Cái nghèo in rõ trên vách tường đất sét loang lổ. Mẹ cắt tấm lịch cũ in những câu đối dán đè lên những chỗ lịch cũ rách tươm. Mấy câu đối thư pháp cong lên vút xuống xếp dọc rồi xếp ngang, tôi nghiêng người “ngâm cứu” mãi mới đọc trọn vẹn được. Khi ấy, tôi tròn sáu tuổi.
![]() |
Cả năm chỉ mỗi cái quần tây xanh và chiếc áo trắng là tinh tươm lành lặn nhất, nên luôn khao khát có thêm một chiếc áo mới. Ảnh: TL |
Tôi ngồi thù lù trên tấm ván gỗ được chắp vá từ nhiều tấm ván do ba tôi đi làm thợ hồ mang về từ chỗ nhà này nhà kia. Nhìn mẹ trang trí căn nhà bằng tấm lịch của năm trước, tôi chắc rằng Tết đã đến gần hơn rồi. Mắt tôi dán lên tường nhà, nhìn động tác của mẹ làm một cách chăm chú mà trong đầu lại dấy lên những mộng mơ về ngày Tết.
Gà luộc, vịt luộc, thịt kho, măng kho, bánh kẹo, bánh tét… ôi trong đầu tôi mường tượng toàn đồ ăn. Tết về, nghĩ đến đồ ăn là điều đầu tiên. Không phải tôi là cô bé ham ăn, dù có hơi mập so với những đứa trẻ nghèo thiếu ăn hồi đó, chỉ là một năm miệng tôi làm bạn với các loại rau, khoai, đậu hũ, thì Tết đến được làm bạn với “các loại đạm đường” quả là tuyệt trần gian. Nghĩ đến chỉ có từ “thèm” mới miêu tả hết được.
Sau đồ ăn là đến đồ mặc, tôi bắt đầu tơ tưởng đến việc được mẹ mua cho cái áo hoặc cái quần mới. Cả năm chỉ mỗi cái quần tây xanh và chiếc áo trắng là lành lặn nhất, nên nỗi khao khát có thêm một chiếc áo hay cái quần mới là điều hiển nhiên.
Làm gì có dịp nào để công khai đòi mua quần áo như dịp Tết. Nhưng khi nhìn thấy mẹ mặc mỗi bộ đồ bằng thun đã sờn vai chắp vá, tôi lại không dám mở miệng đòi sắm đồ Tết. Lúc ấy, so với những đứa bạn cùng tuổi, vì sống chung với cái nghèo cái đói quen nên tôi rõ đã hiểu chuyện. Sợ rằng mẹ sẽ khổ khi tôi đòi mua quần áo mới. Vậy là tôi ngậm ngùi giấu nhẹm ao ước và mong muốn đồ mới.
![]() |
Niềm vui sướng hiện rõ trên gương mặt khi được mẹ mua sắm quần áo Tết. Ảnh: TL |
Có những đêm trên chiếc giường nhỏ, tôi nằm gác tay lên chị tôi, hai chị em lại thủ thỉ chuyện ngày Tết. Hóa ra chị cũng như tôi, cũng nói về đồ ăn trước, rồi buồn thiu nói về chuyện quần áo. Chuyện đồ ăn nói trong hồ hởi bao nhiêu, thì chuyện quần áo lại tiu nghỉu bấy nhiêu. Hóa ra chị lớn hơn tôi hai tuổi nhưng có nỗi buồn chung với tôi.
Đêm nào trước ngày Tết đến, hai chị em chúng tôi cũng… bàn về ngày Tết. Có lẽ vì chân thành khao khát Tết, mà ông trời đã ban cho hai chị em chúng tôi một món quà. Vị thiên sứ được Trời trao trọng trách này mang tên “mẹ”.
Hôm ấy, tôi nhớ rõ là trưa hai mươi tám Tết, sau khi mẹ đã bán hết số trái cây ở chợ về, hai chị em tôi ra đón mẹ trong cơn đói chờ cơm trưa thì gặp một nụ cười. Sau nụ cười tươi rói là một cái bịch ni lông màu xanh lá. Bên trong có thêm hai bọc nhỏ đựng quần áo. Vừa nhìn thấy, mắt hai chị em đã sáng rực, bàn tay đón lấy, chân thì nhảy cẫng, không sao kể xiết niềm vui.
Thật lòng chiếc đầm hôm ấy kiểu cọ ra sao chúng tôi đều quên sạch, chỉ nhớ mình trông như nàng công chúa khi ướm thử chiếc đầm đầu tiên. Niềm vui sướng khi món quà Tết được trao trước ngày đã đến như một phép màu, một ân huệ gieo xuống để niềm vui trong ngày Tết mọc lên!
Hai chị em vui mừng một, mẹ vui mừng mười. Chúng tôi cùng nhau mở bịch ni lông ra. Chị chiếc đầm hồng, tôi chiếc đầm vàng, còn mẹ thì phụ hai chị em chúng tôi ướm thử. Chiếc đầm công chúa xòe rộng ra như đôi cánh thiên thần màu trắng có phát sáng, chúng tôi xoay vòng khoe với mẹ, mẹ đứng bên ngắm nhìn rồi mỉm cười hạnh phúc.
Chiếc đầm còn rất rộng, có thể mặc thêm hai ba năm nữa. Tôi nhớ, những năm ấy mỗi khi mua quần áo, mẹ đều mua rộng để trừ hao mặc thêm vài năm.
![]() |
Tung tăng đi chúc Tết. Ảnh: TL |
Suốt ba ngày Tết, hai chị em chúng tôi đi đâu cũng mặc chiếc đầm công chúa. Từ mùng một, chúng tôi sang ngoại thăm ông bà, cô dì chú bác đến mùng hai chúng tôi đi công viên chụp hình kỉ niệm, rồi đến mùng ba được dẫn đi thăm họ hàng xa phía nội… Đi đâu chị em cũng được khen mặc đầm xinh quá. Sau ba ngày Tết, mẹ giặt hai chiếc đầm riêng ra, rồi cất vào trong tủ một cách gọn gàng.
Mọi điều đẹp đẽ háo hức được gác qua cho việc tất bật mưu sinh để mong cầu một cái Tết ấm no hạnh phúc hơn nữa.
Bây giờ, cô nàng hai lăm tuổi đã có chiếc tủ gỗ sơn bóng có gương soi chất đầy quần áo kiểu cách thời trang. Nhưng mỗi khi sắm đồ mới, lòng háo hức và niềm hân hoan khó có thể so sánh với sự mong đợi chiếc đầm công chúa những năm tháng xa xưa.
CHÂU CHÂU
(xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận)
Ban tổ chức cuộc thi Nhớ thương mùi Tết tiếp tục nhận bài đến ngày 15/2/2021.
Bài dự thi gửi về email: nhotet@thegioitiepthi.vn hoặc địa chỉ: số 57 đường 10, phường An Lợi Đông, quận 2, TP.HCM. Tiêu đề bài viết gửi qua email hoặc bì thư ghi: Dự thi “Nhớ thương mùi Tết”. Vui lòng ghi rõ thông tin tác giả: địa chỉ, số điện thoại, tài khoản.
Lễ trao thưởng tổ chức ngày 26/2/2021 (Rằm tháng Giêng).
![]() |
Gửi bình luận