Vào ngày thứ hai sau khi kết thúc 2 tuần cách ly ở Trung Quốc hôm 28/1, nhóm nhà khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tới thăm Bệnh viện Kim Ngân Đàm, nơi các bác sĩ đã thu thập các mẫu bệnh phẩm từ những bệnh nhân bị viêm phổi không rõ nguyên nhân vào cuối năm 2019.
"Đây là cơ hội quan trọng để trao đổi trực tiếp với các bác sĩ có mặt tại thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh nhất", thành viên nhóm điều tra Peter Daszak cho biết trên Twitter.
![]() |
Các thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được giao nhiệm vụ điều tra nguồn gốc của virus Covid-19 ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Theo nguồn tin từ Reuters, đội ngũ chuyên gia này đã rời bệnh viện, từ chối trả lời phỏng vấn của các nhà báo.
"Chúng tôi vừa trở về sau chuyến thăm Bệnh viện Kim Ngân Đàm, nơi chuyên về bệnh truyền nhiễm và được chỉ định điều trị những ca Covid-19 đầu tiên ở Vũ Hán. Những câu chuyện khá giống với những gì tôi đã nghe từ các bác sĩ", một chuyên gia trong nhóm của WHO, Marion Koopmans, đăng trên Twitter.
Cuộc điều tra do WHO dẫn đầu đã bị cản trở trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh “lời qua tiếng lại” gay gắt về nguồn gốc của virus Covid-19. Trước đó, Mỹ cáo buộc Trung Quốc che giấu mức độ bùng phát của đại dịch ngay từ đầu. WHO cũng từng bị chỉ trích vì thiên vị Trung Quốc. Song gần đây, tổ chức này cáo buộc Trung Quốc và các quốc gia khác đã phản ứng quá chậm khi dịch mới bùng phát.
Về cuộc điều tra độc lập của WHO, Trung Quốc đã phản đối mạnh mẽ, cho rằng vấn đề này phức tạp, và hơn nữa, các nhân viên y tế tại đây đang lo đối phó với các ổ dịch mới ở Bắc Kinh, Thượng Hải cũng như các thành phố khác.
WHO cho biết hôm 29/1 rằng, nhóm sẽ bị hạn chế tham gia các chuyến thăm do Trung Quốc tổ chức và sẽ không có bất kỳ liên hệ nào với các thành viên cộng đồng. Hành trình của nhóm chưa được công bố nhưng các chuyên gia có kế hoạch đến thăm chợ hải sản ở trung tâm ổ dịch ban đầu và Viện virus học Vũ Hán.
![]() |
Nhóm chuyên gia WHO rời cơ sở cách ly hôm 28/1 và bắt đầu công việc tại thực địa nhằm truy tìm nguồn gốc virus gây ra đại dịch Covid-19. Ảnh: Reuters |
Ca mắc Covid-19 trên toàn cầu vượt 103 triệu
Theo trang Worldometers, trong vòng 24 giờ tính đến 6g ngày 31/1 (theo giờ Việt Nam), toàn cầu ghi nhận 460.858 trường hợp nhiễm dịch viêm đường hô hấp cấp, 11.673 ca tử vong. Như vậy, thế giới đã có tổng cộng 103.072.460 ca mắc virus Covid-19, trong đó có 2.226.563 bệnh nhân tử vong.
Số bệnh nhân bình phục đã lên tới 74.687.077 người. 25.851.716 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 111.654 ca nguy kịch.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, có thêm 119.808 trường hợp mắc bệnh và 2.426 ca tử vong, đưa tổng số bệnh nhân nhiễm Covid-19 lên 26.635.116 và 449.918 người chết.
Ấn Độ báo cáo 12.845 ca nhiễm mới và có thêm 126 người không qua khỏi, nâng tổng số trường hợp nhiễm và tử vong lên lần lượt 10.746.871 và 154.310.
Brazil có thêm 1.170 người chết vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 223.945. Số người nhiễm bệnh tăng 57.498 ca trong 24 giờ qua, lên 9.176.975.
Đây là 3 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Dựa vào thống kê trên có thể thấy, số ca nhiễm tại Mỹ hiện đã hơn gấp đôi tại Ấn Độ. Trong khi đó, số trường hợp tử vong tại Brazil bằng một nửa tại Mỹ.
Gửi bình luận