Cơ cấu nợ theo thông tư mới vẫn chưa "sát sườn", doanh nghiệp chờ mong gì?

Quốc Hải Thứ tư, ngày 15/09/2021 19:12 PM (GMT+7)
Hơn một tuần sau khi Thông tư 14/2021 sửa đổi Thông tư 01/2020 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực (từ ngày 7/9/2021), phía các ngân hàng đã bắt đầu triển khai thông tư này. Nhưng theo các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp, thông tư này vẫn chưa thực sự "sát sườn".
Bình luận 0

Doanh nghiệp "cháy" dòng tiền, khó cầm cự

Chia sẻ với Dân Việt, ông Phạm Quang Anh, Tổng giám đốc Công ty May mặc Dony cho biết, nhờ có sự chuẩn bị từ trước đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 nên hiện tại doanh nghiệp (DN) không bị kẹt dòng tiền. 

Tuy nhiên, tình hình kéo dài của dịch bệnh đến nay vẫn nghiêm trọng khiến DN đang chịu lỗ và âm dần vào vốn.

"Nếu được giảm hoặc hoãn lãi suất đến cuối năm thì tốt quá. Nếu tình trạng đóng cửa nền kinh tế kéo dài đến cuối tháng thì DN còn có thể chịu được, thậm chí có thể cầm cự đến cuối năm. Nhưng nếu kéo qua tới tận năm sau, có lẽ chúng tôi phải bán bớt tài sản để có dòng tiền kinh doanh nếu không được hỗ trợ vay thêm", ông Quang Anh lo lắng.

Cơ cấu nợ theo Thông tư mới vẫn chưa "sát sườn", doanh nghiệp chờ mong gì? - Ảnh 1.

Sản xuất khẩu trang trong mùa dịch tại một DN dệt may tại TP.HCM. Ảnh: DNCC

"Cháy" dòng tiền hơn nửa năm nay, ông Bình, chủ một doanh nghiệp du lịch tại Q.Gò Vấp (TP.HCM) cho hay, DN của ông vay tiền mua 5 chiếc ô tô để hoạt động kinh doanh vận tải du lịch từ một ngân hàng thương mại, nhưng cả 5 chiếc đều đang nằm bãi từ tháng 3 đến nay.

"Ngành du lịch đóng cửa từ đầu năm đến nay. Xe thì phải nằm bãi, không có doanh thu trong khi phải đều đặn trả gốc và lãi ngân hàng. Tôi đã liên hệ phía ngân hàng để hỏi xem công ty có được cơ cấu thời gian trả nợ đến hết năm nay hay không nhưng chưa nhận được phản hồi. Hiện chúng tôi khó có thể cầm cự thêm nữa nếu không nhận được sự ủng hộ của NH về việc hỗ trợ giảm lãi suất", ông Bình nói.

Cũng theo chủ DN du lịch này, nếu được giãn nợ đến hết năm, doanh nghiệp hoàn toàn có thể sẽ trả được vì cơ hội phục hồi của ngành du lịch rất lớn, và ngành vận tải du lịch chỉ cần có khách là có doanh thu.

Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM - ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jeans cho biết, thực trạng của nhiều DN xuất khẩu hiện nay là dòng tiền chỉ có thể duy trì được một thời gian ngắn nữa, trong khi sức ép phải trả nợ gốc, lãi vay vẫn rất lớn. 

Vì vậy, Thông tư 14 có hiệu lực bước đầu đã tạo niềm tin và kỳ vọng cho các DN. Tuy nhiên, nhìn lại các quy định của Thông tư 14, có thể thấy được vẫn còn chưa thực sự "sát sườn".

Nguyên nhân, hiện Thông tư 14 chỉ kéo dài thêm 6 tháng là không hợp lý. Lý do là việc triển khai thực hiện thông tư phải mất 2 - 3 tháng bởi các điều kiện giãn cách đi lại khó khăn.

Cơ cấu nợ theo Thông tư mới vẫn chưa "sát sườn", doanh nghiệp chờ mong gì? - Ảnh 3.

Các công nhân trong dây chuyền may khẩu trang tại một doanh nghiệp - Ảnh: DNCC

"Trong điều kiện hiện nay, nếu khống chế được dịch bệnh thì DN muốn phục hồi lại cũng phải mất từ 3 - 6 tháng. DN nhiều lao động cũng mất cả năm mới mong phục hồi. Như vậy, các DN chỉ còn khoảng 6 tháng thì chưa kịp phục hồi được", ông Việt nói.

So với quy định cũ, Thông tư 14 có 2 điểm mới đáng lưu ý.

Thứ nhất, phạm vi khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí bao gồm cả khoản nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021, thay vì chỉ bao gồm các khoản nợ phát sinh đến trước ngày 10/6/2020 như quy định của Thông tư 03/2021/TT-NHNN (sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN).

Thứ 2, thời gian cơ cấu nợ được kéo dài thêm 6 tháng đến ngày 30/6/2022, thay vì đến ngày 31/12/2021 như trước đây.

Vì vậy, theo Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, việc triển khai thông tư cũng cần phải tiến hành nhanh chóng để tránh việc chuyển nợ xấu, cho phép DN khoanh nợ, cho gia hạn lãi tự động đến 24 tháng nữa chứ không phải chỉ đến này 30/6/2022. Đồng thời, ngoài cơ cấu lại nợ, các DN mong muốn được hỗ trợ cấp tín dụng mới để có tiền mua nguyên phụ liệu chuẩn bị phục hồi sản xuất. 

Bởi lẽ, bài toán tiếp cận vốn tín dụng mới sau khi đã được cơ cấu nợ cũng rất khó khăn vì tài sản đã thế chấp gần hết, không còn gì để thế chấp vay tiếp…

Về phía các ngân hàng, theo tìm hiểu của Dân Việt, hiện nhiều ngân hàng đã bắt tay vào triển khai Thông tư 14. Theo ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng Giám đốc Sacombank cho biết, ngay sau khi Thông tư 14 có hiệu lực, Sacombank đã triển khai việc tiếp tục cơ cấu nợ cho khách hàng cá nhân và DN đủ điều kiện. 

Riêng việc giảm lãi suất cho vay theo thông tư mới, ngân hàng cũng sẽ xem xét từng trường hợp với mức độ ảnh hưởng, tác động của dịch bệnh ở mỗi lĩnh vực cụ thể để có chính sách hỗ trợ phù hợp nhất.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của lãnh đạo một ngân hàng thương mại, không phải khách hàng nào đang có dư nợ vay cũng được hỗ trợ. Chủ yếu, các chính sách giảm lãi sẽ được tập trung vào nhóm khách hàng ở các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất - kinh doanh bị thiệt hại nặng do dịch Covid-19.

"Việc hỗ trợ lãi suất thì có lẽ chỉ giảm 1-2 điểm %, chứ giảm tới 3%-4% như kỳ vọng của nhiều khách hàng là rất khó", vị này nói thêm.

Vì sao Thông tư 14 chưa "sát sườn"?

Nói về phản ứng của DN trước những quy định của Thông tư 14, TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính – ngân hàng, thẳng thắn: "Doanh nghiệp phản ứng là đúng, vì theo tìm hiểu của tôi, Thông tư 14 có những điểm chưa sát thực tế".

Cơ cấu nợ theo Thông tư mới vẫn chưa "sát sườn", doanh nghiệp chờ mong gì? - Ảnh 5.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế - tài chính (Ảnh: FBNV)

Cụ thể, theo ông Hiếu, điểm thứ 1 chưa ổn với Thông tư 14, là chỉ cho phép các NH được cơ cấu lại nợ cho những món nợ trước ngày 1/8, còn những món nợ sau ngày 1/8 thì không phải là đối tượng của thông tư này. Trong khi tình hình dịch bệnh lại đánh mạnh nhất vào tháng 8 và hiện tại vẫn đang rất nghiêm trọng.

"Tôi không dùng từ dịch bệnh diễn biến phức tạp, mà nhấn mạnh dịch bệnh đang rất nghiêm trọng mà Thông tư 14 chỉ cho cơ cấu lại nợ cho những món nợ trước ngày 1/8 là vô lý. Cơ sở nào để đặt mốc thời gian 1/8 mà không phải là 1/9, thậm chí là 31/12 năm nay?", ông Hiếu đặt vấn đề.

Theo diễn giải của chuyên gia tài chính này, vì tình hình dịch bệnh nghiêm trọng như hiện nay, các ngân hàng phải chuẩn bị đối phó với tình thế mới. Trong khi đó, đưa ra mốc 1/8 có thể do Ngân hàng Nhà nước nghĩ rằng từ 1/8 trở đi các ngân hàng đã chuẩn bị các biện pháp ứng phó rồi, thành ra những DN nào vay sau 1/8 thì có thể họ đã cho phép thời hạn trả nợ, lãi suất, các điều kiện phù hợp rồi… Nhưng theo ông Hiếu, nếu cứ nghĩ như vậy để mà áp dụng vào Thông tư 14 là không đúng.

"Tình hình dịch bệnh đang nghiêm trọng và diễn biến này sẽ thay đổi từ ngày, vì vậy tại sao lại không cho cơ cấu lại nợ cho những món nợ trước ngày 31/12?", ông Hiếu nói.

Vấn đề thứ 2 mà chuyên gia này thấy bất ổn là Thông tư 14 cho phép các ngân hàng cơ cấu nợ cho đến ngày 30/6/2022. Theo ông Hiếu, việc này được hiểu là các món nợ được cơ cấu có thời hạn trả nợ là không quá ngày 30/6/2022. Nếu mà điều này là đúng thì sao có thể đợi DN phục hồi nhanh chóng như thế được. Thành ra, mốc 30/6/2022 là không hợp lý.

"Thông tư 14 có một điều rất quan trọng, là cho phép cơ cấu thời hạn trả nợ không quá 12 tháng từ ngày cơ cấu lại nợ, điều này là hợp lý. Thực sự, 12 tháng là chưa đủ nhưng trong điều kiện hiện tại thì vẫn chấp nhận được. Ví dụ, có món nợ phát sinh ngày 15/9/2021 thì cũng cho phép cơ cấu lại nợ 12 tháng, cho đến ngày 14/9/2022. Còn vấn đề mốc 30/6/2022 là cho phép các ngân hàng được cơ cấu lại các món nợ cho đến thời điểm này. Tuy nhiên, khi cơ cấu thì vẫn cho cơ cấu 12 tháng từ thời điểm mà các ngân hàng quyết định cho cơ cấu lại. Ví dụ như ngày 29/6/2022 mà NH mới có quyết định cho khách hàng cơ cấu nợ, thì thời hạn cơ cấu tới 12 tháng là đến ngày 28/6/2023", ông Hiếu đề xuất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem