Bùng nổ công nghệ QR Code ở Việt Nam: "Bảo bối" chống dịch Covid-19 và hơn thế nữa (Bài 2)

Nguyễn Thịnh Thứ năm, ngày 26/08/2021 09:15 AM (GMT+7)
Công nghệ QR Code rõ ràng là một xu hướng toàn cầu, và Việt Nam cũng sử dụng công nghệ này ngày càng tăng, đặc biệt trong thời đại dịch Covid-19.
Bình luận 0

Công nghệ QR Code ứng dụng sâu rộng

QR Code được ứng dụng rất nhiều trong cuộc sống ngày nay. Bạn có thể thường xuyên nhìn thấy mã này trên các sản phẩm mình sử dụng. Doanh nghiệp thường đặt QR Code để người dùng có thể quét mã và truy xuất các thông tin về sản phẩm như nơi sản xuất, loại sản phẩm, thành phần sản phẩm, các danh mục liên quan,...

Bùng nổ công nghệ QR Code ở Việt Nam: "Bảo bối" chống dịch Covid-19 và hơn thế nữa (Bài 2) - Ảnh 1.

Việc dán tem truy xuất nguồn gốc đang là một yêu cầu bắt buộc. Ảnh Khánh Nguyên.

QR Code cũng có thể được sử dụng để trao đổi các thông tin và phương thức liên lạc. Bạn chỉ cần quét mã và xem giới thiệu về một doanh nghiệp hoặc số điện thoại hay địa chỉ của một người nào đó.

Chẳng hạn như bạn hoàn toàn có thể tìm kiếm bạn bè trên các mạng xã hội như Facebook, Line,... một cách nhanh chóng thông qua mã QR mà các nhà phát triển nền tảng đó cung cấp cho bạn.

Giải pháp thanh toán bằng QR Code cũng phát triển rất nhanh tại Việt Nam, góp phần giảm thanh toán bằng tiền mặt đang rất phổ biến hiện nay.

Hà Nội và TP. HCM là hai trung tâm kinh tế thị trường lớn nhất cả nước, nơi tập trung của rất nhiều các sản phẩm và dịch vụ. Vì thế việc áp dụng mã QR code ở 2 thành phố này trở thành tiêu điểm của nhiều cuộc khảo sát.

Tại Việt Nam, ngay từ những ngày đầu chống dịch, công nghệ QR code đã được ứng dụng ở nhiều nơi và trong nhiều lĩnh vực, phổ biến nhất là trong y tế và giao thông và thanh toán không tiền mặt.

Công nghệ QR Code: "Bảo bối" chống dịch Covid-19

Từ đầu năm 2020, để thuận tiện cho người dùng và hỗ trợ công tác truy vết, mã QR được triển khai khắp các điểm công cộng. Người dân chỉ cần smartphone, quét mã QR để khai báo y tế. Dữ liệu này sau đó sẽ được chuyển về Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống Covid-19 và bóc tách khi xuất hiện ca lây nhiễm cộng đồng.

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội, chiều 26/2, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh từng cho biết: Bộ Y tế đã chỉ đạo việc phải dán mã QR Code ở tất cả các cơ quan đơn vị, người đến làm việc phải quét mã QR Code "Check in" và "Check out" để thuận tiện cho việc truy vết khi cần thiết.

Bùng nổ công nghệ QR Code ở Việt Nam: "Bảo bối" chống dịch Covid-19 và hơn thế nữa (Bài 2) - Ảnh 2.

Từ đầu năm 2020, để thuận tiện cho người dùng và hỗ trợ công tác truy vết, mã QR được triển khai khắp các điểm công cộng.

Mọi người dân khi đến các cơ quan đơn vị phải thực hiện quét mã để thuận tiện cho việc truy vết khi cần thiết. "Mọi thông tin về cá nhân sẽ được bảo mật, chỉ phục vụ công tác phòng chống dịch. Người dân nên phối hợp thực hiện", ông Hạnh nói.

Ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội nhấn mạnh: "Việc quét mã QR Code không phải là hình thức khai báo y tế duy nhất, người dân có thể khai báo bằng bản in, bằng phần mềm... Tuy nhiên, đây là hình thức nhanh nhất hỗ trợ thông tin cho cơ quan chức năng".

Theo Bộ Y tế, dướng dẫn khai báo y tế bằng QR CODE phục vụ người dân có thể "Khai báo y tế" trong quá trình ĐI VÀ ĐẾN hay còn gọi là "CHECK-IN/CHECK-OUT" Y TẾ bằng MÃ QR-CODE sẽ giúp hỗ trợ các địa phương trong công tác giám sát người dân khi đến và đi trong địa bàn tỉnh, trong phạm vi quản lý của các cơ quan đơn vị.

Theo đó, tất cả các địa điểm: Công sở, bệnh viện, trường học, siêu thị, chợ truyền thống, các cơ sở lưu trú, nhà hàng… đều phải thực hiện kiểm soát y tế đối với khách đến và đi bằng mã QR Code.

Sau thời gian đầu chống dịch, công nghệ QR code tiếp tục được ứng dụng nhiều trong các ứng dụng khai báo y tế, "di biến động" dân cư, xác nhận đăng ký và chứng nhận tiêm chủng....

Nếu như trước kia đi tiêm vaccine phòng Covid-19 phải kê khai đăng kí tiêm ở trên giấy khá mất thời gian, thì nay chỉ cần chưa đầy 2 phút, người dân đã hoàn thành việc kê khai đăng kí tiêm với đầy đủ thông tin về sức khỏe, lịch đăng kí cũng như chủ động được việc chọn địa điểm tiêm trên Hệ thống quản lý tiêm chủng E-vaccine.

Bùng nổ công nghệ QR Code ở Việt Nam: "Bảo bối" chống dịch Covid-19 và hơn thế nữa (Bài 2) - Ảnh 3.

Kê khai thông tin tiêm chủng bằng quét mã QR Code. Ảnh Nguyễn Chương.

Chỉ cần quét mã QR Code, người dân không cần kê khai bất kì thủ tục nào khi đến đăng ký. Tất cả thông tin tại khu vực khám sàng lọc, tư vấn đánh giá của y bác sỹ được cập nhật thành công trên hệ thống thông qua mã QR Code cùng với thông tin về loại vaccine, số mũi tiêm theo ngày giờ được hiển thị tuyệt đối chính xác.

Chị Trương Khánh Ly nói với phóng viên Dân Việt: "Theo quy trình công nghệ QR Code, hệ thống tiêm chủng E-Vaccine trở nên dễ sử dụng. Rất thuận tiện theo từng bước chứ không còn phải sử dụng giấy tờ rườm rà như trước".

Trong khi đó, từ hồi tháng 7, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh áp dụng thí điểm trả kết quả xét nghiệm bằng QR Code cho người dân qua ứng dụng "Y tế HCM".

Kết quả xét nghiệm bằng QR code nhận được có giá trị tương tự như Tờ xác nhận kết quả xét nghiệm và có thể sử dụng để xuất trình cho cơ quan chức năng khi có yêu cầu. Mã QR này được dùng chung trong hệ thống quốc gia và được chấp nhận trong cả nước. Do đó, kết quả xét nghiệm bằng QR này được sử dụng trên các ứng dụng ứng dụng khai báo y tế của thành phố "Y tế HCM" và Bluezone.

QR code cũng được ứng dụng rất tích cực trong ngành giao thông vận tải. Những phương tiện thuộc "luồng xanh" sẽ được dán một mã QR. Khi đi qua các chốt kiểm dịch, cán bộ kiểm soát chỉ cần quét mã QR là biết tình trạng sức khỏe của tài xế, loại nhu yếu phẩm đang chở, lộ trình di chuyển...

Bùng nổ công nghệ QR Code ở Việt Nam: "Bảo bối" chống dịch Covid-19 và hơn thế nữa (Bài 2) - Ảnh 4.

Hình ảnh ghi nhận vào lúc 1h00 sáng ngày 30/7 tại chốt kiểm soát số 5 trên cầu Phù Đổng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) đoạn nối vào cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, đường thông thoáng, các xe di chuyển tốt nhờ quét mã QR Code. Ảnh Viết Niệm.

Từ ngày 11/8, Bộ Công an chính thức triển khai phần mềm quản lý công dân vùng dịch dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tại các chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên toàn quốc.

Theo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), người dân có thể khai báo y tế tại nhà bằng việc truy cập website suckhoe.dancuquocgia.gov.vn. Sau khi hoàn tất, phần mềm sẽ cấp mã QR. Khi đến chốt kiểm soát dịch, lực lượng chức năng quét mã QR bằng điện thoại thông minh, đối chiếu với giấy tờ tùy thân của công dân.

Chia sẻ về việc ứng dụng công nghệ trong truy vết, xét nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Nguyễn Trường Nam nhận định, nếu như áp dụng theo phương thức truyền thống, thủ công là hỏi F0 trong 14 ngày vừa qua đã làm gì, đi đâu, tiếp xúc với đối tượng nào… không chỉ mất rất nhiều thời gian mà thông tin chưa hẳn đã chính xác, khiến công tác truy vết gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, với ứng dụng công nghệ thông tin, thông qua hoạt động người dân khai báo y tế hay quét mã QR ở các địa điểm đi, đến; khi phát hiện ra F0, ngay lập tức đã có hệ thống dữ liệu theo dõi trong 14 ngày. Tương tự, trong công tác lấy mẫu xét nghiệm, công nghệ thông tin cũng giúp trả kết quả rất nhanh chóng và đơn giản, người dân có thể chủ động khai báo thông tin trên ứng dụng điện thoại khi đến các điểm xét nghiệm.

Ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin – Bộ Y tế, cũng cho biết việc xây dựng hệ thống cho phép cấp mỗi người một mã QR đã được hoàn thiện khoảng 80%.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất trong việc triển khai mã QR cho mỗi người dân là liên thông dữ liệu. Hiện nay, nhiều ứng dụng đang tạo ra các QR khác nhau. Nhưng trong thời gian tới, khi dữ liệu được liên thông, các mã này sẽ được gộp thành một.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem