Cuộc gọi lúc nửa đêm…
Ở phòng cấp cứu Trung tâm Bệnh nhiệt đới không có khái niệm ngày nghỉ thứ bảy hay chủ nhật. Những bước chân hối hả, tiếng máy móc dồn dập, những giọt mồ hôi rơi dài trên gương mặt đầy quyết tâm của các bác sĩ... tất cả để giành giật sự sống cho người bệnh.
![]() |
TS Đỗ Duy Cường kiểm tra phim chụp của bệnh nhân. Ảnh: Hương Giang. |
PGS.TS Đỗ Duy Cường một tay cầm chồng hồ sơ bệnh án, tay kia cầm tấm phim chụp phổi của người bệnh, không nề hà mỏi mệt, ông đến từng giường để thăm khám cho những người vừa nhập viện. Ông bảo, những ngày này Hà Nội đang cao điểm của bệnh cúm và bệnh sởi. Lượng bệnh nhân nhập viện tăng đột biến nên các bác sĩ, y tá, điều dưỡng… của trung tâm gần như căng mình để trực.
Ông N.M.C. (57 tuổi, quê huyện Thông Bình, tỉnh Yên Bái) mắc cúm trên nền bệnh xơ gan, nhiễm trùng huyết. TS Cường cho biết, bệnh nhân nhập viện với triệu chứng sốt cao, suy hô hấp. Ông C. được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới trong tình trạng rất nặng, hai lá phổi gần như trắng xóa…
Suốt từ khi bệnh nhân này nhập viện, TS Cường cùng các bác sĩ, y tá của trung tâm luôn túc trực 24/24, liên tục hội chẩn, đưa ra các phương án cứu sống người bệnh.
Nhờ sự tận tâm, luôn hết lòng vì người bệnh của TS Cường và đồng nghiệp mà nhiều bệnh nhân đã vượt qua được nguy hiểm. Những người đồng nghiệp và bệnh nhân của TS Cường vẫn nhớ như in câu chuyện ông đã góp phần cứu sống một ca mắc bệnh sốt xuất huyết hết sức đặc biệt.
![]() |
Bảng ghi tên bệnh nhân mắc cúm, sởi… vào nhập viện trong thời gian gần đây. Ảnh: Hương Giang. |
Chị Nguyễn Hương Giang (công tác tại Bệnh viện Nhi Trung ương) đưa con ra nước ngoài học tập, khi đến Bỉ thì chị bị sốt cao và được đưa vào một bệnh viện điều trị. Bệnh của chị nặng dần với biểu hiện sốt liên tục 38,5 độ, kèm theo xuất hiện đi ngoài phân đen và nôn ra máu tươi… Là bác sĩ nên chị Giang biết mình bị mắc sốt xuất huyết. Mặc dù điều kiện cấp cứu, điều trị bên đó rất hiện đại, nhưng chị lo lắng các bác sĩ có nhiều kinh nghiệm điều trị các căn bệnh vùng nhiệt đới. Chị quyết định liên lạc với TS Đỗ Duy Cường - người có kinh nghiệm trong điều trị sốt xuất huyết để được tư vấn. TS Cường nhận được điện thoại của chị Giang vào nửa đêm, lập tức đề nghị kết nối với các bác sĩ Bỉ để trực tiếp trao đổi, hội chẩn…Suốt những ngày sau đó, các đồng nghiệp ở Bỉ liên tục cập nhật tình hình bệnh nhân cho TS Cường để trao đổi kinh nghiệm, có phác đồ điều trị bệnh sốt xuất huyết phù hợp. Sau một tuần, chị Giang đã nhanh chóng hồi phục.
Theo TS Đỗ Duy Cường, chị Giang đã bị nhiễm sốt xuất huyết khi còn ở Việt Nam, khi đến Bỉ thì khởi phát bệnh. Ông cho biết, hiếm có ca sốt xuất huyết nào có biến chứng nôn ra máu nhiều như thế. May mắn là bệnh nhân đã qua khỏi.
