10 tấn thịt, nội tạng heo, ức vịt… không rõ nguồn gốc trong 2 container lạnh ở TP.HCM

Chinh Hoàng Thứ sáu, ngày 16/06/2023 11:56 AM (GMT+7)
Khoảng 10 tấn thịt heo, ức vịt, dồi trường… không rõ nguồn gốc trong hai thùng xe container lạnh được Công an TP.HCM phát hiện ở khu vực sửa chữa container trên quốc lộ 1, phường Linh Xuân, TP.Thủ Đức, TP.HCM.
Bình luận 0

Sáng 16/6, Công an TP.HCM cho biết, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC05) Công an TP.HCM đang củng cố hồ sơ, xử lý tổ chức, cá nhân có liên quan đến hai thùng container lạnh chứa nhiều nội tạng, vú heo, ức vịt, dồi trường … không đáp ứng điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Công an TP.HCM phát hiện khoảng 10 tấn nội tạng thịt heo, ức vịt… không rõ nguồn gốc trong hai thùng container lạnh - Ảnh 1.

Khoảng 10 tấn thịt heo, ức vịt, dồi trường… không rõ nguồn gốc xuất sứ trong hai thùng xe container lạnh ở khu vực sửa chữa container trên quốc lộ 1, phường Linh Xuân, TP.Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: CACC

Trước đó, khuya 13/6, lực lượng Phòng PC05 phối hợp với Công an TP.Thủ Đức kiểm tra hai thùng container lạnh đang đặt tại khu vực sửa chữa container trên quốc lộ 1, phường Linh Xuân, TP.Thủ Đức, TP.HCM.

Tại thời điểm kiểm tra, công an phát hiện bên trong hai thùng container này chứa nhiều sản phẩm không có nhãn hiệu, không có nguồn gốc… PC05 đã lập biên bản tạm giữ lô hàng khoảng 10 tấn nội tạng, thịt... nêu trên để tiến hành xử lý.

Theo luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM): Hành vi kinh doanh, vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hoặc không bảo đảm an toàn để sản xuất, chế biến thực phẩm, là hành vi bị nghiêm cấm theo khoản 2, điều 5 luật an toàn thực phẩm 2010.

Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà có thể bị xử lý vi phạm hành chính, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, luật sư Tuấn cũng cho biết thêm về xử phạt hành chính: Người kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, với mức phạt tiền cao nhất lên đến 100 triệu đồng, trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên, và hàng hóa là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến bị cấm… Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường. 

"Về truy cứu trách nhiệm hình sự: Theo quy định Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015, quy định về  vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, thì người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, hoặc phạt tù với mức tối đa đến 20 năm tuỳ theo mức độ vi phạm", luật sư Tuấn nêu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem