Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội kéo dài thời gian thực hiện mức thuế 2.100 đồng/lít (giảm 30% so với quy định) với nhiên liệu bay trong cả năm 2021 nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không và các doanh nghiệp hàng không, giảm chi phí đầu vào nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với nguyên tắc quy định mức thuế bảo vệ môi trường.
![]() |
Việc tiếp tục giảm thuế nhiên liệu bay sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào. Ảnh minh họa: IT |
Theo Bộ Tài chính, hiện nay, dịch Covid-19 đã được kiểm soát tại Việt Nam nhưng ở nhiều quốc gia trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp. Do đó, trong năm 2021, kinh tế thế giới dự báo tiếp tục chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch khiến nhiều lĩnh vực gặp nhiều khó khan, đặc biệt là ngành hành không. Thị trường hàng không nội địa trong năm nay và sang năm 2021 sẽ phục hồi từng bước nhưng còn nhiều khó khăn, riêng thị trường quốc tế cần thời gian dài.
Bộ Tài chính tính toán, việc giữ nguyên mức thuế trong năm 2021 sẽ làm giảm thu thuế khoảng 860 - 960 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, thiệt hại của ngành hàng không đang rất nghiêm trọng do số lượng khách hàng và chuyến bay khai thác sụt giảm mạnh.
Tính chung 10 tháng năm 2020, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt hơn 3,8 triệu lượt, giảm 73,8% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, các doanh nghiệp hàng không cũng phải gia tăng chi phí cố định để duy trì hoạt động của doanh nghiệp như chi phí thuê máy bay, chi phí đậu đỗ và các chi phí chi thường xuyên khác.
Vì vậy, Bộ Tài chính cho biết việc giảm thuế sẽ góp phần giúp doanh nghiệp vận tải hàng không giảm bớt gánh nặng về tài chính, duy trì hoạt động kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc hạn chế nhập cảnh dự kiến tiếp tục kéo dài.
Trước đó, ngày 27/7/2020, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 979/2020, quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 2.100 đồng/lít, áp dụng từ ngày 1/8/2020 đến hết 31/12/2020. Sang năm 2021, mức thuế được áp dụng sẽ là 3.000 đồng/lít (tăng 900 đồng).
Gửi bình luận