Chở đầy yêu thương đến trẻ em nghèo trên chuyến xe “Sữa 0 đồng”

Chinh Hoàng Thứ tư, ngày 29/09/2021 19:14 PM (GMT+7)
Khi Sài Gòn đang là “điểm nóng” của dịch bệnh Covid-19; cũng là lúc chuyến xe yêu thương mang tên “Sữa 0 đồng” được tạo nên và vận hành, bởi vợ chồng anh Trần Hữu Bắc.
Bình luận 0

Giãn cách xã hội kéo dài, khiến nhiều gia đình ở TP.HCM lâm vào tình cảnh khốn khó, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc và hơn hết, là không có đủ tiền mua sữa cho con.

Thấu hiểu vấn đề này, anh Trần Hữu Bắc cùng với vợ mình đã lập nên chương trình "Sữa 0 đồng", dành tặng riêng cho các bé có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, dưới 2 tuổi ở khắp các ngõ hẻm tại Sài Gòn.

Shipper chính hiệu

"Dạ alo… chị ơi, cho em hỏi phải chị Mỹ Phương không ạ - Dạ em bên chương trình "sữa 0 đồng", em đến giao sữa cho chị đây ạ - Dạ chị ra trước ngõ 54 Phạm Văn Chiêu nhận nhé - Đầu dây bên kia: Dạ, dạ cảm ơn anh rất nhiều, em ra ngay…".

Chở đầy ắp yêu thương đến cho trẻ em nghèo ở Sài Gòn trên chuyến xe “sữa 0 đồng” - Ảnh 1.

Anh Bắc mang sữa đến địa chỉ cần giao, xem lại tên trong danh sách để gọi người nhận. Ảnh: Chinh Hoàng.

Gần 3 tháng qua, anh Trần Hữu Bắc (30 tuổi, ngụ tại Gò Vấp) đã không ngại vượt gian khó trên mọi nẻo đường, các ngóc ngách ngõ hẻm ở Sài Gòn; để đến tận nơi, gặp tận mặt, trao tận tay những hộp sữa cho các trẻ em nghèo.

Ít ai biết được rằng, trong quãng thời gian trước đó, khi chương trình "sữa 0 đồng" chưa được thành lập. Anh Bắc là người vận chuyển lương thực, thực phẩm đến hỗ trợ, tiếp tế cho những người dân tại các nhà trọ bị phong tỏa, người vô gia cư, bệnh viện dã chiến, bệnh viện nhi đồng TP.HCM…

Khi trở về nhà sau những chuyến đi kể trên, anh Bắc có những triệu chứng khó thở, ho và sốt. Kết quả kiểm tra test nhanh nhiều lần cho thấy anh âm tính với Covid-19. Nhưng trớ trêu thay, vợ và con anh lại nhiễm bệnh không rõ nguồn lây.

Tạm gác lại phía sau tất cả mọi hoạt động thiện nguyện, anh Bắc tập trung lo chăm sóc cho vợ con của mình. Rất may tầm khoảng 10 ngày sau đó, vợ và con anh cũng dần hồi phục, nhiều lần test nhanh có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Chở đầy ắp yêu thương đến cho trẻ em nghèo ở Sài Gòn trên chuyến xe “sữa 0 đồng” - Ảnh 2.

Anh Bắc cẩn thận rà soát kỹ lưỡng từng tên người nhận. Ảnh: Chinh Hoàng.

"Tôi đã rất hoảng loạn, khóc rống lên, khi biết vợ con nhiễm bệnh; rồi tự trách bản thân, trách đời sao bất công. Đáng lý ra, tôi mới là người bị nhiễm…" - anh Bắc mở đầu câu chuyện.

Anh Bắc cho biết, khi có ý tưởng và thực hiện chuyến xe mang "Sữa 0 đồng" đến cho trẻ em nghèo trong mùa dịch này. Trước đó, vợ chồng anh đã có hơn 6 năm hoạt động thiện nguyện.

Chính vì thế, anh Bắc nhận định rằng, việc tiếp tế thực phẩm đến các khu cách ly đặc biệt dành cho bệnh nhân Covid-19, hay đi tặng sữa cho trẻ em, đối với anh là những việc làm rất bình thường.

"Xuất phát từ tâm và tấm lòng của hai vợ chồng tôi thôi. Mình thích thì mình làm, miễn sao đêm về ngủ ngon không áy náy, cắn rứt với lương tâm là được. Vả lại nếu ai cũng có suy nghĩ sợ sệt vậy thì cuộc sống này thật tệ hại" - anh Bắc tâm sự.

Kể về cơ duyên ra đời của chương trình "Sữa 0 đồng", anh Bắc cho hay: "Trong tất cả những chuyến thiện nguyện của mình như đã nói trước đó, nhiều lần anh đã nhận được phản hồi rất lớn từ phía những người dân, sau khi họ nhận được những món quà của anh".

Chở đầy ắp yêu thương đến cho trẻ em nghèo ở Sài Gòn trên chuyến xe “sữa 0 đồng” - Ảnh 3.

Trao sữa cho trẻ em nghèo ở xóm trọ bị phong tỏa, tại đường Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp). Ảnh: Chinh Hoàng.

Trong số đó, ám ảnh và khiến anh đau đáu suy nghĩ nhiều nhất là câu nói: "Chúng tôi có thể ăn cơm với nước mắm vẫn qua ngày được, bọn trẻ con có thể không mặc tã vì chúng tôi lau dọn được. Nhưng con khát sữa là điều đau lòng, bất lực nhất của những người làm cha mẹ".

"Xuất phát điểm là ở câu nói này, tôi cùng vợ quyết định nhanh chóng đưa chương trình "Sữa 0 đồng" vào hoạt động ngay tức khắc" - anh Bắc chia sẻ.

Theo anh Bắc, ban đầu khi bắt tay vào công việc này anh dự tính chỉ làm 500 suất sữa cùng với bỉm cho trẻ em ở một số quận, huyện lân cận gần nơi anh sống. Tuy nhiên điều anh không ngờ tới, đó là sức lan tỏa quá mạnh. Tính tới thời điểm hiện tại đã có hơn 4.000 phần bỉm sữa được trao, quận nhiều nhất là 500 phần. Riêng địa bàn thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương hơn 1.000 phần.

Do số lượng đăng ký của những cha mẹ có em nhỏ nhiều dần mỗi ngày. Nên suốt quá trình đi và trao tặng sữa của anh Bắc, sẽ có các đội tình nguyện viên cùng tiếp sức, hỗ trợ trao giùm anh.

Ngoài đi theo các đoàn tình nguyện viên, đến trực tiếp các nơi trao quà cho các em nhỏ, thời gian rảnh, anh Bắc chất đầy sữa hộp lên xe máy riêng của mình kèm theo sữa tươi, nước và bánh. Chạy lân cận quanh các khu trọ bị phong tỏa anh tranh thủ giao sữa cho những phụ huynh có con nhỏ tại đó.

"Tôi ra khỏi nhà từ 8h sáng và quay trở về lúc chập tối, nhiều lúc cũng mệt, mỏi chân, mỏi mắt lắm vì khi đi phải mang bộ đồ bảo hộ kín mít. Thời tiết lại quá nóng nực, nhưng không sao cả miễn khi nào vợ tôi cũng ủng hộ, động viên và hơn hết những đứa trẻ nghèo có sữa để uống là tôi thấy vui rồi" - anh Bắc nói.

Kể về những câu chuyện ấn tượng trên hành trình đi tặng sữa của mình, anh Bắc chia sẻ, có hôm trời mưa lớn khi đi tặng sữa qua địa bàn huyện Bình Chánh có bé gái khoảng 7 tuổi đạp xe theo sau anh hơn 1km.

Dừng lại và hỏi chuyện thì biết được bé gái này thấy xe của mình chở sữa nên chạy theo xin cho đứa em 1 tuổi ở nhà. Ba mẹ hiện thất nghiệp mấy tháng nay và không đủ khả năng mua sữa cho em bé.

"Tôi hỏi, nếu bây giờ chỉ có một sự lựa chọn hoặc là con, hoặc là em của con, vậy con chọn ai. Đứa bé nhanh chóng trả lời con chọn em, vì em của con cần sữa hơn con, thương lắm ! Tôi chỉ mong sao Sài Gòn nhanh chóng bình thường trở lại thôi" - anh Bắc xúc động.

Hậu phương vững chắc

Trong cuộc hành trình trên chuyến xe chở "Sữa 0 đồng", theo lời kể của anh Bắc, thì chị Lê Thị Dinh (vợ anh Bắc) là một hậu phương mạnh mẽ, vững chắc.

Chị Dinh luôn động viên, hỗ trợ cho anh từ phía sau như việc lên sổ sách, chốt những phần quà đã trao, ghi lại danh sách mạnh thường quân đã chung tay cùng vợ chồng mình hỗ trợ trẻ em nghèo.

