Khoảng 30 năm trước, quê tôi hầu như không có nhà xây mái ngói như bây giờ. Toàn là nhà tranh vách đất. Đúng hơn là nhà mái tranh, vách trét phân trâu trộn lẫn bùn đất. Năm tôi 6 tuổi, "Cái lụt Hăm ba tháng Mười" mưa đen trời thối đất, căn nhà che mưa che nắng bị nước táp vào, dột khắp nơi. Vách bị rả, bong tróc, xiêu vẹo... Ba động viên: "Không sao, mái tranh đã mục nát, cái cột nhà cũng bị mối ăn. Ráng ở. Tới tháng Chạp dựng lại nhà".
Hết lụt, ba đi tìm một đống cây: xoan, mít, thầu đâu, tre..., nhờ người cưa xẻ. Sau đó đem ngâm dưới bùn, để làm cột, đà, kèo, trính, đan phên tre làm vách... Má đi gom rơm rạ, lên rẫy cắt tranh về phơi, đánh thành từng liếp.
![]() |
Nhà tranh vách đất là hình ảnh quen thuộc của nhiều vùng nông thôn Việt Nam. Ảnh: TL |
Tháng Chạp đến, không khí Tết rộn rã. Nhà nọ nhà kia bắt đầu cúng tất niên, cũng là lúc ba, má dựng lại nhà. Mấy dượng, mấy chú cũng xúm lại giúp. Không lâu sau, khung nhà được dựng lên, đủ đầy cột, kèo, đà... Mái tranh cũng được lợp, chỉ thiếu... cái vách.
Má đi múc cát, đất mịn, đất sắt, gồng gánh quải về. Má tìm thêm nước cây bời lời, lá dâm bụt được đâm dẻo, rơm đã đạp nhuyễn... Ba về nhà nội, ngoại, lân la nhà hàng xóm xin phân trâu. Lúc đó, quanh nhà toàn phân trâu. Tôi chẳng hiểu sao lại thồ hàng đống phân trâu về làm gì. Phân trâu đủ loại. Loại khô, ba đổ nước vào đánh tan, rồi hòa cùng loại nhão, trộn đều với cát, đất mịn. Ba giải thích, để trét lên vách nhà. Vì phân trâu chống ẩm, mốc, mối mọt rất hay. Có thêm đất mịn, tạo độ mịn cho vách... Hỗn hợp này kết hợp những thứ má đem về, tạo nên độ kết dính cao. Tôi nghe mà "ù ù cạc cạc".
Đến khi ba làm, tôi mới ồ lên thích thú. Hôm đó trời nắng ráo. Ba trét loại hỗn hợp lạ kỳ ấy lên phên tre. Trét trong lẫn ngoài. Ba nói trét vậy giúp vách kiên cố hơn. Thử đụng tay vào, thật ngạc nhiên là không bị dính chút đất nào. Rơm lẫn lộn trong đó cũng không bị lòi ra. Vách nhà bóng loáng.
Tôi muốn được góp công. Ba sai đi lượm sỏi. Sau đó ném nhẹ lên vách. Cái vách trét phân trâu với bùn đất, lại được... trang trí thêm sỏi đủ màu, trông đẹp cực kỳ. Anh em tôi cười tít mắt.
20 Tết, nhà đã thành hình, nhưng cái nền còn lỗ chỗ. Tối, ba má gánh đất về đổ, trộn đất thịt với muối và tro, san bằng, nện kỹ. Ba giải thích, đó là cách để nền nhà săn chắc, trời mưa luôn khô, trời nắng không bị nứt.
25 Tết, tôi có nhà mới. Mấy đứa bạn trong xóm lại nhà tôi chơi, thi nhau chép miệng trầm trồ: "Nhà mày đẹp, chứ nhà tao lở hè, rã vách hết rồi", "Nhà mày hơn nhà tao, nhà tao vừa dọi lại mái vì dột"... Khỏi phải nói, tôi ngập tràn hãnh diện, sung sướng.
