ quan chức năng khuyến cáo thì cũng chỉ mong muốn bà con sản xuất ổn định, lúc giá tăng, lúc giá giảm”.

Hiện nay chúng ta cần đặc biệt quan tâm tới vùng từ 3 hải lí trở vào bờ, vì liên quan mật thiết tới đời sống của bà con. Chúng ta đã có quy định nhưng hầu như vẫn làm tự phát. 

Tôi mới làm việc ở Sông Cầu (Phú Yên) mấy ngày trước, đây nổi tiếng là nơi nuôi tôm hùm rất tốt. Nhưng bà con vẫn làm cảm tính lắm. Nếu năm nay tôm hùm bán giá cao, tích luỹ được đồng nào bà con lại mở rộng lồng nuôi chừng đó. 

Đến nỗi có thời điểm mặt nước ở khu vực này không còn chỗ trống, hệ quả là lại xảy ra tình trạng tôm chết vì dịch bệnh, vì môi trường bị ô nhiễm. Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng địa phương cần có giải pháp phân ô, giao cho các hộ nuôi tôm hùm với một định mức cụ thể, quy hoạch bài bản hơn. Hạn chế chung mà nhiều địa phương gặp phải hiện nay là chưa nhìn được giá trị tổng thể. 

Tôi có dịp đến thăm các trang trại nuôi cá biển ở Khánh Hoà, nhìn trên màn hình camera, các lồng cá nuôi không khác gì thuỷ cung, rất đẹp. Tại sao chúng ta không thể đầu tư phát triển thêm các mô hình nuôi như vậy, để kết hợp với du lịch, tăng thu nhập cho bà con nông ngư dân? Hay như làng cá ở Mũi Né, Ninh Thuận, bà con đã biết cách kết nối nghề cá với du lịch cộng đồng rất tốt, qua đó bà con nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế địa phương.

Để Việt Nam trở thành quốc gia biển, mạnh về biển và làm giàu từ biển - Ảnh 7.

Một góc trang trại nuôi cá biển quy mô công nghiệp của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I tại vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa

Đặc biệt, hiện có rất nhiều mô hình tổ chức lại thành sản phẩm OCOP, chúng ta có thể tự sơ chế, chế biến và đến giờ đã cso nhiều mô hình đã thành công.

Trong một khu vực đã có sự phân công nhất định, ai làm khâu sản xuất, ai sơ chế, chế biến, ai lo khâu thị trường... đối với các nông dân liên kết, song hành với các doanh nghiệp.

Trong khâu sơ chế, chế biến thủy sản, chúng tôi rất mong có các doanh nghiệp, tập đoàn có tiềm lực để đầu tư xứng tầm vào lĩnh vực này. Vì việc đầu tư cho các trang trại ngoài khơi đầu tư lớn, sản lượng... Chúng biết, sản phẩm từ biển có nhiều tiềm năng, ngoài vấn đề thực phẩm, còn có thể làm dược phẩm...

Để đầu tư và kéo dài chuỗi thì cần có điều tiết sản xuất, đầu tư lớn về công nghệ, thị trường thì mới bền vững và hiệu quả được... Nếu chúng ta đầu tư, chọn nuôi các đối tượng mà chưa biết bán ở đâu thì sẽ dễ bị rủi ro trong giai đoạn hiện nay. Chúng ta đừng nói nhu cầu tiêu dùng thủy sản của thế giới tăng nhưng chúng ta không có thông tin cụ thể về thị trường thì rất khó thành công được.

Khi chúng ta sản xuất theo quy hoạch và đầu tư bài bản, nghiên cứu kỹ thị trường, nhu cầu, thị hiếu của khách hàng thì khả năng cạnh tranh mới có.

Giải bài toán nuôi trồng thủy sản tự phát?

Câu chuyện để xảy ra những vùng nuôi trồng phát triển tự phát, gây ô nhiễm môi trường chúng ta đã nói đến rất nhiều, nhưng vì sao vẫn tái diễn? Được biết, phía Trung tâm Khuyến nông quốc gia cũng đã và đang triển khai xây dựng nhiều mô hình nuôi trồng thuỷ sản ven biển, vậy trong quá trình thực hiện có đưa ra khuyến cáo cho bà con hay không?

