Còn nhiều việc phải làm để chuyển đổi số trở thành “chìa khóa” hiện đại hóa nông nghiệp Bình Dương

Trần Khánh Thứ hai, ngày 18/09/2023 08:18 AM (GMT+7)
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu để các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả. Bên cạnh nỗ lực tự thay đổi và thích ứng với chuyển đổi số; nông dân, HTX vẫn cần sự hỗ trợ của các ngành chức năng.
Bình luận 0

Hiệu quả từ chuyển đổi số trong sản xuất

Nhờ ứng dụng công nghệ IoT, việc chăm sóc cây trồng ở HTX Nông nghiệp Ổi Thanh Kiên (huyện Phú Giáo) được tự động hóa. Hệ thống tưới thông minh, bộ giám sát điều kiện môi trường từ xa được quản lý thông qua điện thoại di động.

Ông Nguyễn Thanh Kiên - Giám Đốc HTX cho biết, trước đây việc theo dõi sinh trưởng cây trồng, biến đổi thời tiết phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm của người trồng. Hiệu quả năng suất cũng khó ổn định. 

Đất trồng ổi của HTX phần nhiều là đất cát, nước thấm rất nhanh, lượng hao hụt cũng lớn. Việc tưới nước bằng ống tưới trước đây cũng nhiều công sức. Nhờ sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh, việc ứng dụng chuyển đổi số vào nông nghiệp giúp HTX nâng cao hiệu quả hoạt động. Các thông số độ ẩm, ánh sáng... được thiết bị cảm ứng ghi nhận đầy đủ để đưa ra giải pháp tưới nước, bón phân phù hợp. 

Trồng ổi hữu cơ ở  HTX Nông nghiệp Ổi Thanh Kiên. Ảnh: T.L

Trồng ổi hữu cơ ở HTX Nông nghiệp Ổi Thanh Kiên. Ảnh: T.L

Khi chuyển qua hệ thống tưới thông minh, việc tưới nước chỉ tốn khoảng 800.000 đồng tiền công thay vì 5 triệu đồng như trước. Lượng phân bón cũng tiết kiệm được hơn 40% do hòa tan trong hệ thống tưới.

Làm theo truyền thống, tiền điện vận hành khâu chăm sóc tốn 4 triệu đồng/tháng thì nay chỉ còn 1-1,2 triệu đồng. Năng suất và chất lượng sản phẩm luôn bảo đảm. Trung bình 1 tháng, HTX xuất đi 5-6 container, tương đương 40 tấn ổi/xe.

Khu Nông nghiệp Công nghệ cao (NNCNC) An Thái ở xã An Thái, huyện Phú Giáo do Công ty CP Nông nghiệp U&I làm chủ đầu tư, với quy mô 411ha. Công ty U&I đang có 2 loại cây chủ lực là: dưa lưới và chuối. Riêng diện tích chuối trồng ở Khu NNCNC An Thái là 250ha. Công ty U&I cũng đang triển khai trồng 1.000ha chuối ở huyện Dầu Tiếng (Bình Dương).

Tại Công ty U&I, nhân công trồng chuối bằng thủ công, thu hoạch bằng thủ công, bao bì đóng gói để xuất khẩu cũng bằng thủ công. Vì thế, nhiều người mới đến thăm Khu NNCNC An Thái lần đầu thường phân vân không biết trồng chuối công nghệ cao thể hiện ở đâu.

Ông Phạm Quốc Liêm - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp U&I cho biết, 1ha trồng được 2.500 cây chuối. 250ha chuối ở Khu Nông nghiệp Công nghệ cao An Thái đang có 625.000 cây chuối.

Với số lượng cây nhiều như thế, làm sao công ty biết chỗ nào cần chăm sóc, chỗ nào cần thu hoạch, và mỗi ngày thu hoạch bao nhiêu buồng chuối? Ông Liêm giải thích, hiện công ty đang dùng phần mềm quản lý để theo dõi đến từng gốc chuối. Chính công nghệ cao giúp công ty nắm rõ tất cả các vấn đề nêu trên.

Đóng gói chuối xuất khẩu ở Công ty CP Nông nghiệp U&I. Ảnh: Trần Khánh

Đóng gói chuối xuất khẩu ở Công ty CP Nông nghiệp U&I. Ảnh: Trần Khánh

Phần mềm công nghệ còn giúp Công ty U&I biết trước sản lượng thu hoạch từ 1-2 tháng trước. "Những thông tin này được báo đến khách hàng ở nước ngoài để họ chủ động đặt hàng nhập khẩu", ông Liêm chia sẻ thêm.

Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Với diện tích 150ha chuyên canh các loại cây ăn trái, HTX Minh Hòa Phát (huyện Dầu Tiếng) đang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Trước đây, sản phẩm của Minh Hòa Phát chủ yếu bán qua kênh thương lái. 

Ông Tống Văn Hướng - Giám đốc HTX Minh Hòa Phát cho biết, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, việc ứng dụng công nghệ thông tin để bán hàng ngày càng cần thiết. HTX Minh Hòa Phát là một trong số ít đơn vị kinh tế tập thể đã thành lập trang web để quảng bá sản phẩm, thương hiệu.

Việc bán hàng thông qua các nền tảng số bắt đầu phát huy hiệu quả. "Có khi một ngày, đơn hàng bán qua mạng xã hội của HTX lên đến hơn 500kg", ông Hướng nói. 

Thu mua nông sản ở HTX Minh Hòa Phát. Ảnh: Trần Khánh

Thu mua nông sản ở HTX Minh Hòa Phát. Ảnh: Trần Khánh

Ông Lê Minh Sang - Giám đốc HTX cây ăn quả Tân Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên) kể, thời gian qua, HTX được các cơ quan chức năng hỗ trợ tập huấn, tạo tài khoản, gian hàng và đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử.

Ông Sang cho rằng đây là cơ hội để các HTX, nông hộ biết thêm các hình thức bán hàng mới thông qua các giao dịch điện tử. Ngày trước, HTX chỉ chuyên tâm vào sản xuất. Bây giờ HTX tập trung vào kinh doanh và mở rộng thị trường. 

Tuy nhiên, nhiều xã viên và nông dân chưa có kỹ năng sử dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm một cách hiệu quả, chưa tiếp cận được các hình thức quảng bá và thanh toán thu mua trong thời đại chuyển đổi số. "Vì thế, HTX mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ nhằm số hóa dữ liệu toàn bộ quy trình sản xuất cũng như kinh doanh", ông Sang nói.

Theo ông Nguyễn Hồng Quyết – Chi hội phó Chi hội Nông dân tỷ phú Bình Dương, thương mại điện tử trở là xu hướng tất yếu để mỗi địa phương, doanh nghiệp, HTX mang sản phẩm của mình đến với thị trường toàn cầu.

Thời gian qua, Sở NNPTNT, Hội Nông dân tỉnh cùng các ban ngành liên quan đều có nhiều hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số. Tuy nhiên thực tế chuyển đổi số nông nghiệp còn không ít những thách thức.

Việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nông dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn khiêm tốn. Việc chậm tiếp cận, thay đổi phương thức kinh doanh mới đang là rào cản trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản hiện nay.

"Do đó, để nông sản Bình Dương ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên các sàn thương mại điện tử, bên cạnh nỗ lực tự thay đổi; nông dân, HTX vẫn cần sự vào cuộc hỗ trợ của các ngành chức năng", ông Quyết đề nghị.

Hỗ trợ chuyển đổi số nông nghiệp Bình Dương

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, Bình Dương có nhiều doanh nghiệp, HTX ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, việc ứng dụng chuyển đổi số vào chế biến, quản lý, tiêu thụ và quảng bá chưa được quan tâm nhiều.

Dán tem truy xuất nguồn gốc cho măng cụt Lái Thiêu, TP.Tthuận An. Ảnh: Kim Lệ

Dán tem truy xuất nguồn gốc cho măng cụt Lái Thiêu, TP.Tthuận An. Ảnh: Kim Lệ

Nhiều cán bộ quản lý HTX lớn tuổi nên gặp nhiều khó khăn trong ứng dụng công nghệ thông tin; hoặc khâu báo cáo thuế bằng phần mềm kế toán, hóa đơn điện tử ở nhiều HTX còn lúng túng.

Hiện nay, chuyển đổi số đã tham dự vào mọi công đoạn của sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, việc tăng cường huyển đổi số cho HTX nông nghiệp cần có lộ trình và giải pháp phù hợp. 

Liên minh HTX đang phối hợp triển khai ứng dụng nhật ký sản xuất FaceFarm và phần mềm kế toán của Nhật Bản cho các HTX. "Liên minh HTX cũng phối hợp nghiên cứu thí điểm áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho HTX thuộc lĩnh vực nông nghiệp đăng ký tham gia", ông Dũng cho biết.

Theo Bà Phan Thị Khánh Duyên – Phó Giám đốc Sở Công Thương, nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh chưa có sự chuẩn bị tốt cho hoạt động bán hàng, quảng bá sản phẩm.

Nhiều đơn vị chưa có danh mục hàng hóa; chưa công khai giá sản phẩm; bao bì sản phẩm chưa toát lên được tính chất đặc sản vùng miền. Điều này vô tình đánh mất cái nhìn thiện cảm ban đầu của khách hàng đối với sản phẩm, dẫn đến việc đánh mất cơ hội tiếp cận, tìm hiểu và mua hàng.

Khách hàng kiểm tra nguồn gốc xuất sứ nông sản tại cửa hàng nông sản ở TP.Tân Uyên. Ảnh: Trần Khánh

Khách hàng kiểm tra nguồn gốc xuất sứ nông sản tại cửa hàng nông sản ở TP.Tân Uyên. Ảnh: Trần Khánh

Sở Công Thương đâng xây dựng chương trình phát triển thương mại điện tử với nhiệm vụ liên kết, giao lưu, hợp tác giữa các thành phần kinh tế và người tiêu dùng.

"Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp, HTX cũng phải chủ động chuyển đổi số để thích nghi với tình hình phát triển mới; đặc biệt là phương thức bán hàng qua tất cả các kênh, từ truyền thống đến hiện đại và các sàn thương mại điện tử", bà Duyên chia sẻ.

UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh tỉnh đến năm 2025. Trong đó, phát triển kinh tế số có vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn.

Sở NNPTNT tỉnh cho biết, chuyển đổi số là giải pháp để hiện đại hóa ngành nông nghiệp, đặc biệt là các giải pháp số hóa dữ liệu trong quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc và tổ chức các hoạt động thương mại điện tử.

Theo ông Phạm Văn Bông - Giám đốc Sở NNPTNT, ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang tập trung phát triển nền tảng chuyển đổi số, với các nhiệm vụ trọng tâm như: chuyển đổi nhận thức, kiến tạo thể chế, phát triển hạ tầng số, nền tảng dữ liệu số.

Tỉnh cũng phát triển sàn thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản, phấn đấu toàn bộ sản phẩm OCOP khi được UBND tỉnh công nhận đều đưa lên các sàn. "Đồng thời Bình Dương triển khai áp dụng các hệ thống phần mềm quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc cho các cơ sở, doanh nghiệp, HTX tham gia vào các sàn thương mại điện tử", ông Bông chia sẻ.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem