Đam mê của thiếu niên nhi đồng: truyện tranh

Hoàng Ba Đình Thứ hai, ngày 22/11/2021 07:42 AM (GMT+7)
Con nít ai mà không đọc truyện tranh? Huống hồ truyện tranh lại hay như thế. Kể về lịch sử truyện tranh ở Sài Gòn, phải kể từ những năm trước 1975.
Bình luận 0

Trước 1975, người lớn mê mẩn với những chuyện kiếm hiệp kỳ tình của Kim Dung, Cổ Long... thì trẻ con thành thị lại có thú vui với những trang sách truyện tranh của các nước nói tiếng Pháp (Pháp, Bỉ) với những tên tuổi lừng danh hàng mấy chục năm nay như Lucky Luke, Tin Tin, Asterix, Xì trum... 

Mỗi quyển để về được đến Việt Nam giá thành không hề rẻ, nên chỉ có con nhà khá giả mới có thể sở hữu được những quyển truyện ấy.

Đam mê của thiếu niên nhi đồng: truyện tranh - Ảnh 1.

Bạn đọc nhỏ tuổi đang mua truyện tranh trong nhà sách. Ành: H.B.Đ

Ngay cả thời điểm hiện tại, phần lớn những tác giả của các bộ truyện trên đều đã qua đời, nhưng các tác phẩm vẫn tiếp tục làm say mê các thế hệ bạn đọc nhỏ tuổi. Những người có tuổi vẫn nhắc nhau về những quyển truyện trên như một phần của "ký ức vui vẻ" thời tuổi thơ.

Sau 1975, một số gia đình hồi hương, hoặc đi kinh tế mới, trong hành trang của các cô cậu quý tử Sài Gòn mang về thường có cả một túi truyện tranh. Bác Đoàn Truyền (An Giang), vốn từ Sài Gòn về quê hồi 1975 cho biết: "Sau 1975, ba má tôi về quê, tôi cũng theo về cùng. Trong mớ "gia tài" tôi mang theo có một cây violon, kèm theo mớ truyện tranh của Pháp, Bỉ.

Ba má cho tôi ra giữ ruộng, nhưng thấy cảnh đứng giữa ruộng lúa mà kéo đàn violon mấy bài như "Trở về mái nhà xưa", "El condor pasa"... thì thấy không giống ai, như kiểu "đàn gảy tai trâu" ấy. Nên tôi vứt luôn món đàn hát.

Chỉ có mấy cuốn truyện, nhưng chúng tôi truyền tay cho hết tất cả những anh em họ hàng, bạn bè hàng xóm... Đọc đi, đọc lại, hết năm nay qua tháng nọ. Gần như đấy là thú tiêu khiển hiếm hoi của lũ trẻ có được trong hoàn cảnh đất nước khó khăn".

Đến thời đất nước mở cửa, cũng là thời truyện tranh của các nước lân cận ùa vào. Đầu tiên, đó là truyện tranh của Trung Quốc, với các truyện tranh vẽ từ các tiểu thuyết kinh điển hoặc những truyện thần tiên như Tam Quốc Diễn Nghĩa, Đông Chu Liệt Quốc, Na Tra đại náo thủy cung, Bảy anh em hồ lô... đặc biệt đặc sắc với truyện tranh Tây Du Ký.

Đam mê của thiếu niên nhi đồng: truyện tranh - Ảnh 2.

Tủ truyện tranh của chị Thùy An. Ảnh: H.B.Đ

Nhưng đọc mấy loại truyện này, con nít không mê lắm, bởi chưa hiểu được những chuyện đấu tranh chính trị - quân sự phức tạp như Tam quốc hay Đông Chu liệt quốc... Vả lại, tranh vẽ cũng không cuốn hút, chưa phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi. Giờ lật lại, các loại truyện tranh này, chỉ nên gọi là truyện kèm tranh minh họa thì đúng hơn.

