Sống nơi đất khách quê người, khoảnh khắc giao thừa lại càng thiêng liêng, tôi phải cố nén lắm mới giữ cho những giọt nước mắt không rơi. Nhắc tới Tết là nhắc tới bánh chưng, bánh tét, bánh thuẫn, bánh men, điểm mứt dừa, gừng - những thức quà đặc trưng trong ngày Tết quê tôi. Tuy vậy với riêng tôi, hình ảnh người đàn ông đảo tay thoăn thoắt trên chiếc chảo gang dưới cái giá lạnh của buổi sáng sớm khiến tôi luôn nhớ mãi - hình ảnh người cha tần tảo của tôi.
Ba chỉ là người nông dân chất phác như bao người khác, nhưng có cái thú thưởng trà như những ẩn sĩ ở chốn thâm sơn cùng cốc. Có lẽ để khỏa lấp cái thú tao nhã kia mà ông đã học nghề sao chè, không bán cho ai, chỉ sao để cho chính mình và bạn bè tới chơi nhà thưởng thức.
![]() |
Ba dậy sớm, ra vườn hái những ngọn chè còn ướt đẫm sương mai. Ảnh: Công Ngô |
Buổi sáng của một ngày cận Tết, lạnh cắt da cắt thịt, vạn vật cũng dường như im lìm chịu trận trước sự tác oai của màn sương mờ ảo kia. Nhà tôi ở gần núi, “sương chùng chình qua ngõ” (Hữu Thỉnh). Thế mà ba tôi dậy sớm, vác giỏ ra sau nhà để hái những ngọn chè còn ướt đẫm sương mai. Ông nói rằng chè phải hái lúc đẫm sương như vậy thì trà mới ngon và đủ vị. Tôi chẳng biết còn có vị gì ngoài vị đắng chát cả. Thế nhưng trông cái bóng dáng lờ mờ, thoáng ẩn thoáng hiện trong lớp sương kia càng chứng tỏ ông yêu việc thưởng trà như thế nào. Phải yêu và tha thiết lắm thì con người ta mới dám bước ra khỏi nhà, để lao vào cái thời tiết giá lạnh như vậy.
Cũng kỳ lạ, bao nhiêu cái đẹp cái ngon, ai nấy cũng đều muốn bày ra cho hết vào ngày Tết, còn trong năm thì sẵn sàng dùng những thứ cũ kỹ nhất, quê mùa nhất, ngay cả đến hư mới thôi. Ba tôi cũng y chang vậy, nhìn cách ông kì cọ chiếc chảo gang mà thấy thương lạ lùng, tưởng chừng như ông có thể làm chiếc chảo cũ kĩ ấy mới lại bằng việc kì cọ cho bằng hết những cũ kĩ của năm dài tháng rộng mới thôi. Ông quý chiếc chảo ấy lắm, sao chè phải dùng chảo gang, mới nóng nhanh, nóng đều nhưng không quá hỗn. Dùng chảo nhôm hay chảo thiếc không thể cho ra trà ngon được.
Vả lại, chiếc chảo đó đã gắn bó với nhà tôi từ bao đời, ngày xưa nó dùng để nấu đường, nhưng giờ hết làm mía rồi nên dùng để sao chè, cũng ngon đáo để. Có lẽ thứ quý giá nhất với ba tôi chính là chiếc chảo này, là người bạn thân thiết, đã cho ông thức trà ngon do chính tay ông tự làm.
Con gà cất tiếng khi trời còn tối đất, tôi đã nghe tiếng rục rịch ngoài sau bếp, có lẽ ba chuẩn bị sao chè. Ông thường chọn sao vào sáng sớm, dưới cái lạnh, còn gì hạnh phúc bằng khi ngồi bên bếp lửa và tay thì đảo những ngọn chè xanh mướt. Mùi chè tỏa ra hòa cùng mùi khói bếp, sộc thẳng vào mũi như muốn đánh thức tất cả các giác quan.
Một mùi thơm rất đặc biệt, không ngọt như bánh, không thơm như mứt, mà chứa trong đó mùi hăng hăng của chè xanh, mùi héo của lá dưới cái nóng của chảo, mùi tươi của sương, mùi cay của khói và cả mùi hăng hắc của chiếc chảo gang nữa. Đến khi mùi đó ngấm vào từng vách mũi thì lại thấy một chút đăng đắng, chỉ ngửi thôi mà tưởng chừng như đang cầm tách trà trên tay, hít lấy một hơi, rồi thưởng thức từng ngụm từng ngụm nhỏ. Khi mũi tôi bắt được mùi đó là tức thảy biết rằng mẻ trà này sẽ ngon lắm đây, và nó mang nét đặc trưng của ngày Tết, có lẽ chè được hái trong khí trời trở mình sang xuân nên vị trà cũng thay đổi theo chăng?
Dưới ánh lửa, bóng của ba in dài trên vách đất với đôi bàn tay trần đảo qua đảo lại. Lâu lâu lại nghe ông xuýt xoa vì nóng, nhưng điều đó không hề làm giảm sự tập trung nơi ông. Thử hỏi một bàn tay trần được cho vào trong chảo làm sao không nóng cho được, phải là bàn tay rắn chắc lắm, dầm sương dãi nắng nhiều lắm mới chịu đựng nổi sức nóng của lửa.
Dù rời xa quê đã lâu, nhưng tôi vẫn luôn nhớ mãi cái mùi trà ấy - mùi của tình thương và của tấm lòng.
LAM HUỆ
(Ân Đôn, Ân Phong, Hoài Ân, Bình Định)
Ban tổ chức cuộc thi Nhớ thương mùi Tết tiếp tục nhận bài đến ngày 15/2/2021.
Bài dự thi gửi về email: nhotet@thegioitiepthi.vn hoặc địa chỉ: số 57 đường 10, phường An Lợi Đông, quận 2, TP.HCM. Tiêu đề bài viết gửi qua email hoặc bì thư ghi: Dự thi “Nhớ thương mùi Tết”. Vui lòng ghi rõ thông tin tác giả: địa chỉ, số điện thoại, tài khoản.
Lễ trao thưởng tổ chức ngày 26/2/2021 (Rằm tháng Giêng).
![]() |
Gửi bình luận