![]() |
Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp trong nước còn hạn chế. Ảnh: T.L |
Manh mún trong ứng dụng công nghệ sản xuất
Tại Diễn đàn nông dân quốc gia lần thứ V với chủ đề “Vốn và công nghệ trong liên kết 6 nhà” sáng ngày 13/10, ông Hoàng Trọng Thủy, chuyên gia độc lập cho biết, hiện tình trạng manh mún về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp vẫn đang diễn ra.
Cụ thể, trong ngành trồng trọt, đến tháng 6/2019, cả nước có 500.000 máy kéo; 859 máy tuốt; 6.600 máy gặt đập… phục vụ cho hơn 4 triệu ha lúa 2 vụ, 1,8 triệu ha rau quả và 3,5 triệu ha cây lâu năm. Trang bị động lực bình quân trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam là 2,4 mã lực HP/1ha (chỉ bằng 1/3 của Thái Lan và ¼ của Trung Quốc).
Ngành thủy sản, số lượng tàu cá khai thác xa bờ công suất hơn 90 CV là 33.410 chiếc, trong đó tàu có công suất lớn hơn 400 CV (công suất) là 14.652 chiếc, chỉ chiếm 10.3% trong tổng số phương tiện đánh bắt hải sản. Đến tháng 12/2019, nợ xấu trong đóng mới, cải hoán tàu thuyền khai thác xa bờ của cả nước lên tới 33%.
Trong ngành lâm nghiệp, ứng dụng cơ giới hóa mới được 2 khâu là chặt hạ và vận chuyển. Các khâu quan trọng như trồng cây, chăm sóc, chữa cháy, bốc xếp thì tỷ lệ cơ giới hóa chỉ chiếm 2-5%. Nông dân trong ngành lâm nghiệp 70% khối lượng công việc là làm thủ công…
Cũng theo ông Thủy, sự manh mún của việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp còn thể hiện ở việc vắng bóng công nghiệp phụ trợ, dịch vụ hỗ trợ tại địa bàn nông thôn.
“Vùng Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên thi thoảng lắm mới có cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa và bán phụ tùng máy nông nghiệp. Khu vực đồng bằng sông Hồng, duyên hải miền Trung, tây Bắc, Đông Bắc có “soi kính hiển vi” cũng không thấy trung tâm dịch vụ máy nông nghiệp ở cụm xã, huyện và tỉnh”, ông Thủy thẳng thắn nói.
Không chỉ vậy, máy nông nghiệp trong nước ngày càng vắng bóng trên thị trường và dần tự đánh mất vị thế. Máy nhập của Trung Quốc áp đảo thị trường, tuy giá rẻ nhưng công năng, hiệu quả sử dụng ở mức trung bình. Máy Nhật, Hàn Quốc tốt nhưng giá cao đã làm tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của nông sản.
“Do tiếp nhận, chuyển giao chậm, ứng dụng khoa học kỹ thuật (máy cơ khí, tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nước) còn thấp và manh mún đã như một tác nhân làm cho nguồn nhân lực nông nghiệp của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm trên 10, xếp thứ 11/12 trong số các nước châu Á tham gia xếp hạng. Năng suất lao động Việt Nam thấp hơn Trung Quốc 2,5 lần, thấp hơn Thái Lan 4,5 lần. Với năng suất sử dụng đất của Việt Nam ở mức 1.000 USD/ha, tương đương với Lào, bằng ½ Philippines, 1/3 Thái Lan và Indonesia. Theo đó, năng suất, chất lượng nông sản hạn chế, giá thành cao, giá trị sinh lời thấp và thiếu sức mạnh cạnh tranh trên thị trường”, ông Thủy nói.
Phải có "bà đỡ" tiêu thụ
Tại Diễn đàn, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, thương hiệu của nông sản Việt vẫn chưa thực sự tạo được sự chú ý trên thị trường thế giới, mà mấu chốt chính là mối quan hệ trong 6 nhà (Nhà nông- Nhà nước - Nhà đầu tư - Nhà băng - Nhà khoa học - Nhà phân phối) vẫn còn vướng mắc cần giải quyết, đặc biệt là câu chuyện về sử dụng vốn sao cho hiệu quả hay ứng dụng công nghệ trong sản xuất kinh doanh nông sản như thế nào để đạt được hiệu quả tốt.
![]() |
Thị trường tiêu thụ nông sản Việt hiện chưa đủ mạnh và ổn định. Ảnh: T.L |
Chỉ ra các điểm nghẽn của chuỗi liên kết trong nông nghiệp, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, hiện Việt Nam đối diện với những hạn chế cả về nhận thức, cơ sở pháp lý và mô hình hiệu quả cụ thể trong liên kết chuỗi giữa nông dân – doanh nghiệp, đặc biệt là 4 điểm nghẽn trong chuỗi đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Thứ nhất, nhận thưc về nông nghiệp công nghệ cao và thị trường khoa học công nghệ còn nhiều bất cập. Mặt khác, quy hoạch không gian và yêu cầu tích hợp trong quy hoạch phát triển các khu, cùng nông nghiệp công nghệ cao còn nhiều hạn chế.
Điểm nghẽn thứ ba là chưa có không gian đủ lớn hoặc tiềm lực đầu tư lớn triên diện tích nhỏ cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Cuối cùng là thị trường tiêu thụ, hệ thống tiêu thụ chưa đủ mạnh và ổn định, tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia cho nông sản công nghệ cao chưa rõ ràng.
Để hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả và bền vững ở Việt Nam, theo ông Phong, chúng ta cần quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp theo vùng, theo quy mô liên kết vùng trên cơ sở cung – cầu của thị trường.
Các địa phương cần tạo môi trường thuận lợi để thiết lập và tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với người dân nhằm hình thành mối liên kết sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm.
Đặc biệt, cần tránh tình trạng mỗi địa phương tự làm, tỉnh nào cũng có khu nông nghiệp công nghệ cao, trong khi nguồn lực đầu tư hạn hẹp, dàn trải.
Đưa ra giải pháp gỡ nút thắt cho vấn đề này, theo ông Nguyễn Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải đặt vấn đề để giải bài toán kết nối một cách hiệu quả, vững chắc và đúng pháp lý hơn.
“Kết nối 6 nhà nhất thiết phải có “bà đỡ”, đó là vai trò hỗ trợ hợp lý, hiệu quả của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đối với doanh nghiệp. Bà đỡ phải tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế trên thị trường”, ông Phú cho biết.
Gửi bình luận