Trò chuyện với phóng viên Dân Việt chị Dinh cho hay, hôm 26/7 phát hiện mình dương tính với SARS-CoV-2, chị đã cố gắng bình tĩnh hết sức để trấn an tinh thần cho anh Bắc.

Chở đầy ắp yêu thương đến cho trẻ em nghèo ở Sài Gòn trên chuyến xe “sữa 0 đồng” - Ảnh 5.

Chị Lê Thị Dinh, hậu phương vững chắc của anh Bắc. Ảnh: NVCC.

Theo chị Dinh, đáng sợ nhất là ngay ngày hôm sau, con của chị cũng có triệu chứng rồi phát bệnh. "Lúc đó mọi thứ đối với tôi trở nên sụp đổ, là bản thân phụ nữ có con luôn đặt con là số 1. Từ khi có con tôi luôn sợ, lo lắng cho con đầu tiên. Nếu bản thân một mình thì cũng không sợ nhiều, không có gì phải lo lắng cho tương lai cả" - chị Dinh xúc động.

Chị kể, trong khoản thời gian mình cùng con mắc bệnh, anh Bắc tạm gác lại những công việc thiện nguyện, một tay chăm lo cho hai mẹ con cho đến khi khỏi bệnh. "Bình thường ông Bắc đi làm hay đi tặng quà từ sáng đến tối mới về. Không quen với mấy công việc này đâu, đôi lúc thấy ông luống cuống kể ra rất đáng thương" - chị Dinh cười.

Chở đầy ắp yêu thương đến cho trẻ em nghèo ở Sài Gòn trên chuyến xe “sữa 0 đồng” - Ảnh 6.

Ngày 26/7 , chị Dinh cùng con trai của mình dương tính với Covid-19, sau 10 ngày điều trị tại nhà, hiện sức khỏe đã bình phục. Ảnh: NVCC

Chia sẻ những suy nghĩ, quan điểm của mình về làm từ thiện, chị Dinh cho biết: Bắt đầu từ năm 2015, chị thường xuyên đến bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, để hỗ trợ cho những đứa trẻ mới sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mỗi phần quà cho một đứa trẻ là sữa, tã, kèm theo một ít tiền. Nhà nào quá khó khăn quá thì nhiều phần quà hơn tùy theo điều kiện kinh tế của chị.

Sau khoảng thời gian, chị Dinh đi thường xuyên và nhận thấy bản thân không thể kham nổi khoảng tiền với chi phí lớn vì quá đông, chị đành kêu gọi mọi người là những người bạn thân, anh em thân thiết ủng hộ thêm vào quỹ để giúp được nhiều đứa trẻ hơn.

"Đã 6 năm tôi đi làm từ thiện rồi, sau bất cứ chương trình nào tôi kêu gọi sẽ có danh sách cụ thể nhưng không sao kê. Tôi nghĩ làm từ thiện là từ tâm, để an vui thôi chứ không phải làm từ thiện để ăn lương, được lộc gì.

Chở đầy ắp yêu thương đến cho trẻ em nghèo ở Sài Gòn trên chuyến xe “sữa 0 đồng” - Ảnh 7.

Chị Dinh soạn sữa, đóng cẩn thận vào hộp, ngoài ra chị còn giúp anh Bắc lên giấy tờ sổ sách ghi lại danh sách mạnh thường quân đã đóng góp, ủng hộ. Ảnh: Chinh Hoàng.

Nếu mình làm mọi thứ minh bạch thì không sợ gì thị phi, tôi nghĩ bản thân mỗi người sẽ có tư tưởng khác nhau. Tôi chỉ là cá nhân kêu gọi từ thiện bình thường. Khi nhận được số tiền quá lớn, người ta dễ bị lung lạc, còn tôi chỉ nhận những số tiền nhỏ nhỏ từ anh em, bạn bè, người thân và hơn hết, tôi thương thì làm thôi, làm được tới đâu thì làm" - chị Dinh nói.

Cũng theo chị Dinh, từ khi chuyến xe "Sữa 0 đồng" hoạt động cho đến nay, với sự lan tỏa mạnh mẽ được nhiều người biết đến. Hằng ngày cả anh lẫn chị đều nhận được những phản hồi tích cực từ phía ba mẹ có trẻ nhỏ. "Hai vợ chồng tôi rất vui, hạnh phúc chỉ là đóng góp một chút sức lực cho công tác chống dịch của thành phố thôi, mong thành phố nhanh chóng "khỏi bệnh", để mọi người sớm được đi làm trở về cuộc sống như bao ngày" -  chị Dinh bộc bạch.


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem