Thứ sáu, 26/04/2024

Chưa đến nhà thờ Đức Bà - chưa đến Sài Gòn

25/09/2021 12:18 PM (GMT+7)

Nhà thờ Đức Bà đã trở nên quá quen thuộc với người dân thành phố này từ quá lâu rồi. Bất kỳ một cuộc đi lượn nào, cũng phải đi ngang nhà thờ Đức Bà mới được xem là trọn vẹn.

Mặc dù Thiên Chúa giáo là tôn giáo du nhập vào sau, nhưng có lẽ, hình bóng nhà thờ trang nghiêm cổ kính đã sớm trở nên quen thuộc với người Việt.

Và ở Sài Gòn cũng thế, hầu như ai cũng biết đến hai cái nhà thờ sau. Thứ nhất là nhà thờ gần nhà, thứ hai là nhà thờ Đức Bà. Thậm chí có người chẳng biết gần nhà có nhà thờ nào không, nhưng chắc chắn sẽ biết đến nhà thờ thứ hai.

Chưa đến đây - chưa đến Sài Gòn - Ảnh 1.

Nhà thờ Đức bà lúc mới khánh thành, có thể nhìn rõ chưa có tháp chuông hai bên. Ảnh: TT&CS.

Bởi, nhà thờ Đức Bà đã trở nên quá quen thuộc với người dân thành phố này từ quá lâu rồi. Bất kỳ một cuộc đi lượn nào, cũng phải đi ngang nhà thờ Đức Bà mới được xem là trọn vẹn. Đi đâu không cần biết, phố đi bộ Nguyễn Huệ, chợ Bến Thành, công viên 23/9... nhưng sẽ quá thiếu sót nếu bỏ qua điểm nhà thờ Đức Bà này.

Nếu có thời gian, xin mời ai đó ra ngắm nhà thờ Đức Bà từ rạng sáng cho đến đêm khuya, trọn một ngày, để xem ngôi nhà thờ này có gì đặc biệt?

Rạng sáng, khi bình minh chuẩn bị phủ ánh nắng lên thành phố, nhà thờ đã bắt đầu đón tiếp những người đi lễ sớm. Đây đều là những giáo dân ngoan đạo, khá cứng tuổi, ăn mặc lịch sự đứng đắn. Ngay từ khi trời còn tờ mờ, người ta đã lục tục kéo đến. Số lượng không đông, nhưng do thường đi vào giờ này, nên họ đều nhớ mặt nhau, cùng nhau đi lễ sớm.

Bởi phần đông gồm những người có tuổi, nên hôm nào có ai đó không đến, là mọi người lại lo, nhỡ đâu có chuyện gì chẳng lành? Mãi đến khi gặp được vị phụ lễ, hỏi rõ ngọn ngành, thấy phụ lễ bảo hôm nay "cha" không phải đi làm lễ tang, mới yên tâm rằng vị vắng mặt vẫn bình an vô sự.

Chưa đến đây - chưa đến Sài Gòn - Ảnh 2.

Một đôi đang chụp ảnh cưới. Ảnh: TL.

Xong lễ sớm, thành phố bắt đầu ồn ào náo nhiệt, mọi người đi làm, nhà thờ lại nép mình vào nhịp sống hối hả. Đấy bắt đầu một ngày mới với hàng loạt hoạt động. Nhà thờ trở thành tâm điểm, thành trái tim của cả thành phố. Hàng đoàn du khách từ khắp nơi đến đây, tham quan chụp ảnh, cho chim bồ câu ăn. Ngay công viên 30/4 gần đó, những quán cà phê "bệt" bắt đầu đông khách.

Đến trưa, đừng tưởng nhà thờ nghỉ trưa. Trưa nắng gắt, là thời điểm tuyệt vời để chụp hình cưới. Có lúc có gần cả chục cặp cô dâu – chú rể chen chúc cùng nhau chụp ảnh cưới. Dù có đạo hay không, đây vẫn là điểm không thể thiếu để ghi dấu ngày hạnh phúc trọng đại.

Từng có lúc trưa nắng quá, chảy hết son phấn, cô dâu phải trang điểm đi trang điểm lại mấy bận. Oải nhất lúc mưa, gần đấy không có nhà cửa, quán xá lại khá xa, thế là nhà thờ mở cửa để các cặp uyên ương vào trong trú tạm. Mà cần gì phải đến đám cưới mới chụp, khối người vẫn ra đây làm đủ kiểu ảnh để "cúng" facebook cơ mà.

Buổi chiều, tiếp tục với các hoạt động ban sáng, vẫn là nơi tập trung, điểm đến ưa chuộng của các du khách. Với du khách nước ngoài, khi đăng những tấm ảnh lên mạng xã hội, với Dinh Độc Lập, chợ Bến Thành... chưa chắc gì bạn bè của họ đã nhận ra. Nhưng chỉ cần có tấm ảnh nhà thờ Đức Bà, thế nào họ cũng biết đấy là Sài Gòn, Hochiminh city, Vietnam.

Chưa đến đây - chưa đến Sài Gòn - Ảnh 3.

Đường sách Nguyễn Văn Bình, nằm nép mình bên cạnh nhà thờ, luôn là một nét son văn hóa của TP.HCM.

Đến đêm, nhà thờ trở lại vẻ trầm mặc vốn có. Mặc dù nằm ngay khu quận 1 sôi động với các hoạt động về đêm, nhưng hầu như nơi đây ít khi nào bị quấy nhiễu, làm phiền. Một bọn thanh niên chạy xe rồ ga hú hét, nhưng ngang đây bỗng nhiên đi chậm lại. Một ông say rượu chạy xe lảo đảo, có thể phóng uế bất kỳ nơi đâu, trừ nơi này. Gần như trong tiềm thức người dân nơi đây, có thể vớ vẩn ở đâu cũng được, nhưng chừa chốn này ra. Bởi đây, như đã nói, đã trở thành biểu tượng của thành phố rồi.

Vui nhất ở đây, phải nói là dịp Noel. Có được chỗ đứng chân quanh nhà thờ vào dịp này đã vô cùng khó, huống hồ có thể được vào thánh đường dự lễ. Người có đạo chắc chắn có động lực để đi. Ấy vậy mà có một ông kia, không phải dân đạo, cũng chui được vào đúng dịp Noel. Sao mà tài vậy? Bởi ông đang yêu một cô trong đạo, Noel cô đi nhà thờ này, ông cũng lót tót theo sau. Vào làm lễ, người ta hát thánh ca, ông lóng ngóng không biết hát gì bèn lẩm nhẩm hát đại "tôi đứng bên này sông, bên kia vùng lửa khói...".

Có một tay chuyên săn ảnh, mê nhà thờ Đức Bà như điếu đổ. Trong bộ sưu tập của anh này, đến một nửa số ảnh là nhà thờ Đức Bà. Theo chân anh mới thấy, để chụp được các góc ảnh đẹp cũng khổ phết. Đúng là cái đam mê nó hành ta.

Muốn một góc trên cao thiệt xịn nào có dễ. Có khi đấy là một quán cà phê, một quán bar đắt tiền trên một tòa nhà. Riêng tiền nước cũng phải hơn cả trăm nghìn cho một ly cà phê.

Rồi những tòa nhà không có quán, phải thế nào mới vào được mà chụp? Phải vờ như nhân viên trong đấy, gặp bảo vệ phải trả lời như đúng rồi, đi vào phải mạnh dạn, khoan thai, kẻo người ta nghi. Lên đến tầng đã định từ trước, mới yên ổn ngắm nghía chụp một tấm hình ưng ý.

Chưa đến đây - chưa đến Sài Gòn - Ảnh 5.

Diện mạo Nhà thờ Đức Bà khoảng năm 1890-1895 nhìn từ đường Catinat, nay là đường Đồng Khởi. Ảnh tư liệu

Chưa đến đây - chưa đến Sài Gòn - Ảnh 6.

Năm 1965, cả hai tháp chuông được sửa chữa. Ảnh: Robert Gauthier.

Đẹp này, biểu tượng này, ai cũng biết rõ. Nhưng có điều, với những người qua lại, đa số chỉ được nhìn ngôi nhà thờ cổ kính này từ phía sau mà thôi. Vì sao? Vì con đường Đồng Khởi chỉ có một chiều, từ nhà thờ chạy ra bờ sông. Nên theo dòng lưu thông, chúng ta chỉ thấy được nhà thờ từ phía sau, đến khi chạy đến phía trước chỉ ngắm vội được một chút đã phải chú ý nhìn xe cộ trên đường.

Với người yêu nhà thờ này, ước rằng một ngày nào đó đường Đồng Khởi được cho chạy chiều ngược lại. Để họ có thể từ từ chạy từ hướng bờ sông về phía nhà thờ, để được ngắm nhà thờ dần dần hiện ra từng chút một từ xa đến gần. Một ông bạn đã từng liều lĩnh chạy xe ngược chiều để được ngắm như thế bảo: "Lúc đấy, mới cảm được hết vẻ đẹp uy nghi lộng lẫy của ngôi giáo đường nổi tiếng bậc nhất nước ta".

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Sân bay Tân Sơn Nhất lên phương án phục vụ cao điểm lễ 30/4

Sân bay Tân Sơn Nhất lên phương án phục vụ cao điểm lễ 30/4

Dự kiến đón gần 700.000 lượt khách trong giai đoạn cao điểm lễ từ 26/4– 1/5, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã lên phương án, tăng cường nhân lực phục vụ.

Sách: Điện Biên Phủ qua góc nhìn người lính, những người tham gia vào công cuộc tái thiết

Sách: Điện Biên Phủ qua góc nhìn người lính, những người tham gia vào công cuộc tái thiết

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024), Nhà xuất bản Trẻ phát hành bộ sách tuyệt đẹp với thiết kế bìa đồng bộ của họa sĩ Mai Quế Vũ.

Diễn đàn quốc tế Trinity lần đầu tại Việt Nam sẽ hỗ trợ nhiều lĩnh vực kinh tế

Diễn đàn quốc tế Trinity lần đầu tại Việt Nam sẽ hỗ trợ nhiều lĩnh vực kinh tế

Nhiều lĩnh vực liên quan đến hàng không được kỳ vọng sẽ nhận thêm trợ lực mới thông qua diễn đàn quốc tế Trinity 2024 tại TP.HCM tháng 11 tới đây.

Những sản phẩm du lịch Hạ Long hấp dẫn dịp hè 2024

Những sản phẩm du lịch Hạ Long hấp dẫn dịp hè 2024

TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) đã và đang trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của du khách trong và ngoài nước mỗi mùa du lịch hè. Với mục tiêu không ngừng đổi mới, địa phương cũng đang tập trung đưa các sản phẩm du lịch mới vào hoạt động.

Tour nội địa “lép vế” tour nước ngoài dịp lễ 30/4

Tour nội địa “lép vế” tour nước ngoài dịp lễ 30/4

Nhu cầu đi du lịch lễ 30/4 năm nay tăng cao khi kỳ nghỉ kéo dài đến 5 ngày. Tuy nhiên, sức nóng lại đang dồn vào các tour du lịch nước ngoài hơn là du lịch nội địa.

Thử nấu món ăn, thức uống từ những bộ phim đình đám

Thử nấu món ăn, thức uống từ những bộ phim đình đám

Không ít lần ta đã bắt gặp những món ăn hấp dẫn trên phim ảnh, vậy thì liệu các món ăn này sẽ như thế nào khi chế biến ngoài thực tế?