Chính sách tiền tệ của Việt Nam năm 2022 có thể "lệch pha" với xu hướng chung trên thế giới

Quốc Hải Thứ ba, ngày 04/01/2022 10:39 AM (GMT+7)
Tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ tăng dần từ nửa đầu năm và đạt đỉnh trong quý 3. Việt Nam cũng như một số nước đang phát triển có thể tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công và trì hoãn việc thắt chặt chính sách tiền tệ, ít nhất là thêm một năm nữa…
Bình luận 0
Chính sách tiền tệ của Việt Nam năm 2022 có thể "lệch pha" với xu hướng chung trên thế giới - Ảnh 1.

Lãi suất có thể chạm đáy năm 2022 nhưng sẽ phục hồi tùy thuộc vào tốc độ phục hồi kinh tế... Ảnh: T.L

Đây là nhận định của các chuyên gia SSI Research trong báo cáo triển vọng về thị trường chứng khoán 2022 vừa được công bố.

Theo SSI Research, về triển vọng kinh tế vĩ mô năm 2022, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 của Chính phủ nằm trong khoảng 6%-6,5% YoY; CPI tăng khoảng 4%. Tuy nhiên, trong trường hợp gói kích thích kinh tế được giải ngân có hiệu quả, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể vượt mức 7% trong năm 2022 trên nền so sánh thấp giai đoạn 2020-2021.

Đặc biệt, SSI Research cũng đưa ra một số giả định.

Thứ nhất, Covid-19 vẫn là mối quan tâm hàng đầu. Việt Nam đạt mục tiêu tiêm chủng vào giữa tháng 12/2021 (tỷ lệ bao phủ vaccine đối với dân số trưởng thành đạt gần như 100%) và kế hoạch đối với mũi tiêm tiếp theo có thể sẽ được hoàn thiện trước Tết Nguyên đán. Đối tượng thanh thiếu niên (độ tuổi từ 12-17 tuổi) cũng sẽ đạt đủ 2 mũi vào thời điểm đó.

Tăng cường năng lực y tế vẫn là một trong những mục tiêu quốc gia hàng đầu thông qua triển khai các phương pháp điều trị hiệu quả hoặc miễn dịch cộng đồng.

Khách du lịch quốc tế, trường học mở cửa trở lại, việc Việt Nam đăng cai tổ chức SeAGames 31 vào tháng 5 và dòng vốn FDI… là một số những yếu tố chính cần theo dõi để có thể khẳng định xu hướng mở cửa trở lại có bền vững hay không.

Thứ hai, chính sách tiền tệ, tài khóa của Việt Nam sẽ lệch pha với xu hướng chung trên thế giới. Việt Nam, cũng như một số nước đang phát triển, có thể tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công và trì hoãn việc thắt chặt chính sách tiền tệ, ít nhất là thêm một năm nữa.

Mặc dù vẫn phải đối mặt với rủi ro lạm phát, việc thận trọng mở cửa trở lại (do biến thể Omicron) có thể giúp làm giảm áp lực lên mặt bằng giá cả chung, tạo ra không gian cho các nhà hoạch định chính sách.

"Chúng tôi cho rằng chỉ số CPI có thể xấu đi từ quý 2 và lãi suất chạm đáy trong năm 2022, nhưng xu hướng của lãi suất sẽ phụ thuộc vào tốc độ phục hồi kinh tế. Theo kịch bản cơ sở của chúng tôi, lãi suất ước tăng không đáng kể trong năm 2022 và không tạo ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh", chuyên gia SSI Research, bình luận.

Đặc biệt, gói kích thích kinh tế (hay còn gọi là chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2022-2023) dự kiến chính thức được thông qua vào ngày 11/1.

Tuy nhiên, theo SSI Research, chương trình này không chỉ có quy mô lớn hơn, toàn diện hơn mà cần được giải ngân hiệu quả hơn. Mục tiêu của chương trình là hỗ trợ cho nhiều ngành kinh tế nhưng không sâu rộng như trước đây.

Bên cạnh việc miễn, giảm thuế, hỗ trợ trực tiếp cho người dân bằng tiền mặt, gia hạn phân loại nợ xấu, giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ tín dụng các lĩnh vực chịu ảnh hưởng từ Covid-19, hỗ trợ xây nhà cho người lao động (như nhà ở xã hội…) hoặc hỗ trợ lãi suất, thì đầu tư vào cơ sở hạ tầng là một trọng tâm của gói kích thích kinh tế lần này.

Chính sách tiền tệ của Việt Nam năm 2022 có thể "lệch pha" với xu hướng chung trên thế giới - Ảnh 3.

Tăng trưởng kinh tế năm 2022 có thể đạt tới 2 chữ số... Ảnh: SSI Research

"Chính phủ có thể sẽ tập trung vào các dự án hiện có và thực hiện việc chuyển đổi các dự án PPP thành 100% vốn đầu tư công, hoặc hỗ trợ giải phóng mặt bằng… để có thể giải ngân nhanh chóng. Một số dự án có thể kể đến như dự án cao tốc Bắc Nam – giai đoạn 2 (phía đông) hoặc một số đường vành đai tại TP.HCM hoặc Hà Nội", chuyên gia SSI Research, kiến nghị.

Ngoài ra, môi trường pháp lý sẽ được cải thiện đáng kể sau 1 năm thực hiện kế hoạch 5 năm. Với việc đồng thời sửa đổi 8 luật (trong đó có Luật đầu tư, Luật đầu tư công, Luật doanh nghiệp….) ngay trong tháng 1, đi kèm với các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống, ví dụ như tăng cường quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

"Nhờ các yếu tố này, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ tăng dần từ nửa đầu năm và đạt đỉnh trong quý III với tốc độ tăng trưởng có thể lên tới hai chữ số", chuyên gia SSI Research, dự báo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem