![]() |
Ông Phạm Thế Trường, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam |
Chuyển đổi số từ chính nỗi đau của doanh nghiệp
Trao đổi tại hội thảo về chuyển đổi số “Business For Better” ngày 7/1, ông Lương Lực Văn, Giám đốc điều hành Nanoco (doanh nghiệp chuyên cung cấp thiết bị điện) chia sẻ doanh nghiệp này đã từng gặp phải hai thách thức lớn trước khi chuyển đổi số. Thứ nhất, các giải pháp lưu trữ tại chỗ không thể xử lý được khối lượng yêu cầu kinh doanh ngày càng phức tạp. Thứ hai, chi phí bảo trì cơ sở hạ tầng cũng ngày một gia tăng và tốn kém.
Để giải quyết những khó khăn này, Nanoco đã quyết định trở thành doanh nghiệp số khi chuyển sang sử dụng nền tảng đám mây Microsoft Azure và giải pháp Microsoft 365, từ đó đã đạt được những hiệu quả đáng kể trong việc lưu trữ dữ liệu cũng như có được cái nhìn sâu sắc hơn về dữ liệu của mình.
“Khi quyết định chuyển sang nền tảng lưu trữ đám mây, nhiều lãnh đạo của Nanoco cũng chưa thực sự ủng hộ. Tuy nhiên, thực tế sau đó chứng minh quyết định đó là đúng. Khi chuyển đổi, chúng tôi đã phát hiện ra một số lỗ hổng trong hoạt động sản xuất của mình mà trước đây chúng tôi không hề hay biết. Nhờ sự kết hợp giữa giải pháp SAP S/4HANA trên nền tảng Microsoft Azure, tất cả thông tin chúng tôi cần được tập trung tại một nơi và rất dễ dàng để tiếp cận chỉ bằng một cú nhấp chuột. Quy trình này trước đây tốn hai đến ba ngày, giờ đây chỉ còn trong 20 giây”, ông Văn cho biết.
Đại diện Tiên Phong Bank (TP Bank) nhận định ngân hàng là ngành chuyển đổi số sớm và sâu rộng nhất. Tuy nhiên trước khi Covid-19 xảy ra, với nhiều ngân hàng nhỏ, việc đầu tư vẫn còn rất hạn chế.
Khi Covid-19 xảy ra, thực tế đã nhanh chóng làm thay đổi nhận thức về chuyển đổi số. Giờ đây, chuyển đổi số đã là câu chuyện “Tồn tại hay không tồn tại”, nếu không thay đổi thì sẽ tụt hậu, bị đối thủ vượt mặt.
Cũng theo đại diện TP Bank, trong chuyển đổi số, ngoài việc đầu tư về công nghệ thì yếu tố con người luôn quan trọng nhất, lãnh đạo doanh nghiệp là người am hiểu về công nghệ để đồng hành cùng doanh nghiệp chuyển đổi số hiệu quả.
Trong khi đó, phía Medlatec chia sẻ tập đoàn này quyết tâm chuyển đổi số với nguyên nhân bắt đầu từ chính những nỗi đau của mình. Đó là những sai sót về tài chính, về khám chữa bệnh, chất lượng khám không đồng đều giữa các tỉnh thành… Những thực tế đó đòi hỏi doanh nghiệp phải ứng dụng công nghệ để chuyển đổi số.
“Giờ đây, muốn đi xa, đi nhanh phải đi cùng công nghệ”, đại diện Medlatec nhấn mạnh.
![]() |
Doanh nghiệp đang đẩy mạnh chuyển đổi số để thích nghi với tình hình mới |
4 yếu tố để chuyển đổi số hiệu quả
Theo một nghiên cứu của Microsoft và IDC thực hiện tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, trước và sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, 74% lãnh đạo kinh doanh cho rằng đổi mới là điều bắt buộc và khả năng đổi mới đóng vai trò quan trọng đối với hiệu suất và khả năng chống chịu của doanh nghiệp.
Hầu hết, 98%, các doanh nghiệp tiên phong trong quá trình đổi mới, đều tin rằng đổi mới là chìa khóa để nhanh chóng đáp ứng thách thức và cơ hội của thị trường. Thực tế cho thấy họ là những doanh nghiệp đã trụ vững và phục hồi nhanh hơn hơn các doanh nghiệp khác trước khủng hoảng.
Các doanh nghiệp này có khả năng phản ứng nhanh (Response) trước khủng hoảng, họ có một nền tảng công nghệ vững chắc để phục hồi (Recovery) và họ đã bắt đầu xây dựng lại (Reimagine) chiến lược phát triển cho tương lai. Khả năng phục hồi (Resiliency), cụ thể là khả năng thích ứng nhanh chóng với các điều kiện thay đổi, đã trở thành nhân tố quyết định cho sự thành công trong môi trường hiện nay.
Ông Phạm Thế Trường, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam cho rằng: “Những doanh nghiệp đã triển khai công nghệ số là những doanh nghiệp có khả năng phục hồi nhanh chóng sau khủng hoảng. Với nền tảng công nghệ đám mây linh hoạt, họ có khả năng tùy chỉnh theo nhu cầu kinh doanh, tiết kiệm chi phí trong khi vẫn đảm bảo hiệu quả và khả năng kết nối trong toàn bộ tổ chức.
“Tại Microsoft, chúng tôi gọi đó là Tech Intensity hay Hàm lượng Công nghệ”, ông Trường nói, đồng thời nhấn mạnh các doanh nghiệp có hàm lượng công nghệ cao là những doanh nghiệp hội tụ đủ 4 yếu tố quan trọng của quá trình chuyển đổi số.
Trước hết đó là tầm nhìn và chiến lược. Nhiệm vụ của các doanh nghiệp không đơn thuần là làm thế nào để có thể trở lại trạng thái bình thường như trước, mà làm thế nào để kiên cường hơn trong một thế giới đã thay đổi.
Cùng đó là văn hóa hỗ trợ chiến lược và tầm nhìn, cũng như kích hoạt và trao quyền cho nhân viên. Các tổ chức chuyển đổi số thành công khi toàn bộ nhân viên thống nhất và làm việc trên những giá trị và tầm nhìn mà họ được chia sẻ.
Doanh nghiệp cũng cần có nguồn lực nhân sự được trang bị kỹ năng phù hợp để thực hiện chuyển đổi. Họ cũng cần có những nền tảng công nghệ thích hợp và an toàn với khả năng trao quyền cho nhân viên tiếp cận từ xa và phát triển kinh doanh trong bất cứ hoàn cảnh nào.
“Những doanh nghiệp hội tụ đủ 4 yếu tố này sẽ đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh khác biệt trong thời đại mới”, lãnh đạo Microsoft Việt Nam cho biết thêm.
Gửi bình luận