Bộ trưởng GDĐT Nguyễn Kim Sơn đối diện ra sao với các vấn đề nóng trước Quốc hội?

Tào Nga Thứ năm, ngày 11/11/2021 06:00 AM (GMT+7)
Sáng nay (11/11), Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn sẽ đăng đàn để trả lời các nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo trước Quốc hội.
Bình luận 0

Theo dự kiến, phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo của Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn diễn ra trong thời gian từ 8h55 đến 14h50 ngày 11/11.

Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng GDĐT Nguyễn Kim Sơn ngồi "ghế nóng" trả lời chất vấn trước Quốc hội. Trước đó, tại kỳ họp 11, Quốc hội khóa XIV, ông Nguyễn Kim Sơn đã được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ GDĐT vào tháng 4/2021. Trên cương vị mới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã phải đối mặt với những thách thức trong ngành giáo dục.

Nhiều vấn đề "nóng" trong giáo dục, Bộ trưởng GDĐT Nguyễn Kim Sơn trả lời thế nào trước Quốc hội? - Ảnh 1.

Bộ trưởng GDĐT Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: MOET

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV diễn ra vào sáng 11/11, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn sẽ đưa ra các giải pháp cho 4 vấn đề "nóng".

Bảo đảm chất lượng dạy và học, đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dự kiến còn có thể kéo dài, Bộ GDĐT đã chỉ đạo triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để bảo đảm chất lượng dạy và học, tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, ngành giáo dục là một trong những ngành chịu tác động, ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất của dịch Covid-19 nên hiện tại gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, với Giáo dục Mầm non, một bộ phận không nhỏ giáo viên ngoài công lập không có lương khi phải nghỉ dạy trong thời gian học sinh không đến trường dẫn đến tình trạng giáo viên bỏ việc. Đây sẽ là khó khăn lớn của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trong việc đảm bảo an toàn cho trẻ và chất lượng giáo dục khi huy động trẻ đến trường sau thời gian nghỉ dịch.

Ngoài ra, học sinh không đến trường trong khi nhiều phụ huynh không có kỹ năng, kiến thức chăm sóc gây nên áp lực, căng thẳng, dễ mất an toàn. Nhiều phụ huynh phải sắp xếp công việc để chăm sóc con làm ảnh hưởng đến thu nhập và phát triển kinh tế. 

Với Giáo dục Phổ thông thì thiếu thiết bị, học liệu dạy và học trực tuyến. Thực tế có tới 1,5 triệu học sinh không có bất cứ thiết bị nào để học tập theo phương thức này. Việc xây dựng kế hoạch giáo dục, phương pháp học cũng như năng lực giáo viên còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Với Giáo dục Đại học, do tình hình dịch bệnh kéo dài nên hiện tại vẫn còn 20 trường đại học có sinh viên chưa hoàn thành hết bài thi đánh giá kết thúc năm học, chủ yếu thuộc các khối trường văn hóa nghệ thuật, trường đào tạo khối ngành sức khỏe.

Nhiều vấn đề "nóng" trong giáo dục, Bộ trưởng GDĐT Nguyễn Kim Sơn trả lời thế nào trước Quốc hội? - Ảnh 2.

Việc học trực tuyến còn nhiều khó khăn là bài toán dành cho Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Tào Nga

Dạy và học trực tuyến 

Theo thống kê của Bộ GDĐT, tính đến ngày 30/10, cả nước có 23 tỉnh thành phố tổ chức dạy học trực tiếp. Còn lại các tỉnh vẫn phải học kết hợp các hình thức trực tiếp, trực tiếp và qua truyền hình. Do sử dụng phần mềm dạy học miễn phí nên chất lượng chưa đảm bảo, đường truyền không ổn định, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. 

Ngoài ra, việc học trực tuyến với học sinh lớp 1, 2 còn nhiều khó khăn. Bài giảng điện tử còn hạn chế. Số lượng máy tính đã huy được chỉ mới đáp ứng được 46,1% tổng nhu cầu cần hỗ trợ của học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tình trạng học sinh học không chuyên cần, bỏ học và có nguy cơ bỏ học, tái mù chữ vẫn còn ở một số địa phương.

Việc giảm tải cho học sinh cũng gặp khó khăn trong thời gian đầu năm học vì giáo viên và nhà trường phải xây dựng lại kế hoạch dạy học, giáo án. Một số nội dung không được tổ chức dạy học, học sinh phải tự học, tự nghiên cứu và không được làm thí nghiệm. Nhiều giáo viên chưa thực sự thấm nhuần tư tưởng đổi mới, ngại đổi mới và dạy theo nếp cũ.

Thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn

Theo số liệu từ Bộ GDĐT, hiện nay tỷ lệ trẻ em dân tốc thiểu số dưới 3 tuổi đến lớp còn thấp, chỉ đạt 21,2% (tỷ lệ chung 28,5%), tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số đi học đúng độ tuổi cấp THPT là 47% (tỷ lệ chung 68%), vẫn còn 19% người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên chưa đọc thông viết thạo tiếng Việt. Tỷ lệ người lao động trong độ tuổi vùng dân tộc thiểu số đã qua đào tạo đạt 10,8% (tỷ lệ chung 23,1%), trong đó có trình độ đại học trở lên là 3% (tỷ lệ chung 9%). 

Ngân sách nhà nước còn khó khăn nên mức hỗ trợ chính sách cho học sinh, giáo viên vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội còn hạn chế, chưa phù hợp với thực tế hiện nay. Ngân sách đầu tư cho phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc, miền núi còn hạn chế dẫn đến nhiều chương trình dự án, đề án chưa bố trí đủ kinh phí thực hiện.

Hiện nay một số địa phương, trường học, ký túc xá vẫn còn đang được trưng dụng làm nơi thu dung, điều trị, cách ly y tế, chưa kịp sửa chữa, khử khuẩn nên chưa đảm bảo các điều kiện đón học sinh trở lại trường học tập. 

Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong bối cảnh dịch bệnh

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT còn nhiều khó khăn, phức tạp: Phải tổ chức thành 2 đợt cách nhau 1 tháng, phải thực hiện đồng thời mục tiêu kép vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh vừa tổ chức nghiêm túc, khách quan. Điều này tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và toàn xã hội.

Công tác tổ chức thi còn một số điểm cần điều chỉnh như tăng cường vai trò chủ động của địa phương trong các khâu tổ chức thi, có các biện pháp phù hợp để hạn chế, tiến tới không để xảy ra một số sai sót kỹ thuật trong các khâu tổ chức thi.

Trước khi trở thành Bộ trưởng Bộ GDĐT, ông Nguyễn Kim Sơn (SN 1966) là Giám đốc ĐHQG Hà Nội. Ông thành thạo 2 ngoại ngữ là Tiếng Trung và Tiếng Anh, từng nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ GDĐT, Bằng khen của ĐHQG Hà Nội.

Nhiều vấn đề "nóng" trong giáo dục, Bộ trưởng GDĐT Nguyễn Kim Sơn trả lời thế nào trước Quốc hội? - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Kim Sơn ngồi trên "ghế nóng" ngành GDĐT từ tháng 4/2021. Ảnh: MOET

Ngay sau khi được bổ nhiệm, Bộ trưởng đã chia sẻ: "Đây là vinh dự lớn đối với cá nhân tôi khi tôi được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ giao phó trọng trách này. Nhưng tôi không tránh khỏi ít nhiều lo lắng, lo lắng vì mình sẽ hoàn thành trọng trách lớn đó như thế nào, có đáp ứng được kỳ vọng mà Đảng, nhân dân gửi gắm hay không. Do đó tôi thấy không phải áp lực mà là rất áp lực... Bản thân tôi sẽ cố gắng hết sức".

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết: "Giáo dục và Đào tạo là lĩnh vực lớn, người đứng đầu sẽ phải quan tâm và bao quát, nên khó có thể nói sẽ quan tâm đến một việc cụ thể nào nhất. Tuy nhiên, trên cương vị mới, tôi sẽ nắm bắt tìm hiểu và phân loại hai nhóm việc: Nhóm việc trước mắt, cấp bách, việc nóng phải làm ngay (như Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới hay việc triển khai chương trình GDPT) và nhóm việc lâu dài của nền giáo dục…

Có những việc nóng nhưng chưa hẳn là việc lớn, tôi cũng sẽ tìm hiểu giải quyết ngay. Nhưng có những việc lớn, lâu dài khi nhận nhiệm vụ, tôi cũng sẽ bắt tay vào ngay như: Tôi sẽ cùng với đồng nghiệp xây dựng chương trình hành động và ban hành chiến lược phát triển giáo dục của ngành GDĐT để triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, đưa Nghị quyết vào cuộc sống".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem