Cảnh báo hiểm họa từ mua bán, cho thuê tài khoản xe công nghệ

Minh Tâm Thứ bảy, ngày 14/10/2023 18:50 PM (GMT+7)
Cách đây khoảng 4 tháng, Nguyễn Thanh Sang, 20 tuổi, ngụ TP Thủ Đức đã bỏ hơn 700.000 đồng để mua lại một tài khoản xe ôm công nghệ từ người bạn.
Bình luận 0

Vì sao tài xế chi tiền mua tài khoản xe ôm công nghệ?

Sang cho biết vì bằng lái xe mất nên không thể đăng ký tài khoản trên app của công ty, anh phải chọn cách mua lại tài khoản của người khác để chạy kiếm thêm. Dù biết là sai quy định nhưng anh cứ bấm bụng chạy tạm.

Theo Sang, việc mua bán và cho thuê tài khoản xe ôm công nghệ kèm theo thông tin cá nhân diễn ra rất phổ biến trên Facebook. Chỉ cần gõ cụm từ "Mua bán/cho thuê App/Grab/Be/Go/Aha..." trên Facebook sẽ cho ra hàng loạt hội nhóm đăng thông tin bán, cho thuê tài khoản ứng dụng xe công nghệ của các hãng một cách công khai.

Giá cho thuê tài khoản từ 300.000 - 800.000 đồng/tháng. Trường hợp bán hẳn, giá từ 1,3 - 1,5 triệu đồng/tài khoản.

Việc sử dụng tài khoản của người khác để chạy xe cũng khiến Sang gặp nhiều bất cập. Anh kể thời gian đầu, không biết cách cập nhật thông tin về biển số xe, CCCD, số điện thoại… nên khó khăn trong việc để khách nhận diện mình.

"Có khách nghi ngờ, hỏi sao thông tin trên app và bên ngoài không giống nhau. Tôi phải mất thời gian giải thích cho họ. Thậm chí có hôm phải mất 30 phút mới tìm đúng khách để chở, vì khách không nhận ra biển số xe mình", anh kể.

Cảnh báo hiểm họa từ mua bán, cho thuê tài khoản xe công nghệ - Ảnh 1.

Tài xế Nguyễn Thanh Sang, ngụ TP Thủ Đức chia sẻ về việc mua tài khoản để chạy vào hôm 12/10. Ảnh: Minh Tâm

Anh Lâm ở Bình Thạnh vừa mới chuyển sang chạy xe ôm công nghệ được hơn một năm. Anh kể để đăng ký tài khoản chạy ở công ty phải thực hiện nhiều thủ tục rườm rà, bao gồm đăng ký, chuẩn bị hồ sơ cá nhân, lý lịch tư pháp, xác nhận hạnh kiểm. 

Ngoài ra, anh còn phải đăng ký sim điện thoại chính chủ, tân trang lại xe, đóng tiền mua đồng phục, học cách sử dụng ứng dụng gọi xe trực tuyến, học các quy tắc giao tiếp cộng đồng, cũng như Luật Giao thông đường bộ...

Nếu đăng ký mở tài khoản, anh phải mất khá nhiều loại phí, như phí làm hồ sơ, phí chiết khấu trên mỗi chuyến xe... Trường hợp không may vi phạm luật giao thông 3 lần trở lên thì có nguy cơ bị khóa tài khoản vĩnh viễn.

"Vừa mất phí, vừa mất cơ hội việc làm. Để giảm chi phí và tránh dính vào danh sách 'đen' của các hãng xe công nghệ, tôi đành phải 'lách', bằng cách lên mạng mua lại tài khoản", anh cho hay.

Theo anh Lâm, việc bán hoặc cho thuê tài khoản xe công nghệ rất dễ dàng. Ban đầu lo ngại khách nghi ngờ, người bán đã chỉ cho anh một vài "mánh khóe", như nói xe bị hư, đổi xe khác nên không kịp cập nhật lên app, và đeo khẩu trang, bịt kín mặt để khách không nhận diện ra người khác...

Khách hàng dễ dãi!

Chị Nguyễn Thoa, ngụ quận Bình Thạnh đã gặp 2 trường hợp đặt xe ôm công nghệ nhưng tài xế lại không giống trên app. Cách đây hai tháng, chị đặt xe của một hãng xe ôm công nghệ đi từ nhà sang quận 7. Thật bất ngờ khi tài xế đến đón chị có biển số xe không giống như thông tin trên app.

"Tôi thực sự hoang mang, hỏi tài xế thì bảo xe hư nên mượn tạm của bạn chạy. May mắn là cả đoạn đường không gặp sự cố gì", chị Thoa bày tỏ.

Cùng nỗi lo, chị Hồng ở Phú Nhuận cho biết tuần trước chị đặt giao hàng từ nhà sang Tân Phú cho bạn. Thông tin tài xế trên app là nữ, tuy nhiên người lấy hàng lại là đàn ông. Chị Hồng hỏi tài xế thì người này bảo là chồng của chủ tài khoản trên app. "Nhưng vì cần giao gấp nên tôi chấp nhận", chị nói.

Theo chị Hồng, việc tài xế xe ôm công nghệ không thể hiện đúng thông tin trên app sẽ rất mất an toàn cho khách hàng. Cần có biện pháp cho những trường hợp như thế này.

Cảnh báo hiểm họa từ mua bán, cho thuê tài khoản xe công nghệ - Ảnh 2.

Tài khoản xe công nghệ được rao bán qua mạng. Ảnh: Chụp màn hình

Trao đổi với Dân Việt, đại diện Gojek Vietnam nhấn mạnh các hành vi như sử dụng xe khác so với thông tin đã được đăng ký; chia sẻ tài khoản, sử dụng tài khoản không chính chủ, hoặc mua bán, cho, cho thuê, cho mượn tài khoản, thuộc nhóm hành vi không được phép, với hình thức xử lý tùy theo mức độ, cao nhất là khóa vĩnh viễn tài khoản.

"Chúng tôi khuyến khích người dùng khi đặt chuyến xe cần kiểm tra thông tin cụ thể, chỉ lên xe khi thông tin trên ứng dụng trùng với thông tin phương tiện và tài xế đến đón. Nếu thông tin không trùng khớp, người dùng có thể từ chối chuyến xe, và thông báo qua mục Trợ giúp trên ứng dụng", đại diện này cho biết thêm.

Theo luật sư Lê Ngô Trung – Đoàn luật sư TP.HCM, việc cho thuê, mua bán tài khoản xe công nghệ tiềm ẩn nhiều nguy cơ khôn lường. 

Một số vụ án đã từng xảy ra, người thuê, mua tài khoản thực hiện hành vi cướp giật, hiếp dâm… hoặc các hành vi phạm tội khác đối với khách hàng. Lúc này, người bán, cho thuê  trở thành bên liên quan trong vụ án hình sự, và đôi khi phải liên đới chịu trách nhiệm trong vụ việc.

Về phía khách hàng, khi gặp sự cố, nguy hiểm xảy ra thì cơ quan chủ quản chỉ có thể hỗ trợ tìm được chính chủ tài khoản.

"Cơ quan chủ quản dịch vụ xe công nghệ cần đưa ra các biện pháp rà soát và mạnh tay chấn chỉnh. Khách hàng cần kiểm tra thông tin nhận diện (khuôn mặt, số xe…) khi sử dụng dịch vụ. Nếu nghi ngờ cần phản ánh ngay để ngăn chặn rủi ro", luật sư Trung nhấn mạnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem