Năm nay mẹ ngoài sáu mươi, mái tóc đen dài chấm lưng đã trở thành búi tóc cuộn tròn nhạt màu mây khói. Lưng còng xuống vì gánh nặng thời gian không chịu bỏ sót ai trên dòng chảy cuồn cuộn của mình, mẹ ôm vào lòng thương yêu chồng con vô tận.
Cứ mỗi lần mẹ may đồ, con biết mùa Tết đang đến. Vì chỉ có Tết, cả nhà mới đồng loạt có quần áo mới. Vừa Chạp, mẹ đã may xong, mẹ nhóm than hồng bỏ vào cái bàn ủi con gà bằng đồng, rồi ủi phẳng phiu lên những đường may. Cái bàn ủi đã cũ, đầu con gà cứ gật lên gật xuống, con không nhớ bao lần bị bỏng.
![]() |
Tấm áo mẹ may chứa đựng tình yêu thương trong từng đường kim mũi chỉ. Ảnh minh họa: TL |
Con nhớ thuở ấy, con vẫn hay ngồi thật lâu ngước lên vách ngăn bằng lá giữa cái buồng ngủ và căn bếp. Mẹ treo quần áo mới của hai chị em con, đã được bao bằng bọc ni lông thẳng thớm, không bám bụi. Con chỉ ước Tết đến thật nhanh, thật dài để được mặc quần áo mới thay cho quần áo đã sờn gối, vá đụp. Ngày xưa mình nghèo, quê ngoại nghèo, và những đứa trẻ cùng con lớn lên ai cũng có giấc mơ nhỏ như con. Bọn trẻ đã từng chờ đợi trong hạnh phúc, đã từng sống rất an nhiên trong tuổi thơ tưởng như thiếu thốn mà vô cùng đầy đặn.
Con gái của chị Hai không có tuổi thơ chơi nhà chòi, bắt ốc len, câu cá. Con bé mặc đồ mới quanh năm, tủ áo không khác một shop thời trang thu nhỏ, đủ đầm váy, giày nón. Quần áo Tết với nó cũng chẳng đủ sức hút, chỉ là một ngày bình thường mẹ dắt đi sắm đồ. Cái cảm xúc mà mẹ nó từng trải qua, mãi mãi nó không bao giờ biết được.
Năm nay vừa Chạp, theo mẹ đi chợ mua vải may áo cho cha, hình ảnh người phụ nữ nón lá cắp giỏ vân vê từng mảnh vải tưởng như lạc loài rất lâu trở về trong trí nhớ của con, đâu đó ánh mắt ngưỡng mộ của chị hàng vải: “Chèn ơi, cô còn thấy đường may đồ hả?”. Giữa cái chợ ồn ào, vội vã, đầy quần áo may sẵn, mẹ như một vầng sáng nhỏ mà lấp lánh lạ kỳ. Mẹ chỉ còn may đồ cho mẹ và cha. Mẹ không bắt kịp thời trang ngoài kia nên không may cho chị em con nữa.
Chúng con cũng đã quen với những áo quần chỉ cần lựa là có thể mặc ngay, nhiều kiểu, nhiều màu sắc. Nó đẹp hơn, hiện đại hơn áo quần mẹ may cho con ngày bé, nhưng nó không mang thứ tình yêu thương có trong từng đường kim mũi chỉ. Nó không có bóng dáng người mẹ tảo tần ngoài đồng ban ngày, buổi tối cặm cụi bên cây đèn dầu leo lét cặm cụi ngồi đạp trên chiếc máy may cũ kĩ. Đồ ngày bé đã mục rã theo thời gian, thứ con còn giữ được là chiếc áo sơ mi trắng mẹ may ngày con vào cấp ba, chiếc áo cuối cùng mẹ may cho con, đã hơn chục năm có lẻ.
Mẹ vẽ xong nét phấn hồng lên mảnh vải sọc nâu, màu mà cha thích, con gái ngồi cạnh mẹ, lòng háo hức như đứa trẻ lên mười, chờ mẹ may cho manh áo mới. Tết chạm ngõ, Tết chạm lên đôi tay gân guốc của mẹ, Tết chạm lên miền ký ức vời xa!
THÙY NHƯ
(Đông Hải, Bạc Liêu)
Ban tổ chức cuộc thi Nhớ thương mùi Tết tiếp tục nhận bài đến ngày 15/2/2021.
Bài dự thi gửi về email: nhotet@thegioitiepthi.vn hoặc địa chỉ: số 57 đường 10, phường An Lợi Đông, quận 2, TP.HCM. Tiêu đề bài viết gửi qua email hoặc bì thư ghi: Dự thi “Nhớ thương mùi Tết”. Vui lòng ghi rõ thông tin tác giả: địa chỉ, số điện thoại, tài khoản.
Lễ trao thưởng tổ chức ngày 26/2/2021 (Rằm tháng Giêng).
![]() |
Gửi bình luận