TikTok, mạng xã hội khiến Facebook phải lo ngại
Theo dữ liệu từ trang phân tích SensorTower, TikTok, mạng xã hội chia sẻ video của ByteDance, vừa cán mốc 1,5 tỷ lượt tải về trên hai cửa hàng ứng dụng là App Store và Google Play.
Chỉ trong vòng 9 tháng (tính từ tháng 2/2019), TikTok đã có thêm 500 triệu lượt tải về và nếu tính từ đầu năm đến ngày 14/11, con số này là 614 triệu lượt, nhiều hơn 6% so với năm ngoái.
![]() |
TikTok khá phổ biến trong giới trẻ. Ảnh: Business Insider |
Trong đó, sự tăng trưởng của TikTok phần lớn đến từ sự bùng nổ người dùng tại Ấn Độ, chiếm khoảng 31% trong tổng số lượt tải về. Thị trường lớn thứ hai là quê nhà Trung Quốc với khoảng 11,5% và Mỹ đứng thứ ba với 8,2%.
TikTok đang trở thành mối đe dọa lớn đối với Facebook khi mạng xã hội này cực kỳ phổ biến với các đối tượng trẻ thuộc thế hệ Z (sinh năm 1996 trở về sau). Trong khi đó, đây cũng là đối tượng mà Facebook mong muốn chiếm lại để có thể tăng trưởng người dùng.
Theo báo cáo của Sensor, trong 5 ứng dụng được tải về nhiều nhất, TikTok đứng ở vị trí thứ ba, sau WhatsApp và Messenger nhưng đứng trước Facebook và Instagram. Đặc biệt hơn, TikTok cũng là ứng dụng duy nhất không thuộc về Facebook trong số 5 ứng dụng đứng đầu.
Theo Business Insider, tính đến nay, đối thủ cạnh tranh chính với TikTok trong số các ứng dụng thuộc Facebook là Instagram đang kém khoảng 238 triệu lượt tải về so với mạng xã hội đến từ Trung Quốc.
Điều quan trọng là lượt tải về nhiều không đồng nghĩa với việc TikTok có thể lớn mạnh hơn Instagram. Instagram có 1 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng từ năm 2018. Trong khi đó, TikTok mới đạt được con số này vào tháng 6/2019 dù có được 1 tỷ lượt tải về từ tháng 2/2019. Vì vậy, Instagram có thể sẽ dẫn trước so với TikTok về lượng người dùng hàng tháng.
![]() |
Ứng dụng Lasso vẫn chưa thể thành công như Facebook mong muốn. Ảnh: TechCrunch |
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Instagram và Facebook có thể yên tâm để mặc TikTok phát triển. Tháng 12/2018, Facebook đã ra mắt ứng dụng chia sẻ video với tên gọi Lasso. Chiến lược của CEO Mark Zuckerberg là hướng ứng dụng này tới những thị trường TikTok chưa đặt chân tới như Mexico. Có điều, Lasso vẫn chưa thể thành công do gặp khó khăn trong việc xây dựng mạng lưới người dùng.
Còn Instagram, ứng dụng này vừa ra mắt công cụ chỉnh sửa video với tên gọi là Reels, được sao chép từ Duet, tính năng mang lại sự thành công của TikTok. Reels sẽ được thử nghiệm tại Brazil đầu tiên và sau đó, Instagram sẽ mang tính năng này ra toàn cầu.
ByteDance "nhăm nhe" cạnh tranh với Apple và Spotify
Theo thông tin từ Financial Times, ByteDance đang đàm phán với các công ty thu âm lớn nhất thế giới như Universal Music, Sony Music và Warner Music - để thỏa thuận cấp phép toàn cầu nhằm đưa các bài hát thuộc các công ty này vào dịch vụ đăng ký nhạc mới của công ty Trung Quốc.
![]() |
Ứng dụng nghe nhạc của ByteDance sẽ cạnh tranh trực tiếp với Apple và Spotify. Ảnh: IT |
Nguồn tin thân cận cho biết, ByteDance sẽ cho ra mắt ứng dụng này vào tháng tới, ban đầu sẽ là các thị trường mới nổi như Ấn Độ, Indonesia và Brazil trước khi ra mắt tại Mỹ.
Ngoài các bài hát theo yêu cầu, ứng dụng của ByteDance, vẫn chưa được đặt tên, sẽ bao gồm một thư viện các video clip ngắn để người nghe tìm kiếm và đồng bộ với các bài hát khi nghe. ByteDance cũng sẽ tận dụng mạng lưới người dùng khổng lồ của TikTok để quảng cáo cho ứng dụng mới này.
Vẫn chưa rõ mức phí của ứng dụng nhạc của ByteDance là bao nhiêu nhưng theo Financial Times, con số này được dự đoán sẽ thấp hơn với mức 9,99 USD của Apple và Spotify.
Rõ ràng, với mức phí thấp cùng với mạng lưới người dùng rộng lớn có sẵn, các ông lớn như Apple và Spotify sẽ phải lo lắng khi ByteDance ra mắt ứng dụng mới.
"Sẽ khiến chủ tịch Tập Cận Bình thất vọng"
Theo The Wall Street Journal, TikTok đang tìm cách đổi thương hiệu ở Mỹ để giảm thiểu việc nhận biết đây là một công ty đến Trung Quốc. TikTok cũng đã triển khai các thuật toán giúp giảm lượng các video từ người dùng Trung Quốc xuất hiện trong nội dung video của người dùng trên toàn cầu.
![]() |
CEO Alex Zhu khẳng định sẽ từ chối yêu cầu về kiểm duyệt và dữ liệu người dùng của chính phủ Trung Quốc. Ảnh: Youtube |
Sự phổ biến TikTok đã khiến các nhà lập pháp Mỹ đã lên tiếng lo ngại rằng công ty mẹ ByteDance có thể chiều ý theo các lệnh kiểm duyệt Trung Quốc để loại bỏ các nội dung chỉ trích chính quyền. Đồng thời, công ty này có thể sẽ gửi dữ liệu người dùng của người dân Mỹ cho chính phủ Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây với tờ New York Times, CEO Alex Zhu cho biết "khiến chủ tịch Tập Cận Bình thất vọng" nếu ông ấy yêu cầu Zhu giao ra dữ liệu người dùng hoặc xóa các nội dung của người dùng.
TikTok cho biết đã thuê công ty an ninh mạng Special Counsel để điều tra về việc bảo mật và Special Counsel đã không tìm thấy bất kỳ việc chia sẻ dữ liệu nào không phù hợp.
"Dữ liệu của TikTok chỉ được sử dụng bởi TikTok và dành cho người dùng TikTok", Zhu khẳng định.
Gửi bình luận