Nhớ lại thời điểm đó, chị Giang vẫn chưa hết bàng hoàng. Chị bảo, khi ấy chị từng nghĩ mình sẽ chết nơi đất khách quê người. Nhưng đúng vào lúc chị hoang mang nhất, chị đã được người đồng nghiệp là TS Cường giúp đỡ, vượt qua được lằn ranh của cái chết chỉ cách trong gang tấc…
Trăn trở và những nỗi niềm tiếc nuối
Câu chuyện với chúng tôi nhiều lần dở dang khi khoa cấp cứu của trung tâm liên tục tiếp nhận những ca bệnh mới. Bỏ dở câu chuyện, TS Cường vội vã chạy xuống phòng cấp cứu để khám và đọc hồ sơ bệnh án ngay tại giường bệnh…
TS Cường cho biết, năm nay thời tiết thay đổi, môi trường ô nhiễm khiến số lượng bệnh nhân nhập viện do mắc sởi, cúm, thủy đậu, quai bị gia tăng. Chỉ vào tấm bảng ghi tên bệnh nhân nhập viện, ông bảo: “Tại thời điểm này có tới 35 bệnh nhân vào cấp cứu do các bệnh liên quan đến hô hấp. Trong đó 2/3 số người bệnh mắc cúm, số còn lại là bị các bệnh như sởi, thủy đậu… Những bệnh này xảy ra quanh năm, tuy nhiên 1 tháng trở lại đây, số lượng bệnh nhân tăng đột biến. Đặc biệt, số lượng bệnh nhân là người lớn bị cúm, sởi diễn biến nặng nhập viện khá đông” – TS. Cường nói.
![]() |
TS Đỗ Duy Cường (giữa) đang thăm khám cho bệnh nhân tại phòng cấp cứu. Ảnh: Hương Giang. |
Giọng ông chùng xuống khi nói về một nam bệnh nhân mới 21 tuổi ở Cẩm Phả, Quảng Ninh – người đã không qua khỏi vì bệnh cúm mùa. Theo TS Cường, bệnh nhân được bệnh viện tuyến tỉnh chuyển lên trong tình trạng khá nặng. Ông này bị ho, sốt nhưng cứ nghĩ bị cảm thông thường nên không đến bệnh viện chuyên khoa khám ngay. Đến khi được đưa vào cấp cứu thì đã biến chứng quá nặng. Toàn bộ hai lá phổi trắng xóa do bị virus cúm tấn công, không thể cứu chữa.
Ngày ký hồ sơ để người nhà đưa bệnh nhân về nhà lo hậu sự, TS Cường nuối tiếc và đau lòng. Ông bảo, giá như người thanh niên ấy đến khám chuyên khoa sớm hơn, được điều trị kịp thời theo phác đồ của các bác sĩ giàu kinh nghiệm thì đã có cơ hội được sống…
TS Cường bảo, những người thầy thuốc nói chung, đặc biệt là các thầy thuốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới luôn đối mặt với những hiểm nguy luôn rình rập. Bởi đặc thù của trung tâm là điều trị những bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp. Do vậy không ít lần các bác sĩ, y tá, điều dưỡng ở trung tâm sau khi chăm sóc bệnh nhân thì cũng đổ bệnh do bị lây nhiễm.
Ông chia sẻ chân tình, những người đồng nghiệp của ông đều làm việc trong môi căng thẳng, áp lực. Nếu không yêu nghề thì sẽ không thể đi được đường dài.
“Sứ mệnh của người thầy thuốc là giành giật mạng sống cho mọi người bằng mọi giá. Thế nên khi các bệnh nhân đến với chúng tôi và được điều trị khỏe mạnh, mọi mệt mỏi, áp lực của chúng tôi đều tan biến. Và đó chính là động lực để chúng tôi tiếp tục bước tiếp trên con đường này…” – TS Cường chia sẻ.
Gửi bình luận