Chợ tết tấp nập, mọi người ai nấy đều vội vã. Tôi cũng hòa vào dòng người ấy, để chuẩn bị cho gia đình mình một cái tết tươm tất. Tôi ghé hàng trái cây, hàng nào cũng đầy ắp, đủ loại trái cây nội, ngoại nhập, người mua kẻ bán rôm rả. Lọt thỏm giữa những hàng trái cây đông tấp nập ngày tết ấy, là một bà cụ già với một rổ mãng cầu nhỏ trước mặt, tôi ghé lại hỏi thăm bà và mua hết rổ mãng cầu ấy.
Bà kể, con cháu bà ở xa. Nhà bà có trồng ít cây ăn quả nên bà đem ra chợ bán, nhìn cảnh đông người bà cũng bớt cảm giác nhớ con cháu. Tôi nhìn bà chợt nhớ đến bà ngoại tôi da diết. Mới đó mà bà xa tôi hơn mười lăm năm. Ký ức vẫn còn nguyên vẹn như những ngày tôi còn được ở bên bà ngoại.
![]() |
Phiên chợ cuối năm đông vui, náo nhiệt mang hơi thở của tết, của một mùa xuân mới. Từ hàng thịt, hàng quà quê dân dã, hàng hoa trái đến hàng rau, hàng lá dong, hàng bán quần áo... đều chật kín người mua. Ảnh: TL |
Tôi được sinh ra và lớn lên ở thành phố. Thường thì tôi được gởi về quê với bà ngoại vào dịp hè. Năm học lớp năm, tôi được ba mẹ đưa về quê ăn tết. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi được ăn tết cùng bà ngoại.
Những ngày giáp tết, mọi người trong nhà ai nấy đều tất bật. Tết ở quê không giống với tết ở phố của tôi. Bánh mứt trong nhà mọi người đều tự làm. Một mình dì Ba tôi với một thau củ gừng to, dì làm các công đoạn từ rửa củ, đến gọt vỏ, bào mỏng, rồi rim mứt. Dì Tư thì bào cơm dừa thành sợi để làm mứt dừa, rổ to không kém. Tôi được uống nước dừa no nê. Mấy cậu tôi tập trung gói bánh chưng, không khí ấm áp, mỗi người làm một việc nhưng tràn ngập tiếng cười.
Tôi được phân công nhiệm vụ phủ lớp bột áo vào khuôn bánh in trước khi ngoại tôi bỏ bột nếp và nước đường vào ép, rồi bỏ nhân bánh và thêm một lớp bột nữa, dùng tay ấn mạnh để bột kết dính, sau đó đập bánh cho rớt ra khỏi khuôn. Tôi xuýt xoa mãi những cái bánh đẹp, mặt mũi dính đầy bột. Ngoại nhìn tôi lăng xăng chạy qua chạy lại, nụ cười của bà thật hiền.
Giây phút tôi mong đợi nhất là được mấy cậu vớt cho tôi cái bánh chưng nhỏ xíu, gói riêng cho lũ trẻ chúng tôi, chỉ cần nấu nửa thời gian quy định là bánh đã chín. Đợi bánh bớt nóng là chúng tôi mở ra ăn ngay, vừa thổi vừa ăn, rồi lại giành nhau chí chóe.
Đêm giao thừa ở nhà ngoại không có ti vi, chỉ có tiếng cười rộn rã, bên mâm cơm gia đình đầy đủ các con cháu, cùng chúc nhau ly rượu xuân, và đám trẻ chúng tôi xếp hàng để nhận mừng tuổi năm mới, cảm giác thật là ấm áp và hạnh phúc.
Tối nào tôi cũng đòi ngủ với bà ngoại, nghe bà kể chuyện ngày xưa, hít mùi thơm của hương bưởi trên tóc ngoại và mùi ngai ngái của trầu ngoại ăn, tạo nên một mùi rất đặc trưng. Dù đã rụng hết răng nhưng ngoại vẫn nhai trầu, những miếng trầu được ngoại têm thật khéo.
![]() |
Những ngày cuối năm, lũ trẻ thích thú về quê để có cơ hội trải nghiệm cùng bà gói bánh chưng, thêm củi, thay nước, trò chuyện bên bếp lửa hồng. Ảnh: TL |
Tết ở quê thật thích và trôi qua rất nhanh. Tôi muốn ở lại để được chơi nhiều hơn với thằng Tèo, con Mỹ và những đứa bạn cùng lứa trong xóm nhưng qua đến mùng bốn tôi phải theo bố mẹ lên thành phố.
Mấy tháng sau, gia đình tôi nhận tin dữ. Bà ngoại qua đời trong khi đang ngủ.
Tôi đặt dĩa mãng cầu lên bàn thờ và thắp hương cho bà. Nhìn ảnh bà vẫn đôi mắt hiền từ và miệng như đang cười, nước mắt tôi tuôn thành dòng.
Một mùa xuân mới lại về. Giờ là mẹ của hai đứa con nhưng ngày tết về quê, tôi vẫn nghĩ mình là đứa trẻ luôn quấn quýt bên bà ngoại.
LÊ VI THỦY
(TP. Pleiku, Gia Lai)
Ban tổ chức cuộc thi Nhớ thương mùi Tết tiếp tục nhận bài đến ngày 15/2/2021.
Bài dự thi gửi về email: nhotet@thegioitiepthi.vn hoặc địa chỉ: số 57 đường 10, phường An Lợi Đông, quận 2, TP.HCM. Tiêu đề bài viết gửi qua email hoặc bì thư ghi: Dự thi “Nhớ thương mùi Tết”. Vui lòng ghi rõ thông tin tác giả: địa chỉ, số điện thoại, tài khoản.
Lễ trao thưởng tổ chức ngày 26/2/2021 (Rằm tháng Giêng).
![]() |
Gửi bình luận