Chia sẻ về vấn đề này, ông Đặng Xuân Trường - Trưởng phòng Khuyến ngư (Trung tâm Khuyến nông quốc gia) cho biết: Tình trạng nuôi trồng thuỷ sản tự phát xảy ra khá phổ biến do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có cả do quy hoạch, do trình độ kỹ thuật nuôi trồng của bà con còn hạn chế, do môi trường... Rất nhiều yếu tố tác động đến kết quả nuôi ngao cũng như nuôi thuỷ sản ven bờ của bà con.

Phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển bền vững: Thách thức và cơ hội - Ảnh 6.

Ông Đặng Xuân Trường - Trưởng phòng Khuyến ngư (Trung tâm Khuyến nông quốc gia)

Về phía ngành Khuyến nông, chúng tôi luôn khuyến cáo bà con tuân thủ quy trình kỹ thuật. Tất cả các dự án, mô hình đã và đang triển khai cũng phải được các cấp ngành địa phương đồng ý, chấp thuận chủ trương và quy trình kỹ thuật thì mới triển khai, chuyển giao mô hình cho nông dân.

Kết quả các mô hình cho thấy, để đảm bảo hiệu quả kinh tế bền vững, bà con cần đảm bảo mật độ nuôi, tuân thủ khâu xử lý môi trường nước, đảm bảo không ảnh hưởng môi trường xung quanh.

Để thực hiện Đề án phát triển nuôi biển bền vững sắp tới, phía Trung tâm Khuyến nông quốc gia sẽ tập trung xây dựng mô hình điểm, đề án để phục vụ Chương trình quốc gia mỗi xã 1 sản phẩm. Các mô hình sẽ không chỉ hướng tới hiệu quả, mà còn hỗ trợ bà con xây dựng nhãn mác sản phẩm, bao bì, kết nối tiêu thụ, giúp bà con yên tâm sản xuất, tránh phát triển quá đà sẽ làm phá vỡ quy hoạch và ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển bền vững: Thách thức và cơ hội - Ảnh 7.

Nuôi ngao ven biển.

Đánh giá về thực trạng quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản của các địa phương hiện nay, làm thế nào để bà con yên tâm sử dụng mặt nước nuôi trồng lâu dài, ông Trần Thế Anh - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH XTVN bày tỏ:

Thời gian vừa qua, chúng tôi đã cộng tác với nhiều bà con ở Hải Phòng, Nam Định trong việc tư vấn nuôi ngao, nuôi cá. Thực thế chúng tôi nhận thấy, trong quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản đang tồn tại nhiều vướng mắc.

Cụ thể, quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản đã được các địa phương xây dựng trước năm 2020, quy hoạch này đến năm 2030. Nhưng năm 2021 lại đặt ra vấn đề tăng cường phát triển lĩnh vực công nghiệp, dẫn đến nhiều nơi điều chỉnh quy hoạch phát triển nuôi trồng thuỷ sản để tạo điều kiện cho ngành nghề khác sử dụng quỹ đất liên quan nuôi thuỷ sản. Việc này đột ngột, dẫn đến giảm diện tích nuôi trồng, mất sinh kế của người nông dân.

Phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển bền vững: Thách thức và cơ hội - Ảnh 8.

Ông Trần Thế Anh - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH XTVN.

Câu chuyện là chúng ta đặt ra vấn đề quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản, nhưng lại không giao quyền sử dụng cho dân, hoặc công nhận quyền sở hữu mặt nước, đặc biệt là những bà con nuôi cá có sử dụng đất nhưng hợp đồng rất ngắn hạn, chỉ 1 năm một, Vậy có đúng với chủ trương hay không?

Trung ương thì có kế hoạch phát triển bền vững, còn địa phương thì chỉ giao ngắn hạn, vậy có hợp lí không? Các cơ quan quản lý, chuyên môn có ý kiến thế nào để có kế hoạch bảo vệ diện tích nuôi trồng thuỷ sản của bà con hay không?

Cũng tại tọa đàm, ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhận định thêm: Chúng ta quy định giao đất, bà con có thể thế chấp ngân hàng vay vốn. Nhưng bây giờ không giao đất, thì thuộc thẩm quyền của địa phương.

Khi bà con được giao quyền sử dụng mặt nước thì bà con có các quyền sử dụng theo quy định của Luật thuỷ sản. Còn nếu chỉ giao theo kiểu trao tay với nhau thì sẽ dẫn đến những bất cập trong nuôi trồng thuỷ sản cũng như đảm bảo quyền lợi của nông dân.

Giảm nguy cơ biến đổi kết cấu đáy biển, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường biển

Mới đây, trong một cuộc hội thảo do Bộ NNPTNT tổ chức, đại diện Công ty Lenger, công ty xuất khẩu ngao sang châu Âu bày tỏ lo ngại môi trường vùng nuôi đang bị ô nhiễm, xâm lấn. Để hình thành được các khu NTTS tiềm năng ven biển, người dân thường phải mất nhiều năm để khai hoang, xây dựng và tạo nên các khu NTTS có hiệu quả. Hiện nay, nhiều địa phương tiến hành cho khai thác cát, làm khu công nghiệp sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về biến đổi kết cấu đáy biển, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường biển?

Phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển bền vững: Thách thức và cơ hội - Ảnh 9.

Ông Vũ Trí Tuân - Hội trưởng Hội nuôi ngao Kiến Thụy (Hải Phòng)

Ông Vũ Trí Tuân - Hội trưởng Hội nuôi ngao Kiến Thụy (Hải Phòng) cho biết, tôi đại diện hội nuôi ngao ở Hải Phòng, là tỉnh ven biển có nhiều hồ, vùng nước sâu, nông thuận lợi cho nuôi cá, ngao, tôm...

Hiện Hải Phòng có 2 vùng nuôi ngao lớn là cát hải và Đồ Sơn.

Người dân tham gia nuôi nhuyễn thể từ 2009, được các cơ quan chức năng đã hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuận nên thời gian đầu làm ăn thuận lợi. Tuy nhiên từ 2014 đến nay, UBND thành phố Hải Phòng không lấy ý kiến của bà con mà tự ý cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Từ đó các vùng nuôi ngao của chúng tôi bị chết hàng loạt.

Phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển bền vững: Thách thức và cơ hội - Ảnh 10.

Việc nuôi ngao ven biển, nơi cửa sông Văn Úc, Kiến Thụy, Hải Phòng.

Trong thời gian vừa qua, chúng tôi thấy các cấp có thuẩn quyền thông tin là đã lắp đặt các thiết bị quan trắc môi trường nhưng đến nay chúng tôi chưa nhận thấy có các thiết bị và các thông tin quan trắc môi trường.

Khi xảy ra tình trạng ngao chết hàng loạt thì các cấp chính quyền lại cho rằng ngao chết do thời tiết bất thường, không liên quan đến tình trạng xả thải từ các tàu nạo hút cát khiến bà con rất bức xúc. Chúng tôi gửi đơn đi khắp nơi từ địa phương đến Trung ương nhưng đến nay chưa có câu trả lời thỏa đáng. Hiện, việc nạo hút cát vẫn diễn ra triền miên nhưng chưa bị xử lý triệt để khiến bà con rất bức xúc.

Phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển bền vững: Thách thức và cơ hội - Ảnh 12.

Ông Trần Thế Anh - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH XTVN.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Phạm Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam cũng nhận định:

Cùng với sự phát triển của nghề nuôi trồng thuỷ sản ven biển, công tác quan trắc cảnh báo môi trường vùng nuôi thủy sản để phục vụ sản xuất cũng đã được chú trọng. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập…

Nguồn kinh phí thực hiện chương trình không nhiều nên mẫu kiểm tra được ngành chức năng thực hiện còn ít, các chỉ tiêu mới chỉ dừng lại ở các thông số thông thường, chưa đánh giá được tổng thể các yếu tố trong môi trường nước.

Tại các địa phương cũng có các hoạt động quan trắc môi trường, tuy nhiên hiện nay, nguồn kinh phí thực hiện hoạt động có hạn nên chưa đáp ứng đầy đủ thực tiễn sản xuất.

Các địa phương, ngoại trừ các tỉnh có kinh phí quan trắc lớn được đầu tư đầy đủ trang thiết bị, còn lại đa số các địa phương khác trang bị rất thiếu và nghèo nàn, không đảm bảo cho hoạt động quan trắc diễn ra thường xuyên, đồng bộ và đầy đủ. Mạng lưới quan trắc môi trường còn thiếu cơ chế hợp tác rõ ràng giữa các bên tham gia trong việc lập kế hoạch, tổ chức quan trắc, xử lý số liệu và chia sẻ thông tin...

Phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển bền vững: Thách thức và cơ hội - Ảnh 11.

Đoàn công tác của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thăm quan mô hình nuôi cá bớp của các ngư dân xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa. Ảnh: C.T

Hiện, tổng cục thuỷ sản có 1 trang web cập nhật các thông tin về quan trắc môi trường anh có thể tham khảo, bà con có thể tham khảo. Theo tôi, về hoạt động quan trắc môi trường Nhà nước làm 1 phần, và các trang trại của mình cũng phải tham gia vào. Có thể yếu tố phức tạp hộ nuôi không làm được, nhưng hoạt động quan trắc đơn giản phải làm được để giám sát trực tiếp trang trại của mình đồng thời cung cấp thêm nguồn tư liệu cho hệ thống quan trắc.

Nuôi thuỷ sản ven biển, đặc biệt nuôi nhuyễn thể chịu ảnh hưởng chi phối của môi trường bên ngoài rất nhiều. Chính vì vậy các cơ sở nuôi nếu không có điều kiện giám sát liên tục sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn. Để mang lại hiệu quả, chúng tôi khuyến các các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản cần chủ động các biện pháp kỹ thuật, đặc biệt là khi yếu tố môi trường thay đổi.

Đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm thủy sản Việt Nam

Tham gia buổi tọa đàm hôm nay có đại diện của các cơ quan báo chí, phóng viên An Hiền - Báo Pháp luật TPHCM có hỏi: Số lượng các sản phẩm thủy sản của nước ta đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ có cao không, so với các nông sản khác của ngành nông nghiệp thì thế nào? Việc bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm thủy sản ở nước ta có ý nghĩa thế nào trong phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững? Quá trình bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm thủy sản gặp những khó khăn, thách thức như thế nào? Có tình trạng xâm phạm sở hữu trí tuệ hay không?

Phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển bền vững: Thách thức và cơ hội - Ảnh 14.

Ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản trả lời: Tất cả các công trình nghiên cứu khoa học hiện nay hầu như phục vụ đại chúng. Chỉ có kết quả mới công nhận tiến bộ kỹ thuật làm căn cứ cho khuyến nông phục vụ chuyển giao xây dựng mô hình.

Số lượng công nhận sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực thuỷ sản hiện nay rất khiêm tốn, phần lớn chỉ là đăng kí quy trình kỹ thuật. Thực tế là hiện nay chúng ta sử dụng ngân sách làm nghiên cứu nên chỉ mong muốn chuyển giao rộng rãi cho nông dân, doanh nghiệp sử dụng tốt nhất, nhanh nhất. Còn các nước phát triển, việc đăng kí, công nhận sở hữu trí tuệ thường phổ biến hơn.

Mới đây, khi họp với Bộ trưởng Bộ NNPTNT bàn về kinh tế xanh, tăng trưởng tuần hoàn, mong muốn chính vẫn là nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới. Việc đăng kí sở hữu trí tuệ là rất thấp.

Với sự gợi ý của phóng viên, có thể trong thời gian tới, với cơ chế công tư, sự đặt hàng của doanh nghiệp thì chúng ta sẽ quan tâm tới lĩnh vực sở hữu trí tuệ hơn.

Phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển bền vững: Thách thức và cơ hội - Ảnh 12.

Nhờ bén duyên với cá bống bớp anh Nguyễn Văn Sơn đã có trong tay nhiều tỷ đồng

Có mặt tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Sơn - Nông dân nuôi cá bống bớp ở Nghĩa Hưng, Nam Định chia sẻ:

Nghĩa Hưng quê tôi có tiềm năng phát triển cá bống bớp – loại cá có thể chưa quen thuộc với nhiều người nhưng là loại có giá trị dinh dưỡng cao, mang lại lợi ích kinh tế lớn. Trung bình sản lượng mỗi năm của chúng tôi đạt 2.000 tấn/ năm, giá xuất sang Trung Quốc là 320.000 đồng/kg, với mỗi ha nuôi cá bống bớp, nông dân lãi 400-500 triệu đồng/năm là bình thường. Chưa kể loại cá này rất được thị trường ưa chuộng, việc xuất bán sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu nghạch thôi chúng tôi cũng đã thực hiện từ 25 năm nay rồi.

Và đặc biệt, loại các này chỉ phát triển tốt nhất ở vùng Nghĩa Hưng, Nam Định; chúng tôi cũng đã thử mang sang các tỉnh lân cận như Thái Bình nuôi nhưng đều không đạt. Do đó, tôi đánh giá đây là sản phẩm đặc trưng của vùng đất Nghĩa Hưng, cần được quan tâm phát triển đúng với tiềm năng, giá trị của loại cá này.

Phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển bền vững: Thách thức và cơ hội - Ảnh 16.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Nông dân nuôi cá bống bớp ở Nghĩa Hưng, Nam Định.

Chính vì vậy, tôi có một số kiến nghị, thứ nhất là về phát triển và quy hoạch vùng nuôi. Nông dân chúng tôi mong muốn sớm có vùng nuôi được đầu tư bài bản, lâu dài để bà con yên tâm sản xuất.

Thứ hai là vấn đề con giống, chúng tôi rất mong muốn các cơ quan chức năng, các nhà khoa học hỗ trợ vấn đề con giống chất lượng cao để chúng tôi yên tâm phát triển. Hiện tỷ lệ nhân giống tự phát trong dân chỉ đạt khoảng 30%, nhưng tôi tin nếu có sự vào cuộc của các nhà khoa học, đảm bảo các yếu tố kỹ thuật thì hiệu quả con giống có thể đạt tới 50-60%.

Trả lời vấn đề này, ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng Cục thủy sản nhấn mạnh: Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình bảo tổn, nuôi và phát triển cá bống bớp sẽ sớm được giải quyết. Tổng cục Thủy sản sẽ cùng Sở NNPTNT Nam Định rà soát lại quy hoạch và những vấn đề tồn tại để hỗ trợ bà con sớm nhất, tốt nhất. Tổng cục cũng đã giao cho Viện Nghiên cứu thủy hải sản nghiên cứu sản xuất giống cá bống bớp bắt đầu từ năm nay.

Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là vấn đề tổ chức sản xuất như thế nào, có bài bản, quy củ hay không? Muốn phát triển ổn định và chuyên nghiệp chúng ta đã có mã số, truy xuất nguồn gốc chưa? Tỉnh đã có quy hoạch cụ thể chưa? Việc tổ chức sản xuất và xây dựng thương hiệu như thế nào?... Trả lời được những câu hỏi trên thì tôi tin con cá bống bớp sẽ sớm trở thành sản phẩm đặc thù và bền vững ở Nghĩa Hưng, Nam Định.

Phát biểu kết luận buổi tọa đàm,  ông Trần Đình Luân: Năm 2022, Bộ NNPTNT kì vọng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt khoảng 9 tỷ USD. Nếu chúng ta tranh thủ cơ hội về thị trường tốt hơn nữa thì con số đó có thể tự tin đạt được. Tuy nhiên, thị trường trong nước cũng như bức tranh thế giới đang diễn biến phức tạp, khó lường. Chúng ta kì vọng đạt được giá trị mới trong xuất khẩu thuỷ sản.

Việc khai thác tiềm năng, lợi thế ven biển của nước ta rất quan trọng, nhưng song hành là khó khăn, thách thức, rủi ro, đặc biệt là vùng biển nước ta có rất nhiều bão tố, môi trường, rồi những nguyên nhân khách quan khác.

Tuy nhiên, muốn phát triển phải ngồi lại với nhau bàn thảo, công khai thông tin minh bạch. Chúng ta khai thác tiềm năng lợi thế để đóng góp đời sống cộng đồng bà con ngư dân ven biển, đóng góp cho đất nước, làm sao có tiếng nói chung, đồng thuận giữa bà con với chính quyền địa phương, đạt được sự đồng thuận khi Chính phủ phê duyệt đề án phát triển nuôi trồng thuỷ sản nước ta.

 








Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem