Thứ bảy, 20/04/2024

Để hiểu thêm về một câu ca dao

12/10/2021 7:00 PM (GMT+7)

“Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Ðiền, Anh thương em thì cho bạc cho tiền, Ðừng cho lúa gạo xóm giềng cười chê”

Đây là câu ca dao vô cùng quen thuộc với người dân Cần Thơ nói riêng, người dân ÐBSCL nói chung. Thế nhưng xung quanh câu ca dao này lại tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau. Bài viết này xin góp nhặt ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, nhằm giúp độc giả hiểu thêm về câu ca dao tuy không đề cập đến địa danh Cần Thơ, nhưng ca ngợi Cần Thơ trù phú, trữ tình.

Để hiểu thêm về một câu ca dao - Ảnh 1.

Vì căn cứ vào nghĩa đen của câu ca dao mà có ý kiến cho rằng cuộc sống kim tiền đã len lỏi vào cả tình yêu. “Khi người Pháp tổ chức khai thác thuộc địa thì nền kinh tế nông nghiệp được đa dạng hóa. Xu hướng đô thị hóa được đẩy mạnh, hoạt động mua bán trở nên tấp nập hơn trên các dòng sông, một xã hội tiêu dùng được hình thành. Cơ chế thị trường với đặc trưng là uy lực của đồng tiền bắt đầu tác động ngày càng sâu rộng đến các mối quan hệ trong gia đình và ngoài xã hội... Từ cuối thế kỷ XIX, đồng bạc Ðông Dương có mặt ở khắp nơi, tiếp tục chi phối sâu sắc mối quan hệ giữa con người với con người, không loại trừ cả tình yêu đôi lứa:

Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Ðiền

Anh có thương em thì cho bạc, cho tiền

Ðừng cho lúa gạo, xóm giềng cười chê”(1).

Ðây là cách hiểu thứ nhất. Bên cạnh đó, câu ca dao này còn có một bản khác:

“Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Ðiền,

Anh thương em thì đừng cho bạc, cho tiền,

Cho nhơn, cho nghĩa, kẻo xóm giềng cười chê”

Ở đây chúng ta thấy, bản 1 và bản 2 có sự mâu thuẫn với nhau. Ở bản 2, cô gái nói với chàng trai rằng: “có thương em thì anh cho nhơn, cho nghĩa chứ đừng cho bạc cho tiền, xóm giềng sẽ cười chê”. Còn ở bản 1, cô gái nói với chàng trai rằng: “có thương em thì anh nên cho bạc, cho tiền chớ đừng cho lúa gạo xóm giềng sẽ cười chê”.

Tác giả Trần Văn Nam trong bài viết “Ðôi nét về quê hương, con người Cần Thơ qua ca dao” nghi ngờ bản đầu tiên đã bị ai đó sửa lời: “Ðể kết thúc, xin được dẫn một bài ca dao dù không đề cập đến địa danh Cần Thơ nhưng vẫn là nét chân tình của người Cần Thơ:

Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Ðiền,

Anh thương em thì đừng cho bạc, cho tiền,

Cho nhơn, cho nghĩa, kẻo xóm giềng cười chê.

Chúng tôi ngờ rằng bài ca dao trên đã bị ai đó sửa lời vì trong dân gian lời sau đây phổ biến hơn, được nhiều người nhớ hơn:

Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Ðiền,

Anh thương em thì cho bạc cho tiền,

Ðừng cho lúa gạo xóm giềng cười chê.

Để hiểu thêm về một câu ca dao - Ảnh 2.

Cô gái trong bài ca dao sau chân thật hơn, trân trọng sự giúp đỡ của chàng trai. Không phải vì cô hám lợi mà vì cô không nỡ từ chối sự quan tâm chân thành của người mình yêu, vì khi yêu người Nam Bộ sẽ sống hết mình, kiểu: “Dao phay kề cổ máu đổ không màng. Chết tôi tôi chịu, buông nàng không buông”; nhưng mặt khác, cô muốn sự việc đừng diễn ra một cách thô kệch trước búa rìu dư luận”(2). Ðây cũng là cách hiểu thứ hai.

Theo chúng tôi, vấn đề cần đặt ra ở đây là, tại sao cho lúa gạo xóm giềng lại cười chê? Phải chăng ý cô gái muốn nói với chàng trai rằng: Xứ em chẳng những có nhiều lúa gạo mà gạo ở đây còn trắng, còn ngon nữa kìa: "Cần Thơ gạo trắng nước trong/ Ai đi đến đó lòng không muốn về”. Cho nên anh cho gạo em cũng như anh chở củi về rừng vậy. Xóm giềng sẽ cười chê anh là: Anh yêu em mà không hiểu em, không hiểu gì về quê xứ em.

Bởi vì chúng ta thấy rằng từ năm 1868, khi Pháp đã chiếm ba tỉnh miền Tây Nam kỳ thì Cần Thơ là vùng trọng điểm để đẩy mạnh chính sách khai thác nông nghiệp cũng như làm điểm giao thương. Ðó là do Cần Thơ có hệ thống sông ngòi chằng chịt, khí hậu ôn hòa, nằm ở vị trí trung tâm của khu vực ÐBSCL. Cụ thể có dẫn chứng sau: “Ðể khai thác vùng đất Cần Thơ màu mỡ này, từ năm 1890-1929, thực dân Pháp đã xúc tiến đào các con kênh quan trọng trong phạm vi tỉnh Cần Thơ và có liên quan đến các tỉnh trong vùng như kinh xáng Ô Môn, kinh Xà No, Lái Hiếu, Xẻo Vong, Cái Sắn, Nàng Mau... Trong 2 thập niên đầu của thế kỷ 20, Pháp đã đào được 350km kinh nằm trong địa phận tỉnh Cần Thơ... Do có kinh đào, nước ngọt phù sa từ sông Hậu đưa vào, tưới mát ruộng đồng, xổ phèn, công cuộc khai khẩn ruộng đất ngày càng nhanh, việc đi lại mua bán giao lưu tấp nập, sinh khí nông thôn Cần Thơ ngày càng nhộn nhịp hơn... 

Công cuộc khai hoang và phát triển sản xuất nông nghiệp thúc đẩy sự ra đời các cơ sở công nghiệp, chế biến nông sản và các ngành thương mại dịch vụ khác. Từ năm 1941, các nhà tư sản người Pháp, người Hoa xây nhiều nhà máy xây xát, lập chành lúa thu mua chế biến gạo xuất khẩu. Thị trấn Cái Răng và các vùng phụ cận trở thành kho tồn trữ chế biến cho các tỉnh miền Tây. Việc khai khẩn đất sản xuất nông nghiệp không ngừng mở rộng. Từ năm 1908 đến năm 1945 đất trồng lúa của tỉnh Cần Thơ đạt từ 165.000 đến 189.000ha hằng năm. Trong 5 năm (1901-1906) sản lượng lúa bình quân của tỉnh đạt 116.000 tấn, đứng đầu trong khu vực, năng suất bình quân từ 1,2 tấn-1,3 tấn/ha”(3). Ngoài ra: “Tại Cần Thơ, có một nhà máy xay của ông CAO VAN HUNG, trong tương lai sẽ mở rộng quy mô, hiện nay xay được mỗi năm 1.500 tấn gạo trắng”(4).

Để hiểu thêm về một câu ca dao - Ảnh 3.

Với những cứ liệu vừa dẫn, cho phép chúng ta đoán định rằng, câu ca dao trên là nhằm ca ngợi lúa gạo ở Cần Thơ phong phú và thơm ngon. Như vậy, câu ca dao trên chưa hẳn là câu ca dao về tình yêu đôi lứa, mà có thể là bài ca dao ca ngợi quê hương Cần Thơ mà thôi.

Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu một cách hiểu khác của nhà nghiên cứu Nhâm Hùng khi nói về bài ca dao này:

“Người miền Tây đi xa nhớ nhà, du khách có dịp đi ngang qua cửa ngõ Cần Thơ về phía Nam, tránh sao bồi hồi, cảm xúc khi nghe ai đó nhắc tới:

Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Ðiền,

Anh có thương em thì cho bạc cho tiền,

Ðừng cho lúa gạo xóm giềng cười chê

Nội dung câu ca dao vừa nói lên sự sung túc của một vùng đất dọc theo hai bờ rạch Cần Thơ; vừa mang đậm nét trữ tình, như ẩn chứa một điều gì. Có người không đồng ý lắm, khi nghe đến đoạn: “Anh có thương em thì cho bạc cho tiền...”. Cô gái quá ham tiền chăng? Nhất định không phải vậy! Có lẽ, cần có sự lý giải thực tế hơn: thời ấy lúa gạo chở dập dìu trên ghe chài qua kinh xáng Xà No, đến nhà máy xay Cái Răng, chất đầy chành nên không phải là điều hấp dẫn lắm...”(5).

Mặc dù có nhiều cách hiểu về bài ca dao này, nhưng theo thiển ý của chúng tôi thì nội dung bài ca dao không thể nói về việc đồng tiền đã leo lỏi vào tình yêu lứa đôi được. Bởi vì nếu vậy thì câu ca dao sẽ kém duyên và sẽ không tồn tại cho đến ngày nay.


Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Thảm xanh đẹp “hút hồn” tại Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười

Thảm xanh đẹp “hút hồn” tại Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười

Điểm tham quan Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười đã sẵn sàng đón du khách đến trải nghiệm những hoạt động du lịch mang tính thể thao ngoài trời trong kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5.

Nem Ninh Hòa - đặc sản xứ trầm hương

Nem Ninh Hòa - đặc sản xứ trầm hương

Tổ chức Kỷ lục châu Á vừa xác lập 10 kỷ lục châu Á mới về ẩm thực và quà tặng đặc sản Việt Nam theo bộ tiêu chí kỷ lục ẩm thực và đặc sản châu Á năm 2023, trong đó có nem nướng Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

Bánh xèo khổng lồ tại lễ hội bánh dân gian Nam Bộ

Bánh xèo khổng lồ tại lễ hội bánh dân gian Nam Bộ

Tại lễ hội bánh dân gian Nam Bộ năm 2024 đã diễn ra hoạt động đổ chiếc bánh xèo khổng lồ có đường kính kỷ lục 3m. Chiếc bánh do 15 nghệ nhân tham gia thực hiện, theo công thức truyền thống.

Bến Tre và Saigontourist ký kết hợp tác, thúc đẩy phát triển du lịch

Bến Tre và Saigontourist ký kết hợp tác, thúc đẩy phát triển du lịch

Ngày 16/4, tại Bến Tre, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) và UBND tỉnh Bến Tre đã tổ chức Lễ ký kết hợp tác thúc đẩy phát triển du lịch Bến Tre giai đoạn 2024 - 2029.

Đến Hà Nội đừng bỏ lỡ cốc cà phê trứng

Đến Hà Nội đừng bỏ lỡ cốc cà phê trứng

Một cốc cà phê vào buổi sáng là thói quen của CEO Apple Tim Cook. Khi đến Hà Nội, ông đã tranh thủ thưởng thức món cà phê trứng độc đáo. Vậy cà phê trứng độc đáo thế nào?

Hé lộ vở đại nhạc kịch “Chuyến tàu huyền thoại” tại Lễ hội Sông nước TP.HCM 2024

Hé lộ vở đại nhạc kịch “Chuyến tàu huyền thoại” tại Lễ hội Sông nước TP.HCM 2024

Lễ hội Sông nước TP.HCM 2024 kéo dài đến 10 ngày, từ 31/5 đến 9/6. Điểm nhấn của lễ hội Sông nước TP.HCM 2024 là vở đại nhạc kịch “Chuyến tàu huyền thoại” trên sông Sài Gòn.