Ba mua mấy chậu vạn thọ với mấy chậu cúc về chưng. Thế là không khí Tết ngập tràn. Bữa cơm Tất niên, cả nhà quây quần bên nhau, dọn mâm cơm, ngồi đòn dưới đất, lòng ai cũng hạnh phúc, ấm cúng vô cùng. Vì Tết này có nhà mới.
Đêm giao thừa, bên ngọn đèn dầu leo lét, anh em tôi nghe ba nói chuyện với má, hẹn ăn Tết xong, qua năm sắm sửa nhiều thứ, để nhà tươm tất hơn.
Mấy hôm Tết, đêm nào cũng vậy, dưới ngọn đèn dầu lập lòe, anh em tôi ngắm nghía rồi đếm từng tờ tiền được lì xì. Một ngàn. Hai ngàn... Nhẩm tính. Nhiều quá. Cả gia tài của tuổi thơ. Những tiếng cười lanh lảnh vang lên.
Kỷ niệm của cái Tết năm ấy, tôi kể gần như đủ đầy. Chỉ thiếu mỗi chi tiết, là nhà vì vừa mới trét vách, nên thoang thoảng mùi hăng hắc, thum thủm của phân trâu. Cả mùi nồng nồng của đất, bùn trộn lẫn...
Tôi chẳng biết gọi tên cái mùi đó thế nào cho trọn vẹn. Tôi thường gọi bằng cái tên trừu tượng, là mùi của cái Tết yêu thương. Cái mùi đó thấm sâu trong tôi hàng chục năm qua, với vô vàn ký ức đẹp đẽ, với những cảm xúc không thể nào quên.
Đó cũng là cái mùi đã ngấm vào da thịt tôi, hằn sâu vào từng trang ký ức tuổi thơ tôi. Mà hễ mỗi khi Tết sắp sửa đến, là cái mùi đó dậy lại trên sống mũi, trong tâm trí, làm tôi nhớ tới nhớ lui rất nhiều.
Trải qua cả chục cơn bão lụt, ngôi nhà ấy vẫn an nhiên che chở cho cả gia đình tôi, cùng đón gần chục cái Tết sum vầy nữa. Chỉ khác là, theo thời gian, cái mùi năm xưa không còn.
Năm tôi 15 tuổi, ba má xây được nhà mới. Muốn lưu giữ lại ngôi nhà ấy làm kỷ niệm, để khi nhìn vào có thể nhớ thời xưa cũ khó khăn, nên ba giữ lại. Tiếc là, cơn bão năm nào đó đã cuốn ngôi nhà trôi theo dòng nước.
Bao cái Tết đến rồi đi, mang theo vô vàn thứ mùi khác. Mùi bánh, mùi mứt, mùi hoa, cả mùi của sự pha trộn những đủ đầy, khá giả, giàu có... Nhưng với tôi, cái mùi của cái Tết yêu thương năm đó, vẫn là cái mùi đặc biệt nhất, khiến tôi luôn nhớ về. Mà dường như tôi chưa từng được ngửi lại bao giờ. Cái mùi phân trâu, mùi bùn đất...
Bỗng thấy tiếc ngẩn ngơ, nhớ ơi là nhớ căn nhà dấu yêu ngày cũ!
NGUYỄN THANH NAM
(Quận Bình Tân, TP.HCM)
Ban tổ chức cuộc thi Nhớ thương mùi Tết tiếp tục nhận bài đến ngày 15/2/2021.
Bài dự thi gửi về email: nhotet@thegioitiepthi.vn hoặc địa chỉ: số 57 đường 10, phường An Lợi Đông, quận 2, TP.HCM. Tiêu đề bài viết gửi qua email hoặc bì thư ghi: Dự thi “Nhớ thương mùi Tết”. Vui lòng ghi rõ thông tin tác giả: địa chỉ, số điện thoại, tài khoản.
Lễ trao thưởng tổ chức ngày 26/2/2021 (Rằm tháng Giêng).
![]() |
Gửi bình luận