Nhưng giai đoạn bùng nổ, phải kể từ lúc Đôrêmon vào Việt Nam, gần như thu hút tất cả từ lớn đến bé. Hầu như ai cũng đọc Đôrêmon, biết đến những Nôbita, Chai en, Xêkô, Xuka..., cùng những bảo bối thần kỳ như: cỗ máy thời gian, chong chóng tre, cánh cửa thần kỳ... 

Truyện ra với những mẫu truyện nho nhỏ như tiểu phẩm, kèm theo đó với những quyển truyện dài... đưa độc giả đến những chuyến phiêu lưu vô cùng thú vị: đến vương quốc chó mèo, phiêu lưu vào lòng đất, đến xứ sở của rô bốt... Ngày Đôrêmon ra tập cuối, cả xã hội đều tiếc nuối như mất một vật gì đáng giá.

Sau thành công ban đầu, truyện tranh Nhật Bản tiếp tục đổ bộ vào Việt Nam. Dòng tít "Truyện tranh hiện đại Nhật Bản"... như một bảo chứng cho chất lượng. Có hai đề tài ưa thích của truyện tranh Nhật Bản.

Thứ nhất đó là đề tài về thể thao, với rất nhiều đầu truyện về thể thao như: Subasa (bóng đá), Tiểu thư nhu đạo (Judo), Đường dẫn đến khung thành (bóng đá), Slam Dunk (bóng rổ), Teppi (kiếm đạo)... Đây nằm trong chính sách quốc gia của Nhật Bản, viết truyện tranh về thể thao, để khuyến khích trẻ em đam mê thể thao... Hỏi sao thể thao Nhật Bản từ cuối thế kỷ 20 đã phát triển mạnh mẽ như thế.

Đam mê của thiếu niên nhi đồng: truyện tranh - Ảnh 3.

Trong Bảy viên ngọc rồng, 2 trang này thường bị học sinh xé nhiều nhất để đồ lại. Ảnh: H.B.Đ

Thứ hai, đó là đề tài về phiêu lưu li kỳ hấp dẫn, trong đó có thể kể đến Bảy viên ngọc rồng, One Piece, Naruto... với những khả năng đánh đấm đã mắt của các nhân vật trong truyện.

Thậm chí trẻ con thời Bảy viên ngọc rồng có thời còn thi nhau vẽ lại hình ảnh những nhân vật trong truyện để khoe với nhau. Có đứa không biết vẽ, hoặc vẽ xấu, bèn lén xé truyện ra, rồi đồ lại hình nhân vật, xong bảo với bạn bè rằng đấy là hình chúng vẽ.

Hoặc đọc xong học lại những câu thoại tếu tếu trong truyện. Chẳng hạn như bạn đọc Bảy viên ngọc rồng không thể quên những câu kiểu "Xay da da cà na bánh đa", "Xay da da cà na xí muội"...

Ưu điểm của truyện Nhật Bản so với truyện Pháp, Bỉ đấy là gì? Trong khi truyện Pháp Bỉ vẽ bằng khổ giấy A4 to đùng, thì truyện Nhật Bản lại vẽ gói gọn bằng như một quyển sách giáo khoa. Nên bọn trẻ có mua truyện Nhật Bản, rất dễ cất giấu trong cặp sách.

Tiếp theo, truyện Nhật Bản chủ yếu vẽ kiểu trắng đen nên giá thành cũng không quá đắt, chỉ tầm 3-5 ngàn đồng/quyển. Thành thử, từ giá bán đến hình thức, đều rất phù hợp với lứa tuổi học sinh. Mỗi khi đi học hoặc bị ép học bài, có thể lén lút nhét những quyển truyện này dưới tập sách để đọc.

Anh Duy Anh (quận 7) kể về kỷ niệm truyện tranh: "Hồi đó muốn mua một quyển truyện là phải nhịn ăn sáng mấy ngày. Kết quả là tôi có nguyên một tủ truyện tranh với đủ các loại truyện. Nhưng ba mẹ sợ mê đọc truyện mà lười học nên khóa lại hết. Nhưng may mắn sao, tủ khóa không kín được, nên tôi cũng nạy ra đọc được vài cuốn, có điều đọc đi, đọc lại vài cuốn cũng chán lắm. Nay tủ truyện của tôi vẫn còn nguyên, tôi quyết để dành cho mấy đứa con của tôi lớn lên đọc".

Ngoài niềm vui đọc truyện, thì những trang cuối của sách, cũng thường có những mục giao lưu, kết bạn, giải thích một số tình tiết của truyện, hoặc cùng tìm hiểu những khác biệt về văn hóa của những nước khác. Thậm chí còn lâu lâu tổ chức những buổi gặp gỡ cho những bạn đọc hâm mộ bộ truyện, theo cách gọi ngày nay là đi "offline" ấy.

Bên cạnh đó, có những bộ truyện chỉ con gái mới đọc, con trai ít khi đọc và ngược lại. Chẳng hạn những truyện như Dũng sĩ Hesman, 5 anh em siêu nhân... chắc chắn tụi con trai thích. Còn con gái sẽ có những truyện: Hội mắt nai, Nữ hoàng Ai Cập, Thủy thủ Mặt trăng...

Thậm chí có những truyện xuất bản từ 30 năm nay, đến giờ vẫn chưa kết thúc. Đấy chính là truyện Conan. Có người đọc nó từ năm 20 tuổi, nay đã lên chức ông chức bà... mà vẫn chưa hết truyện, vẫn say mê "phá án" cùng Conan, cũng như chưa biết "trùm cuối" của truyện là nhân vật nào.

Sau làn sóng Nhật Bản, còn thêm một phong cách truyện tranh khác tràn vào. Đó là truyện tranh võ hiệp, với các truyện tranh võ hiệp như Anh hùng xạ điêu, Thiên long bát bộ, Tiếu ngạo giang hồ... Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến truyện Phong Vân. Truyện Phong Vân cuốn đến mức truyện tranh làm xong còn được đài truyền hình mua bản quyền làm phim.

Đáng tiếc nhất, sau ngần ấy năm, truyện tranh Việt Nam chỉ mới có "Thần đồng đất Việt" mới tạo được làn sóng hâm mộ như những truyện tranh nước ngoài. Ấy vậy mà cũng không yên ổn, khi mà tác giả và đơn vị sản xuất cự cãi nhau chuyện tác quyền.

Nhưng điều gì khiến người mê truyện tranh ở Sài Gòn sướng nhất? Đấy chính vì nơi đây là trung tâm nên cái gì cũng có trước. Ví dụ nhà xuất bản ấn định ngày phát hành trên toàn quốc là thứ ba hàng tuần, nhưng ở TP.HCM thì ngày thứ hai truyện đã lên kệ sách. Lúc nào cũng được đọc trước độc giả cả nước. Kể cũng hơi bất công với các địa phương khác, nhưng... kệ. Có phải lỗi người đọc đâu mà áy náy.

Dù hiện nay, phương tiện điện tử như máy tính bảng, điện thoại thông minh... có thể giúp ta có thể đọc được truyện tranh một cách dễ dàng nhưng cái nỗi lòng mong ngóng từng ngày để ra truyện, cầm trên tay quyển truyện mới, lật từng trang sách... vẫn là một thú vui không thể quên. Như chị Thùy An (Gò Vấp) cho biết: "Mỗi bộ truyện tranh em mua hẳn hai bộ, một bộ để dành đọc, một bộ bọc kỹ lại cất để dành, xem như tài sản quý giá của bản thân".

Đã có những thú vui như chơi đồ cổ, chơi xe cổ... biết đâu lại có thêm thú sưu tầm truyện tranh cổ? Dám lắm chứ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem