"Đất rừng phương Nam" phải thẩm định lại, thay tên "Thiên Địa hội" và "Nghĩa Hòa đoàn"

Thủy Vũ Chủ nhật, ngày 15/10/2023 14:34 PM (GMT+7)
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành chia sẻ với Dân Việt, chiều 14/10, Hội đồng thẩm định, phân loại phim và một số cơ quan, đơn vị chức năng đã tiến hành thẩm định lại bộ phim "Đất rừng phương Nam" theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VHTTDL.
Bình luận 0

Sau đó, Cục cũng đã mời nhà sản xuất, đoàn phim Đất rừng phương Nam đối thoại, trao đổi một số nội dung liên quan đến bộ phim.

"Đất rừng phương Nam" phải thẩm định lại bỏ thay tên "Thiên địa hội" và "Nghĩa hòa đoàn" - Ảnh 1.

Đất rừng phương Nam gặp thắc mắc của dư luận khi đưa Thiên địa hội và Nghĩa hòa đoàn vào phim. Ảnh: NSX

Trong phim có những hoạt động và lời thoại nhắc đến Nghĩa Hòa đoàn và Thiên Địa hội là hội nhóm tập hợp bởi một số người dân lao động sinh sống chủ yếu ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Xuyên - hoàn toàn không liên quan đến phong trào cùng tên do Chu Hồng Đăng lãnh đạo ở Trung Quốc. Thiên Địa hội cũng như Nghĩa Hòa đoàn chỉ được những người dân yêu nước ở Nam Kỳ lúc đó mượn tên gọi để hoạt động độc lập ở Việt Nam. Chi tiết trên đã khiến dư luận bất bình trong 2 ngày qua và bàn luận sôi nổi trên mạng xã hội. 

Ông Thành cho biết, trước đó, ngày 29/9/2023, Hội đồng thẩm định, phân loại phim truyện, phim kết hợp nhiều loại hình đã thẩm định, phân loại phim Đất rừng phương Nam do Công ty Cổ phần phim Thiên Ngân trình thẩm định.

100% thành viên Hội đồng thống nhất kết luận, phim không vi phạm Luật Điện ảnh và cho phép bộ phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ.

Tuy nhiên, trước một số thông tin mang tính liên tưởng, Cục trưởng Vi Kiến Thành cho PV Dân Việt biết, trong cuộc họp và đối thoại chiều 14/10, đại diện nhà sản xuất đã chủ động đề xuất phương án chỉnh sửa phim, theo đó, sẽ bỏ tên và lời thoại "Thiên địa hội" và "Nghĩa hòa đoàn", thay bằng tên gọi khác không liên quan đến hội nhóm của nước ngoài.

Phía đoàn phim cũng cho biết, nhằm hoàn thiện và đem đến trải nghiệm tốt nhất cho người xem về bộ phim Đất rừng phương Nam, phần thoại trong phim sẽ chuyển từ Nghĩa Hoà đoàn thành Nam Hoà đoàn và Thiên Địa hội thành Chính Nghĩa hội. Sự thay đổi này nhằm tránh sự liên tưởng đến Thiên Địa hội và Nghĩa Hoà đoàn từ thời nhà Thanh Trung Quốc.

"Đất rừng phương Nam" phải thẩm định lại bỏ thay tên "Thiên địa hội" và "Nghĩa hòa đoàn" - Ảnh 2.

Bộ phim sẽ đổi tên các hội để tránh hiểu lầm. Ảnh: NSX

Bên cạnh đó, điều chỉnh dòng chữ "Bộ phim lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi" lên đầu phim. Sự điều chỉnh này nhằm làm rõ hơn ý đoàn phim về sự thay đổi mốc thời gian trong tác phẩm văn học, theo sát hơn bản phim truyền hình vốn đã để lại dấu ấn trong lòng khán giả.

"Nhà sản xuất, đoàn làm phim sẽ khẩn trương chỉnh sửa nội dung này, tránh những liên tưởng không đúng ảnh hưởng đến nội dung phim. Sau khi chỉnh sửa sẽ trình lên Cục Điện ảnh trước khi ra rạp chính thức từ ngày 20/10", Cục trưởng Vi Kiến Thành cho biết. Đất rừng phương Nam được đánh giá là tác phẩm điện ảnh được xây dựng công phu, với âm hưởng chủ đạo là tinh thần yêu nước, chống phong kiến, đế quốc ở khu vực Nam Bộ. Bộ phim lấy cảm hứng  từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi và tác phẩm truyền hình nổi tiếng Đất phương Nam, sản xuất năm 1997 của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn. Đạo diễn Vinh Sơn cũng là cố vấn cho phim lần này", Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết.

Bộ phim Đất rừng phương Nam kể về hành trình phiêu lưu của An, cậu bé chẳng may mất mẹ trên đường đi tìm cha. Cùng với An, khán giả sẽ trải nghiệm sự trù phú của thiên nhiên và nét đẹp văn hoá đặc sắc của vùng đất Nam Kì Lục Tỉnh, sự hào hiệp của những người nông dân bám đất bám rừng và tinh thần yêu nước, kháng Pháp.

"Phim Đất rừng phương Nam có biên tập tương đồng với phim truyền hình Đất phương Nam, lấy bối cảnh phim từ những năm 1920-1930, trong khi tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi được xác định là năm 1945. Lý do thay đổi vì bộ phim muốn mô tả ở phần một này bé An lưu lạc qua nhiều nơi, nhiều môi trường, nhiều bang hội cũng như nhiều nhóm nghĩa quân khác nhau…", ông Vi Kiến Thành cho biết.

Thông qua đó người xem thấy được miền Nam là nơi có nhiều văn hoá của người bản địa Việt Nam và người Khmer, người Hoa. Một vùng đất hoà hợp có những dân tộc, văn hoá khác nhau cùng khai hoang và gìn giữ, đấu tranh cho vùng đất này.

"Đất rừng phương Nam" phải thẩm định lại bỏ thay tên "Thiên địa hội" và "Nghĩa hòa đoàn" - Ảnh 3.

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành. Ảnh: NVCC

"Đây là phim truyện điện ảnh, với nhân vật hư cấu và không xác định chính xác thời điểm diễn ra câu chuyện. Các yếu tố lịch sử, nhân vật trong tiểu thuyết là cảm hứng để xây dựng nên câu chuyện phim. Bộ phim không đề cao, ca ngợi một hội nhóm nào, chỉ ca ngợi lòng yêu nước chống lại ngoại xâm của người dân Nam Bộ trong thời kỳ đó bao gồm cả người Việt, người Hoa, người Khmer…", Cục trưởng Vi Kiến Thành cho biết.

Giai đoạn 1920-1930, trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, phong trào đấu tranh yêu nước còn tổ chức rời rạc. Sau khi Đảng ra đời, các tổ chức được tập hợp lại và đấu tranh có mục tiêu cụ thể. Định hướng câu chuyện là xây dựng nhân vật Hai Thành - Cha của An cùng hội của ông sẽ là những thành viên gia nhập Việt Minh về sau.

Việc tự phát nổi lên chống ngoại xâm và cường hào ác bá với nhiều lực lượng phe phái có tính chất địa phương, tôn giáo, chủng tộc lẫn những cá nhân đơn lẻ như Võ Tòng, thầy giáo Bảy là tiền đề cho tinh thần kháng chiến chống Pháp sau này. Câu chuyện phim sẽ được phát triển ở những tập tiếp theo để dẫn dắt câu chuyện đến khi các lực lượng yêu nước trong phim tìm được đường lối đấu tranh đúng đắn dẫn đến Cách mạng Tháng Tám.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem