Thứ năm, 09/05/2024

Cơ hội và rủi ro từ tiền mã hóa

06/03/2022 1:00 PM (GMT+7)

Cộng đồng những người ủng hộ tiền mã hóa nhấn mạnh các ưu điểm của loại tiền số an toàn, phi tập trung và không biên giới, trong khi các chuyên gia vẫn cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn khi sở hữu và đầu tư loại tiền này.

Cơ hội và rủi ro từ tiền mã hóa - Ảnh 1.

Một cơ sở khai thác tiền mã hóa bitcoin tại Italia. (Ảnh REUTERS)


Chính phủ Ukraine nhận được số tiền mã hóa trị giá hàng chục triệu USD từ hàng chục nghìn nhà tài trợ trên khắp thế giới chỉ sau vài ngày ra lời kêu gọi. Cộng đồng những người ủng hộ tiền mã hóa nhấn mạnh các ưu điểm của loại tiền số an toàn, phi tập trung và không biên giới, trong khi các chuyên gia vẫn cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn khi sở hữu và đầu tư loại tiền này.

Hôm 26/2, ngay sau khi Nga tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền Ðông Ukraine, tài khoản mạng xã hội Twitter chính thức của Chính phủ Ukraine đưa ra lời kêu gọi quyên góp bằng tiền mã hóa. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Chuyển đổi kỹ thuật số Ukraine Mykhailo Fedorov (M.Phê-đô-rốp) trực tiếp công bố các địa chỉ ví điện tử mà Ukraine sẽ nhận các khoản hỗ trợ. Hãng tin Reuters dẫn dữ liệu của Elliptic, công ty chuyên theo dõi các giao dịch tiền điện tử có trụ sở tại Luân Ðôn (Anh) cho biết, các địa chỉ ví của Ukraine đã nhận được số tiền mã hóa trị giá gần 13 triệu USD từ 17.300 khoản quyên góp chỉ sau 2 ngày.

Kỳ vọng về công nghệ mới

Các sàn giao dịch tiền mã hóa ghi nhận sự gia tăng đột biến các hoạt động của người dân tại Nga và Ukraine thời gian gần đây, mà nguyên nhân được cho là xuất phát từ lo ngại về sự ổn định của các đồng tiền pháp định tại quốc gia này. Trong bối cảnh Mỹ và phương Tây loại các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT cũng như áp đặt một loạt lệnh trừng phạt khiến đồng ruble trượt giá, nền kinh tế đối mặt nguy cơ lạm phát nghiêm trọng, nhiều nhà phân tích cho rằng, Nga và các ngân hàng của Nga hoàn toàn có thể xem xét sử dụng tiền điện tử trong trao đổi quốc tế, thay thế USD.

Theo Binance, sàn có khối lượng giao dịch tiền mã hóa hàng đầu thế giới, tiền mã hóa là một dạng tiền kỹ thuật số cho phép các cá nhân gửi và nhận giá trị trong một môi trường số, với các chức năng chính hoạt động tương tự như nhiều hệ thống tiền pháp định ở dạng điện tử, song điểm khác biệt là vận hành một cách phi tập trung. Dựa trên công nghệ blockchain (chuỗi khối), miễn là có kết nối internet, người sở hữu có thể chuyển tiền mã hóa trực tiếp đến người nhận ở mọi nơi trên thế giới mà không cần sự can thiệp của bất kỳ bên trung gian nào. Mọi lịch sử giao dịch được công khai trên sổ cái phân tán từ công nghệ blockchain, người dùng có thể giữ được tính ẩn danh khi tham gia giao dịch.

Bitcoin được xem là đồng tiền mã hóa đầu tiên trên thế giới do một người hay một nhóm người chưa rõ danh tính thực dưới tên Satoshi Nakamoto lập trình và công bố năm 2009. Kể từ khi ra đời cho đến nay, giá trị quy đổi bitcoin ra tiền pháp định của các nước đã tăng lên hàng chục nghìn lần. Năm 2010 ghi nhận giao dịch thương mại đầu tiên bằng bitcoin khi một người Mỹ đã sử dụng 10.000 bitcoin để mua hai chiếc bánh pizza. Theo trang chuyên theo dõi tiền mã hóa CoinGecko, giá bitcoin đạt đỉnh vào tháng 10/2021 khi 1 bitcoin được giao dịch với giá hơn 69.000 USD. Cộng đồng ủng hộ bitcoin ví đồng tiền mã hóa này như "vàng kỹ thuật số", bởi số lượng bitcoin là hữu hạn với tổng cộng 21 triệu đồng cùng cơ chế giảm phát được lập trình khi số lượng bitcoin khai thác được sẽ giảm theo thời gian.

Chuyên gia của Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs (Mỹ) cho biết, bitcoin ngày càng được xem như tài sản "lưu trữ giá trị", một thuật ngữ thường dùng để mô tả các loại tài sản có thể duy trì giá trị theo thời gian như kim loại quý hoặc một số loại tiền tệ. Theo Goldman Sachs, bitcoin dần chiếm thị phần từ vàng trong năm 2022 và có khả năng chiếm tỷ trọng lớn hơn theo thời gian, trong bối cảnh các loại tài sản kỹ thuật số ngày càng phổ biến. Giá trị vốn hóa của bitcoin đầu tháng 3/2022 là hơn 820 tỷ USD, so giá trị vốn hóa thị trường của vàng là khoảng 12.260 tỷ USD. Giá trị vốn hóa của bitcoin thậm chí lớn hơn giá trị vốn hóa của các công ty tài chính đa quốc gia hàng đầu thế giới hiện nay như Visa, Mastercard.

"Vùng xám" trong quản lý

Tiền mã hóa, hay tiền kỹ thuật số vẫn là chủ đề gây chia rẽ. Những người ủng hộ cho rằng, tiền mã hóa là tương lai của tiền tệ, trong khi một số ý kiến khác lại quan ngại về sự rủi ro của chúng. Vấn đề pháp lý của bitcoin và các loại tiền mã hóa được xem là "vùng xám" trong quản lý tài chính trên thế giới.

Ngày càng xuất hiện nhiều thể chế tài chính lớn chấp nhận tiền kỹ thuật số và coi đây là cơ hội đầu tư. Quỹ đầu tư quốc gia Temasek của Singapore và công ty đầu tư mạo hiểm công nghệ hàng đầu thế giới Sequoia Capital (Mỹ) đã tái khẳng định cam kết đối với các dự án tiền điện tử. Hội đồng Ổn định tài chính quốc tế (FSB) thậm chí còn cảnh báo, sự phát triển nhanh chóng của thị trường tiền kỹ thuật số có thể đến mức biến chúng trở thành mối đe dọa đối với sự ổn định tài chính toàn cầu.

Tháng 9/2021, El Salvador trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận bitcoin là đồng tiền hợp pháp khi cho phép người dân sử dụng bitcoin trong mọi giao dịch, song song với USD. Hai tháng sau, Chính phủ El Salvador tiếp tục công bố kế hoạch xây dựng thành phố bitcoin đầu tiên trên thế giới, với nguồn vốn đầu tư được huy động từ việc phát hành 1 tỷ USD trái phiếu bitcoin. Một số nước Mỹ Latin như Brazil, Colombia, Argentina, Venezuela… chấp nhận bitcoin như một loại tài sản.

Liên minh châu Âu (EU) chưa thông qua luật cụ thể liên quan tình trạng pháp lý của bitcoin như một loại tiền tệ, song tại nhiều nước châu Âu, bitcoin được xem là tài sản vô hình, được phép mua bán, trao đổi, nhưng đặt dưới sự kiểm soát của luật chống rửa tiền. Mỹ xem tiền điện tử như một loại tài sản và giao dịch bitcoin có thể bị đánh thuế. Trong khi đó, Trung Quốc coi tất cả các giao dịch tài chính liên quan tiền mã hóa là bất hợp pháp. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nêu rõ, các tổ chức tài chính, các công ty thanh toán và công ty internet bị cấm tạo điều kiện cho việc giao dịch tiền điện tử. Tại phần lớn các nước Ðông Nam Á, người dân được phép nắm giữ tiền mã hóa, song sẽ bị coi là phạm pháp nếu sử dụng chúng như công cụ thanh toán.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã kêu gọi El Salvador thay đổi chính sách và ngừng sử dụng bitcoin như một đồng tiền hợp pháp do tiềm ẩn nhiều rủi ro. IMF bày tỏ lo ngại về tiền kỹ thuật số, nhất là khi thị trường này chưa có các quy định quản lý phù hợp và kịp thời. Một trong những vấn đề mà IMF nhấn mạnh là ngày càng có nhiều nhà đầu tư và các tổ chức tài chính giao dịch loại tài sản thiếu các thông lệ vận hành, quản trị và rủi ro lớn. IMF cho rằng, các tài sản kỹ thuật số đang tạo ra một số khoảng trống dữ liệu và có thể mở đường cho các hoạt động trái phép như rửa tiền hay tài trợ khủng bố.

Cơ quan Quản lý tài chính (FCA) của Anh cũng đưa ra các cảnh báo về hành vi thao túng giá các tài sản kỹ thuật số. FCA cho biết, những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội thường được những kẻ lừa đảo trả tiền để "thổi giá" các tài sản ảo. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ gặp nhiều rủi ro, khi giá của các loại tiền mã hóa thường biến động với biên độ lớn, dễ bị chi phối bởi tin tức và bị thao túng bởi các nhà đầu tư có tiềm lực lớn về tài chính và kinh nghiệm. Hôm 22/2, khi cuộc khủng hoảng tại Ukraine có những diễn biến căng thẳng hơn, làm gia tăng sự quan ngại của các nhà đầu tư, mức vốn hóa thị trường tiền mã hóa toàn cầu ngay lập tức sụt giảm 7,32%.

IMF cho rằng, các cơ quan quản lý quốc gia nên xem xét hành động để có các quy tắc chung trên toàn cầu, tăng cường giám sát xuyên biên giới, vì đây là một lĩnh vực mới, cần thúc đẩy việc tiêu chuẩn hóa dữ liệu. Tính linh hoạt và tiềm năng của tiền mã hóa trong thanh toán quốc tế đã chứng minh được hiệu quả bước đầu. Nếu có sự phối hợp tốt trên toàn cầu sẽ giải quyết được các lỗ hổng, giúp các nước không bỏ lỡ các cơ hội từ những xu hướng phát triển mới trong lĩnh vực công nghệ số. 

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Hội thảo về ETS: Sử dụng hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải để thúc đẩy thị trường carbon tại Việt Nam

Hội thảo về ETS: Sử dụng hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải để thúc đẩy thị trường carbon tại Việt Nam

Chương trình đào tạo về Hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải (ETS) là một phần trong hoạt động hỗ trợ của Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) nhằm thúc đẩy triển khai thị trường carbon tại Việt Nam với sự hợp tác của Cục Biến đổi khí hậu (Cục BĐKH), Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT).

6 nhà máy lớn tại Việt Nam vẫn chưa cung ứng đủ, Samsung sẽ xây thêm

6 nhà máy lớn tại Việt Nam vẫn chưa cung ứng đủ, Samsung sẽ xây thêm

Samsung Electro-Mechanics (SEM), nhánh làm bán dẫn và các bộ phận máy ảnh của Tập đoàn Samsung, đang chuẩn bị xây một nhà máy mới tại Việt Nam -- nơi Samsung đang vận hành 6 nhà máy lớn.

Hé lộ tỷ lệ nắm giữ của cổ đông lớn mới tại công ty bầu Đức

Hé lộ tỷ lệ nắm giữ của cổ đông lớn mới tại công ty bầu Đức

Thông qua việc mua cổ phiếu mới phát hành, CTCP Chứng khoán LPBank (LPBS) và những cá nhân liên quan đang sở hữu tỷ 8,47% vốn của Công ty Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức -- doanh nhân Đoàn Nguyên Đức.

Nhu cầu vàng tại Việt Nam vẫn tăng mạnh đẩy giá vàng tăng cao kỷ lục

Nhu cầu vàng tại Việt Nam vẫn tăng mạnh đẩy giá vàng tăng cao kỷ lục

Tổng nhu cầu tiêu dùng vàng tại Việt Nam trong quý I/2024 tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp giá vàng thế giới không ngừng leo thang, Hội đồng Vàng Thế giới cho biết hôm nay (7/5).

4 tháng đầu năm, các nền tảng công nghệ nước ngoài nộp bao nhiêu tiền thuế?

4 tháng đầu năm, các nền tảng công nghệ nước ngoài nộp bao nhiêu tiền thuế?

Google, Meta (tập đoàn mẹ của Facebook), Microsoft, TikTok, Netflix và các nhà cung cấp nước ngoài khác đã nộp thuế 3.900 tỷ đồng cho Việt Nam, theo Tổng cục Thuế. Trong 2 tháng đầu năm, con số này đạt hơn 2.000 tỷ đồng.

Đầu tháng 5, hàng loạt ngân hàng tăng lãi suất huy động

Đầu tháng 5, hàng loạt ngân hàng tăng lãi suất huy động

Ngay đầu tháng Năm này, thêm một loạt ngân hàng tăng lãi suất huy động từ 0,1 -0,3%/năm ở nhiều kỳ hạn.